Anh đã trở về

- Anh, anh đang ở đâu?

- Anh nào, mẹ cu Nghĩa gọi ai đấy?

Giữa đêm khuya, mẹ chồng Thủy thấy con dâu ngồi bật dậy, miệng thoảng thốt nói như vậy. Bà lo lắng, đi lại đặt tay lên vai con dâu, nhẹ nhàng hỏi:

- Có chuyện gì vậy con?

- Anh ấy gọi con mẹ ạ!

- Nhưng anh nào, ở đâu gọi con cơ chứ?

Thủy không nói gì, hướng mắt nhìn về phía xa xăm…

Đã mấy tháng nay, giấc ngủ của Thủy cứ chập chờn, người gầy rộc hẳn đi. Ban ngày, công việc ở trường học, về nhà lại chạy xem qua cả ba gia đình, rồi còn con trai nữa, tất cả đã cuốn Thủy đi như một cái máy. Đêm đến, nằm ngả lưng mãi mà không ngủ được. Thủy nằm đó, suy nghĩ miên man những chuyện đâu đâu!? Khi vừa chợp mắt, lại như thấy một bóng hình thân quen bay lượn trước mắt cô, có hôm lại gọi rõ tên Thủy. Hình bóng ấy, tiếng gọi ấy quen quen lắm, nhưng mơ hồ quá, Thủy không thể nhận ra ai!?

Những hôm trăng sáng, dọn dẹp xong việc nhà, mẹ chồng và con trai đã yên giấc ngủ, Thủy lại ra ngồi trên hòn đá xanh bên gốc cây nhãn. Thấm thoắt cũng hơn mười năm rồi. Cây nhãn năm nay chắc sai quả lắm, bây giờ hoa đã nở đầy cành. Thủy ngồi đó, nghĩ về những chuyện xa xưa…Dạo ấy, trong nhóm bạn học cấp ba thì Thanh là cậu bạn rất giỏi về môn Hóa, Trung thì khá về Vật Lý, còn Thủy lại có năng khiếu về Văn hơn cả. Nhóm học này thân, quý nhau lắm. Họ bổ trợ cho nhau trong học tập, họ chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Thủy là cô gái duy nhất trong nhóm nên luôn được ưu tiên, nhường nhịn. Thủy xinh đẹp, dịu hiền. Thanh điềm đạm, ít nói nhưng sống rất có trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người, chân thành với bè bạn. Còn Trung thì ngược lại, sôi nổi, mạnh mẽ. Những năm học cấp ba là quãng thời gian đẹp đẽ nhất. Biết bao hoạt động cùng nhau, biết bao ước mơ cho một tương lai đang rộng mở…

Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ ném bom tứ tung. Không chỉ cầu cống, đường xá, kho tàng, bến cảng mà ngay cả nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện…đã bị tàn phá nặng nề. Máu đã đổ, bao mạng người đã bị vùi lấp sau những đợt ném bom rải thảm của giặc Mỹ xâm lược, tội ác chất chồng, trời không dung, đất không tha!

Thanh niên trong độ tuổi tòng quân đều lần lượt lên đường giết giặc. Các bạn của Thủy cũng không nằm ngoài số đó.

Thanh và Trung cùng có nguyện vọng sẽ thi vào đại học Tổng Hợp, còn Thủy muốn được vào đại học sư phạm để sau này xin về dạy học ở quê, tiện chăm sóc mẹ. Nhà Thủy chỉ có hai mẹ con, bố mất từ khi mẹ còn rất trẻ. Thanh thì có tới ba anh em nhưng anh trai cậu ấy đã hy sinh trong chiến trường miền nam, còn một cô em gái, bố Thanh chết trong trận bom Mỹ thả bừa xuống cánh đồng làng. Bố của Trung là Liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường bên Lào, nhà chỉ còn mẹ và em gái nữa. Ba đứa chơi thân với nhau, nhà lại ở gần nên ba bà mẹ cũng là chỗ thân tình. Khi nhà nào có công việc gì họ xúm tay vào cùng lo liệu, có món ngon, có quả chín đầu mùa họ cùng chia sẻ với nhau, những lúc nông nhàn, những hôm trăng thanh gió mát, bên ấm nước chè xanh, họ lại cùng nhau rủ rỉ đủ chuyện…

Thanh có giấy báo nhập ngũ. Mẹ Thanh đã tính mang cơi trầu sang nhà Thủy, hỏi vợ cho con. Em gái Thanh cũng muốn thế lắm, nhưng Thanh không chịu. Thanh nói với mẹ: “ Con sắp vào chiến trường, sống chết không biết thế nào, đừng làm khổ người ta!”. Tình cảm giữa Thanh và Thủy mọi người đều biết: họ yêu nhau. Hai bạn cũng đã có lời hẹn ước: chờ ngày chiến thắng trở về.

