Vì sao ngày càng nhiều nam giới là nạn nhân mua bán người?

Lực lượng Bộ đội Biên phòng áp giải một đối tượng có hành vi mua bán người. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Bộ Công an, tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng, trong đó tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh.

Nam giới bị mua bán để cưỡng bức lao động

Đầu tháng 3/2022, khi đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Minh K. (24 tuổi, quê Ninh Thuận) đã nghe theo lời dụ dỗ của một người quen xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với lời hứa mức lương hơn 1.000 USD/tháng, được bao ăn ở.

Tuy nhiên, sang đến Campuchia, anh K. đã bị dẫn đến làm việc tại một sòng bạc trá hình. Nghi ngờ bị lừa, anh K. đã liên tục gọi điện cho người đàn ông đưa mình sang Campuchia để xin trở về nước nhưng không liên lạc được. Khi hỏi quản lý, anh mới biết, mình đã bị bán với giá 3.500 USD.

Anh K. kể lại sau khi làm được 15 ngày ở công ty thứ nhất, do không đạt doanh số nên anh đã bị đánh đập, chích điện, bỏ đói. Sau đó, anh bị bán qua công ty thứ hai và công ty thứ ba nhưng tiếp tục không đạt doanh số nên vẫn bị đánh đập, chích điện, bỏ đói 2 ngày và bị bán qua công ty thứ tư, trước khi trốn chạy thoát thân.

Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng Năm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…

Nhiều đường dây tội phạm mua bán người đã xuất hiện với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao," tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc...

Theo thông tin tại buổi sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 1326/KHPH-CCSHS-CPCMT&TP về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng) và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) tổ chức hồi tháng Sáu, tại hai tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng và mua bán ma túy gia tăng và rất nghiêm trọng.

Trong hàng ngàn người Việt Nam làm việc tại các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến ở Campuchia, nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt đã xuất nhập cảnh trái phép, bị cưỡng bức làm việc, nếu muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc rất cao, từ 100-150 triệu đồng.

Tại Lào, tình hình mua bán người từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có chiều hướng gia tăng tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở tỉnh Bò Kẹo, Lào. Đây là nơi có quy mô rất lớn, giáp khu "Tam giác Vàng" - trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 thế giới.

Trên tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam, các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển cũng gia tăng. Hoạt động mua bán người sang các nước châu Âu... lao động trái phép vẫn diễn ra.

Nam giới bị dụ dỗ bán nội tạng

Năm 2022, thông qua mạng xã hội, một thanh niên ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được một đối tượng không rõ lai lịch dụ dỗ vượt biên sang Campuchia bán thận với giá hàng trăm triệu đồng. Do túng tiền, nam thanh niên này đánh liều “nhắm mắt đưa chân."

Rất may, gia đình và công an địa phương phát hiện sự việc kịp thời, tổ chức phương án giải cứu nạn nhân an toàn từ khu vực giáp ranh giữa Campuchia và Thái Lan.

Các báo cáo và kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng cầm đầu một đường dây mua bán người. (Nguồn: TTXVN)

Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Nhiều đối tượng hoạt động phạm tội trước đây từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết được nhu cầu và lợi nhuận cao, đã câu kết, móc nối với các đối tượng khác hình thành đường dây hoạt động phạm tội.

Gần đây, do chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" đã bị các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh nên người dân có phần cảnh giác hơn, các đối tượng buôn người đã gia nhập các nhóm mua bán thận trên mạng xã hội, hứa hẹn "mua thận với giá hàng trăm triệu đồng" nhằm lôi kéo, lừa bán người ra nước ngoài.

Thủ đoạn của các đối tượng là lập nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, dưới danh nghĩa là bác sỹ y tá tại các bệnh viện quốc tế tại nước ngoài, đăng các bài viết dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài bán thận với giá cao mà không phải làm bất kỳ thủ tục pháp lý nào, móc nối, câu kết với số đối tượng ở khu vực biên giới hình thành đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp.

