9 cách nuôi dạy con phổ biến nhưng có hại

1. So sánh con cái với anh chị em: Một trong những phương pháp nuôi dạy con cái lỗi thời và tiêu cực là so sánh con với anh chị em ruột. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách cha mẹ đối xử với con cái và cách cư xử của trẻ với anh chị em, dẫn đến xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, việc so sánh còn ngăn cản trẻ phát triển thành những cá nhân độc lập.

2. Không giải thích cho con hiểu về những quyết định của cha mẹ: Một trong những cách dạy con thường gặp là kiểu ra lệnh đơn giản "vì bố mẹ đã nói vậy". Ví dụ: "Con phải làm thế này vì con là con của bố/mẹ, đừng bàn cãi thêm". Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy không được lắng nghe, cảm thấy bất đồng quan điểm với cha mẹ hoặc bị phụ thuộc. Thay vào đó, phụ huynh nên nói chuyện với con cái theo cách phù hợp với lứa tuổi để giúp chúng hiểu lý do bạn đưa ra những lựa chọn nhất định. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với con và tạo không gian cho chúng hiểu và xử lý các tình huống trong tương lai.

3. Phớt lờ cảm xúc của trẻ: Trẻ còn nhỏ không có nghĩa là cảm xúc của chúng không đáng được quan tâm. Bỏ qua cảm xúc của trẻ không chỉ khiến chúng cảm thấy tồi tệ mà còn có thể dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra trong điều kiện di truyền và môi trường phù hợp, việc phớt lờ cảm xúc của trẻ trong thời gian kéo dài có thể là yếu tố dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới.

4. Lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc trẻ: Bố mẹ có thể vô tình lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc của con trẻ bằng cách phủ nhận ký ức của con về một sự việc nào đó, bảo chúng là đang phản ứng thái quá hoặc đổ lỗi cho chúng về những vấn đề của bố mẹ để bào chữa cho bản thân. Điều này khá phổ biến, có nguy cơ khiến trẻ mắc các vấn đề rối loạn tâm thần, thiếu tự tin, khó duy trì các mối quan hệ lành mạnh.

5. Liên tục than vãn với con cái: Than vãn với con về những vấn đề cá nhân mang hướng tiêu cực là điều tuyệt đối không nên làm. Hãy tưởng tượng những câu nói như "Bố của con quá lười biếng, ông ấy thậm chí còn không rửa bát. Mẹ ghét cuộc hôn nhân này". Trẻ em không phải là bác sĩ tâm lý của bạn. Chúng cũng không thể giải quyết các vấn đề của cha mẹ. Thay vào đó, phụ huynh hãy giải quyết những vấn đề của mình và tìm đến một chuyên viên tâm lý thực thụ.

6. Không cho phép con cái bất đồng ý kiến: Một sai lầm phổ biến khác của cha mẹ là nổi giận hoặc phủ nhận lỗi sai khi con cái thắng trong một cuộc tranh luận. Lâu dần, điều này có thể khiến trẻ không muốn bày tỏ cảm xúc, quan điểm của bản thân. Thay vào đó, phụ huynh hãy thể hiện sự tôn trọng con cái bằng cách lắng nghe tích cực và cởi mở với những quan điểm khác biệt của trẻ.

7. Trừng phạt bằng cách khiến trẻ xấu hổ: Mạng xã hội đang thịnh hành xu hướng dùng sự xấu hổ để trừng phạt trẻ, nhưng phương pháp này không hiệu quả mà còn gây hại. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên lạm dụng lời nói khiến trẻ cảm thấy xấu hổ vì nó có tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ em. Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng riêng. Khi bị trừng phạt trước đông người, bé cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối. Nếu loạt cảm xúc tiêu cực nhất đạt đến đỉnh điểm, chúng có thể xuất hiện hành động tiêu cực.

8. Gắn mác "khó bảo" cho trẻ: Một số cha mẹ thường xuyên nói về con mình là "hư hỏng", "khó bảo" chỉ vì trẻ chơi game, xem điện thoại di động... như thể đó không hoàn toàn là lỗi của phụ huynh đã nuông chiều trẻ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra thay vì mặc định là con hư, phụ huynh hãy giúp trẻ học tính kỷ luật lành mạnh bằng cách thiết lập các ranh giới.

9. Bỏ qua tổn thương của chính bạn: Nhiều vấn đề của con cái có khả năng bắt nguồn từ việc cha mẹ không tự giải quyết các vấn đề cá nhân trước khi nuôi dạy trẻ. Trang Parents chỉ ra sức khỏe tinh thần hoặc cảm xúc của phụ huynh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những đứa trẻ mà họ đang nuôi dạy. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể không nhận thức được vấn đề của mình. Lời khuyên trong trường hợp này là cha mẹ nên trao đổi với chuyên gia sức khỏe hoặc tâm lý, kết nối với các phụ huynh khác để có cộng đồng hỗ trợ.

Ngọc Bích