Hôm Thanh lên đường, Thủy tặng Thanh một chiếc khăn mùi xoa. Thủy thêu lên đó một khóm hoa hồng, có một nụ hoa đang hé nở. Thanh hiểu ý của Thủy. Chiếc khăn tay ấy là kỷ vật quý, Thanh để trong túi áo bên ngực trái, nơi con tim luôn thổn thức của anh. Trên đường hành quân, mỗi khi dừng nghỉ, Thanh lại lấy chiếc khăn ra xem rồi đặt lên đó một nụ hôn. Chiếc khăn tay như hình bóng của Thủy, luôn theo sát bên anh trên suốt chặng đường hành quân, cho anh thêm niềm vui, thêm sức khỏe và sâu đậm thêm lòng tin vào ngày chiến thắng trở về.

Trung và Thủy cùng thi đỗ vào Đại Học, vì Trung là con Liệt sĩ nên được tạm hoãn việc nhập ngũ. Hai bạn ở trong ký túc xá của nhà trường, cứ chiều thứ bảy lại cùng nhau về thăm nhà. Họ tranh thủ ngày nghỉ để giúp đỡ công việc cho các mẹ, ưu tiên nhất cho gia đình nhà Thanh.

Thanh nhập ngũ được 7 tháng thì gia đình nhận được giấy báo tử, trong giấy báo ghi là: hy sinh trên đường hành quân vào mặt trận phía Nam.

Tại buổi lễ truy điệu, mẹ Thanh đã khóc ngất lịm đi. Thế là hai người con trai của mẹ đều đã hy sinh!!!

Thủy và Trung, cả hai bà mẹ nữa đã luôn ở bên mẹ Thanh, chăm lo mọi việc cho gia đình Thanh. Thủy đã nuốt nước mắt vào trong, nén nỗi đau để động viên, an ủi Mẹ.

Thời gian trôi đi, ngày giỗ đầu của Thanh đã qua được hơn 3 tháng thì Trung nhận lệnh nhập ngũ. Tại nhà Thủy, ba bà mẹ đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi. Mẹ Trung thưa chuyện với mẹ Thủy: “Cháu Thanh đã hy sinh hơn một năm rồi, nay đến lượt thằng Trung nhà tôi sắp phải lên đường, tôi xin bà cho cháu Thủy về làm dâu con nhà tôi. Cháu Thủy làm vợ thằng Trung thì nó vẫn ở ngay đây, ở nhà tôi hay ở bên nhà bà cũng được, miễn là con nó vẫn ở cùng với chúng ta. Em gái thằng Thanh và em gái thằng Trung rồi chúng nó cũng sẽ đi lấy chồng. Cháu Thủy nó gần gũi chúng ta, nó hiểu hoàn cảnh, tính nết của cả ba bà già này rồi phải không ạ”. Mẹ Thanh cũng đồng tình như vậy và nói thêm: “Thanh với Thủy hai đứa yêu nhau, nhưng thằng Thanh nó vắn số, đã sớm hy sinh. Ba đứa cùng là bạn thân thiết của nhau, cũng đã hiểu tâm tính của nhau, nếu hai cháu nó đồng tình thì nên tổ chức sớm, hy vọng trước khi Trung ra chiến trường sẽ có đứa cháu để lại”. Mẹ Thủy cũng chỉ mong như thế.

Đám cưới của Trung với Thủy tổ chức được sáu ngày thì Trung lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng luyện quân, Trung được cấp trên cử đi học lớp hạ sĩ quan, về làm tiểu đội trưởng khung huấn luyện tân binh. Đơn vị đóng gần nên Trung cũng được về thăm nhà đôi ba lần. Sau ba khóa huấn luyện tân binh, đơn vị Trung nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền nam. Lúc này, con trai của vợ chồng Trung-Thủy cũng đã được hơn ba tháng tuổi, cháu bụ bẫm, phổng phao lắm, cháu được đặt tên là Nghĩa. Cháu bé đã thực sự là nguồn vui chung của cả ba gia đình.