Hồi tháng Ba vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "Mua bán bộ phận cơ thể người” với các bị cáo Đào Đức Hai Việt (sinh năm 1994, ngụ tại Bắc Ninh), Hoàng Đức Tùng (sinh năm 1991, ngụ tại Hà Giang), Phạm Quang Cảnh (sinh năm 1996, ngụ tại Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (sinh năm 1992, ngụ tại Quảng Ngãi), Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1999, ngụ tại Vĩnh Phúc), Đào Quang Hưng (sinh năm 1992, ngụ tại quận 10) và Huỳnh Kim Ngân (sinh năm 1995, ngụ tại Sóc Trăng).

Vụ án này do Tôn Nữ Thị Huyền (sinh năm 1974) cầm đầu, nhưng trong quá trình truy tố chờ xét xử, Huyền đã tử vong do bị bệnh nên tòa quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Huyền.

Theo cáo buộc, các bị cáo đã cấu kết chặt chẽ, phân công vai trò cụ thể từng người. Từ việc tìm kiếm người bán thận trên mạng internet, đưa người đi xét nghiệm ở bệnh viện, nuôi dưỡng người bán thận, đưa người bán thận sang Campuchia và về Việt Nam, đến thanh toán tiền mua thận.

Đáng chú ý, trong vụ án này các bị cáo từng là nạn nhân của đường dây bán thận chui sau đó trở thành môi giới kiếm tiền từ việc mua bán thận. Theo kết luận giám định, các bị cáo là người bị cắt hoặc mất 1 quả thận, bị tổn thương cơ thể từ 45 đến 50%.

Từ năm 2017-2019, Huyền đã cùng các bị cáo tìm kiếm hơn 100 người bán thận và đưa họ đi xét nghiệm tại nhiều bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đường dây này đã đưa 20 người sang Campuchia cấy ghép thận thành công.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012-2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân, tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ so với cùng kỳ năm 2022.

Ở Việt Nam, một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng nạn mua bán người chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái và mua bán người chỉ liên quan đến việc di chuyển xuyên biên giới và giữa các quốc gia. Tuy nhiên, thực tế, nạn nhân của mua bán người hiện nay bao gồm cả nam giới và trẻ em trai, đồng thời tội phạm mua bán người không chỉ ở nước ngoài mà diễn ra ngày càng nhiều ở trong nước.

Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người trong nội địa chiếm 15%, nạn nhân là nam giới chiếm 10%; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27%.

Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ kết quả khảo sát cho thấy nạn nhân của mua bán người là nam giới chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cá biệt có những địa phương có hơn 80% nạn nhân là nam giới. Trong khi đó, tại các địa phương, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chủ yếu tập trung vào đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái, ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy công tác này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và phù hợp với các đối tượng, tình hình thực tế.

Quang cảnh Lễ phát động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân Phòng, chống mua bán người 30/7. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2013, Liên hợp quốc lựa chọn ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người." Tại Việt Nam, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là Ngày Toàn dân Phòng, chống mua bán người nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người năm 2023 có chủ đề: "Hướng tới tất cả nạn nhân bị mua bán, không để ai bị bỏ lại phía sau." Nhân dịp này, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phối hợp với Đại sứ quán các nước: Australia, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện một đoạn phim ngắn để làm rõ những quan niệm sai về mua bán người và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, cũng như kêu gọi các hành động bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Đoạn phim nhấn mạnh nạn mua bán người xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày. Để đấu tranh hiệu quả với nạn mua bán người, điều quan trọng là phải có nhận thức đúng và toàn diện về vấn nạn này, cũng như cần phải nhìn nhận nạn mua bán người dưới nhiều lăng kính khác nhau, hiểu rõ tác động của vấn đề này tới từng cá nhân, nhận ra các dấu hiệu và có khả năng thông báo cho cơ quan chức năng nếu chúng ta chứng kiến ai đó hoặc tự thấy mình gặp nguy hiểm./.

(Vietnam+)