Lại nói chuyện về Thanh, thực chất là cậu ấy chưa chết. Thời kỳ đó, bộ đội từ miền Bắc hành quân vào chiến trường miền nam đông lắm. Quanh khu vực trạm giao liên số 79 ở Nam Lào, rất nhiều đoàn đi B dừng chân ở đó, có tới sáu, bảy nghìn người phải phân tán nằm chờ thông đường và xuồng máy chở quân, suôi dòng sông Sê Kông vào chiến trường miền nam qua đất Căm Pu Chia. Thám báo của địch ngày đêm rình rập, những chiếc máy bay OV10 bay liệng, nhòm ngó suốt ngày đêm, phát hiện mục tiêu thì báo ngay cho máy bay F4 hay C130 tới ném bom hoặc phóng đạn pháo xuống nơi mà chúng nghi là có bộ đội ta. Đã có một số tổn thất do để lửa khói làm lộ nơi trú quân. Đã có những đơn vị bị bom địch ném trúng ca nô, khi đang xuôi dòng sông Sê Kông. Những tổn thất không thể lường trước được…

Đơn vị của Thanh hành quân đi từ 4 giờ chiều, hai tiếng sau thì tới bến. Cả trung đội cùng lên một xuồng máy lớn. Đã qua đất Lào, bắt đầu vào địa giới tỉnh Stung Cheng của Căm Pu Chia thì máy bay C130 của địch lao xuống ném bom. Một quả bom rơi nổ ngay sát bên, hất tung cả chiếc xuồng chở quân! Suốt mấy ngày sau, bộ đội của binh trạm cũng chỉ tìm, vớt được 19 thi thể đưa đi chôn cất, số còn lại có thể đã bị nước cuốn trôi! Đơn vị của Thanh báo cáo lên cấp trên, đề nghị làm giấy báo tử cho cả trung đội.

May mắn thay, Thanh bị hất tung lên một đám giây leo bùng nhùng. Tới ngày thứ ba thì các anh giao liên phát hiện thấy, đưa về trạm xá của binh trạm. Sau hai tháng điều trị, dưỡng sức, Thanh được nhập vào một đơn vị khác, hành quân đi tiếp. Đơn vị mới của Thanh về làm nhiệm vụ ở miền đông nam bộ. Thanh không hề biết là mình đã có giấy báo tử gửi về địa phương. Ở đơn vị mới, Thanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được bổ nhiệm tới chức trung đội trưởng.

Đơn vị được bổ xung tân binh từ miền Bắc mới hành quân vào. Trung đội của Thanh được tám người. Khi nghe đọc đến tên: Trần Trọng Trung, Thanh vui mừng nhận ra thằng bạn học thân thiết cùng quê với mình. Còn Trung thì bàng hoàng, sửng sốt, nói thật to lên: “Ôi, thằng Thanh, mày còn sống à, mày đã có giấy báo tử, địa phương làm lễ truy điệu mày mấy năm nay rồi cơ mà!?” Hai người ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi.

Đêm hôm đó,Trung đã kể hết mọi chuyện sảy ra kể từ ngày Thanh nhập ngũ đến khi Trung đi B. Thanh được nhìn thấy những người thân yêu trong tấm ảnh mà Trung mang theo: có đủ ba bà mẹ, có hai mẹ con Thủy và cả hai cô em gái. Trung vô tình nên đã không nhận ra ánh mắt đượm buồn của Thanh, khi xem ảnh cưới của vợ chồng Trung-Thủy!

- Tao chúc mừng hạnh phúc của vợ chồng mày, Thủy là cô gái tuyệt vời, mày phải tôn trọng, đối sử với cô ấy thật tốt nhé.

- Thủy yêu mày lắm, sau khi có giấy báo tử và làm lễ truy điệu mày, đã có mấy người đặt vấn đề xây dựng gia đình với Thủy, trong số đó có bác sĩ Huy, làm việc ở bệnh viện huyện mà mày cũng biết, nhưng Thủy từ chối tất cả. Khi tao có lệnh nhập ngũ, cả ba bà mẹ đều vận động Thủy chấp thuận làm vợ tao, để có cô ấy ở lại bên các mẹ. Bây giờ gặp mày còn sống thế này, thực tình tao áy náy quá.

- Chiến tranh mà, biết làm sao!? Thủy được hạnh phúc, các mẹ yên tâm, vui vẻ là ổn rồi.

Sau khi hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Ở miền nam đã hình thành những vùng đan sen nhau: một số vùng do chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN (quân giải phóng) kiểm soát, phần còn lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (quân ngụy) vẫn chiếm đóng. Tuy vậy, việc vi phạm lệnh ngừng bắn sảy ra thường xuyên từ cả hai phía. Quân ta vừa đánh trả quân ngụy lấn chiếm đất, vừa tổ chức đánh lớn vào các căn cứ của quân ngụy, quyết tâm sớm giải phóng hoàn toàn miền nam. Với những hỏa lực mạnh mà quân Mỹ chuyển giao lại, quân ngụy cũng thường xuyên nống ra lấn chiếm đất, ném bom, bắn pháo vào vùng giải phóng của ta…

Đầu năm 1975, đơn vị chuẩn bị hành quân đi làm nhiệm vụ trong một chiến dịch lớn, được phổ biến là phải hành quân xa đến hai ngày đường. Anh em khẩn trương chuẩn bị, Trung vừa lau xong khẩu súng Ak thì quân ngụy lại bắn pháo vào, không kịp nằm tránh, Trung đã bị đạn pháo bắn trúng. Thanh chạy ào lại, ôm chặt người Trung mà khóc không thành tiếng. Đau xót khôn cùng! Thanh vuốt mắt cho bạn và tự tay khâm liệm cẩn thận, cùng anh em trong trung đội đào hố chôn đồng đội hy sinh. Cây Săng lẻ bên sườn đồi là mốc giới phần mộ của Trung.

Đơn vị bắt đầu hành quân thì máy bay của quân ngụy lại nhào xuống ném bom. Thêm 3 chiến sĩ nữa hy sinh! Đơn vị vẫn phải cấp tốc hành quân đi cho kịp thời gian hiệp đồng tác chiến, chỉ có mấy đồng chí cùng bộ phận chính sách của trung đoàn được giao ở lại, lo hậu sự cho các đồng chí mới hy sinh. Anh em chỉ tìm được 2 thi thể, còn xác của trung đội trưởng Thanh, đã bới tìm khắp khu vực mấy hố bom và xung quanh cũng không thấy. Có thể xác của Thanh đã bị quả bom rơi trúng người, tan nát bay văng đi mất, hoặc bị hất tung lên ngọn cây dưới sườn đồi, trôi trượt đi đâu đó?

Vào chiến dịch mùa xuân 1975, toàn quân dồn sức cho thắng lợi cuối cùng. Đơn vị của Thanh làm nhiệm vụ hết nơi này lại chuyển tiếp đi nơi khác, không quay trở lại nơi xuất phát.

Khu vực bị ném bom hôm trước, gần ấp của người dân tộc Chơ Ro. Một buổi sáng, má Năm đeo gùi, cầm quắm (con dao quắm) đi hái lá thuốc, má rẽ qua suối để sang cánh rừng bên kia. Về mùa khô, con suối này nước đã cạn nhiều. Bỗng nhiên, má nhìn thấy một cánh tay người ở trong bụi cây, dáng vẻ như đang cố bò xuống suối nhưng đã kiệt sức, không bò tiếp được nữa. Má Năm cầm quắm đi lại phía bụi cây, má thấy một người nam giới nằm bất động ở đấy, quần áo rách tả tơi, mặt mày, chân tay bầm dập, đôi chỗ vết thương đã xuất hiện những con dòi. Má Năm để tay vào mũi người ấy kiểm tra hơi thở. Nó còn sống, má lấy chai nước ở trong gùi, đổ từng giọt, từng giọt một vào miệng anh ta. Má ngồi bên lau những vết thương cho anh mà nước mắt dàn dụa, thấy thương nó quá. Má ngước nhìn lên sườn đồi, nơi mà mấy hôm trước có bom rơi, Má biết anh là bộ đội giải phóng.

Má Năm đưa anh về nhà chăm sóc. Anh đã tỉnh lại nhưng má hỏi gì anh cũng không trả lời. Má cố tình làm rơi cái xoong nhôm ngay phía sau anh, không thấy anh có biểu hiện gì, má nghĩ có thể nó đã bị hỏng cái tai, không còn nghe được. Thỉnh thoảng anh nói ú ớ câu gì má cũng không hiểu. Cán bộ ở ấp đến viết ra giấy: đồng chí ở đơn vị nào? anh chỉ lắc đầu. Có thể anh đã mất cả trí nhớ!?

Má Năm đặt tên cho anh là Quân và xin cán bộ ấp cho anh ở lại nhà má, để má chăm sóc, thuốc thang cho anh. Dần dần sức khỏe của Quân đã hồi phục, nhưng lúc nào cũng như người mất hồn, ngơ ngơ trông đến tội. Má Năm thương anh lắm, hàng ngày anh cũng đeo gùi đi làm rẫy với má. Từ nhà sàn, má Năm thấy Quân cứ nhìn mãi về hướng cây Săng lẻ ở sườn đồi bên kia suối. Một hôm, má thấy anh vác cuốc, cầm dao đi về bên đồi ấy, má lặng lẽ đi theo anh. Cạnh cây Săng lẻ có một hố bom rất to, đất trùm lên cả thân cây. Quân lấy cuốc kéo đất xuống hố bom. Hôm sau, rồi những ngày sau nữa Quân vẫn làm như vậy. Dần dần, đất đã được dọn sạch tới sát mặt đất quanh gốc cây Săng lẻ. Nhìn vẻ mặt Quân, má nghĩ: chắc nó tìm phần mộ của đồng đội.

Trước ngày giải phóng Sài Gòn nửa tháng, ở địa phương nhận được hai giấy báo tử, một của Trung và một giấy báo tử Thanh. Cả hai giấy đều ghi: Hy sinh trong chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Có điều, Thanh đã có báo tử, xã đã làm lễ truy điệu từ mấy năm trước!? Có sự nhầm lẫn gì chăng? Ủy Ban xã thông báo cho cô giáo Thủy biết chuyện này. Xã đề nghị làm lễ truy điệu trọng thể cho Trung, còn trường hợp của Thanh tạm thời chưa nói ra, không muốn khơi lại nỗi đau cho gia đình Thanh.

Những ngày tháng 5/1975, cả nước reo hò, mừng vui: miền nam đã hoàn toàn giải phóng. Mọi người, mọi nhà đều mong mỏi, chờ đón con em họ từ miền nam trở về. Còn ba bà mẹ cùng mang một nỗi niềm: đau xót, nhớ thương, con của họ đã không thể trở về được nữa! Chỉ có cu Nghĩa, con trai của Trung – Thủy còn quá nhỏ để hiểu thấu nỗi đau mất bố, cháu chạy chơi tung tăng, quấn hết bà này lại chạy sang bà kia. Có cháu, ba bà cũng thấy được an ủi phần nào!

Suốt cả tháng trời, Thủy cứ thẫn thờ, đau xót vô cùng, thế là cả hai người thân yêu của cô đều đã vĩnh viễn rời xa! Chị em, bè bạn luôn kề bên để an ủi Thủy. Đêm nằm, Thủy ôm chặt con trai vào lòng, ôm chặt lắm, cứ như sợ rằng “tình yêu bé bỏng của em” lại chạy đi mất!?

Đầu năm 1978 Thủy nhận được thư của đơn vị Trung, trong thư báo là bộ phận quy tập hài cốt Liệt sĩ đã đến nơi Trung hy sinh, tại đó chỉ có một hố bom rất lớn. không còn phần mộ nữa!?

Để phục vụ có hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ. Bộ quốc phòng đã hoàn thiện việc giải mã và thông báo cụ thể các thông tin trên giấy báo tử. Thủy mang giấy báo tử của Thanh và Trung đến Tỉnh đội, ban chính sách đã sao trích lục hồ sơ quân nhân hy sinh cho Thủy. Trong hồ sơ của Trung ghi rõ: hy sinh trong trường hợp nào, nơi chôn cất ban đầu: cụ thể tới thôn, xã, huyện, tỉnh. Còn trường hợp của Thanh ghi là: bom địch ném trúng, thi thể bay đi mất nên không có phần mộ. Cả hai giấy báo tử của Thanh đều ghi như thế. Có điều, giấy báo tử sau ghi đơn vị, địa điểm lúc hy sinh đều giống như của Trung? Điều này làm Thủy rất thắc mắc!? Anh ấy hy sinh khi Trung chưa nhập ngũ, sao bây giờ trong hồ sơ, ngày, đơn vị và nơi hy sinh lại cùng chỗ với Trung?

Cháu Nghĩa đã lớn, đi học và biết rất nhiều điều. Hai cô em gái của Thanh và Trung cũng đã đi lấy chồng, ba bà mẹ ngày càng già yếu! Còn Thủy thì luôn trong tâm trạng bất an, đêm nằm ngủ thường hay mơ thấy anh ấy về gọi. Thủy quyết định, phải vào tận nơi các anh ấy hy sinh, xem thực hư thế nào.

Tại phòng chính trị của tỉnh đội Đồng Nai, Thủy được thông báo đúng như thư của đơn vị Trung đã gửi cho Thủy từ mấy năm trước. Không an lòng, Thủy sang bên sở Lao Động TBXH tỉnh, tại đây Thủy may mắn gặp được một chị là cán bộ TBXH của xã (nơi Trung hy sinh), chị ấy cho biết trong một ấp của xã, có anh Quân là bộ đội bị thương nặng, được má Năm người dân tộc Chơ Ro tìm thấy đưa về, bây giờ anh đang ở cùng với má, có điều ảnh đã mất cả trí nhớ, vừa điếc, vừa không nói được nữa! Thủy lặng người, nghe chị cán bộ nói như nuốt lấy từng lời. Thủy đề nghị chị cho Thủy đi về cùng để gặp má Năm, tìm hiểu xem sao!? Về tới nhà má Năm, má biểu: “ Nó lại vác cuốc sang bên chỗ cây Săng lẻ từ sáng, đến giờ đã về đâu. Nói rồi, má dẫn Thủy sang bên đó. Tới nơi, Thủy nhìn thấy một anh, da rám nắng, đầu tóc bù xù, đang nằm úp mặt trên mặt đất, gần cây Săng lẻ?

Vẫn như mọi khi, Quân lại tiếp tục đào đất, khi miệng cuốc bập vào cọc gỗ, đất tung lên, anh nhận ra ngay đó chính là cái cọc mà tự tay mình làm, tay anh đóng xuống để làm dấu ở đầu mộ của Trung. Như vậy là nó vẫn còn ở đây, nước mắt tràn ra, tự nhiên anh cất lên được tiếng gọi rất to: Trung ơi, Trung ơi!? Vì làm việc liên tục từ sáng tới giờ, mệt quá nên anh đã nằm thiếp đi trên mặt đất, bàn tay phải vẫn nắm chặt vào đầu cọc gỗ. Quân nằm đó, mơ mơ như nghe có tiếng gọi của má Năm: “Quân ơi, Quân ơi dậy đi, dậy ngay đi, có người từ miền Bắc vào tìm đây nè!”. Nghe thấy vậy, Quân vùng đứng dậy, quay mặt nhìn về phía sau, anh thấy một hình dáng quen quen, khuôn mặt quen quen, anh dụi mắt để nhìn cho rõ, nhận ra người quen, anh cất tiếng gọi:

- Thủy

- Anh Thanh

Họ chạy nhanh lại, ôm chặt lấy nhau, nghẹn ngào, xúc động!

Đứng bên, chứng kiến cảnh đó, má Năm không cầm nổi nước mắt, nhưng má rất vui, miệng lẩm bẩm: Thế là nó đã nói lại được rồi, nó đã nhớ lại được rồi!

Ngay sáng hôm sau, khi nhận được thông tin, Tỉnh đội đã điều đội quy tập Liệt sĩ đến. Theo sự chỉ dẫn của Thanh, hài cốt của Trung đã được đưa lên, lý lịch trích ngang của Trung do Thanh viết để trong lọ Pelixilil vẫn đọc được rõ ràng. Xương cốt được đội quy tập xếp ngay ngắn vào tiểu, phủ cờ đỏ bên ngoài. Thủy ôm hình hài của chồng mà khóc lặng đị! Thanh, má Năm cùng mọi người đứng nghiêm, cúi đầu mặc niểm người chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Thủy đề nghị tỉnh đội báo tin giúp cho gia đình và chính quyền địa phương biết, để chuẩn bị đón các anh về. Đồng chí phó chủ nhiệm chính trị tỉnh đội trao đổi cụ thể với Thủy: “Hài cốt của đồng chí Trung, sẽ đưa về nhà lưu hài cốt Liệt sĩ ở tỉnh, chờ hoàn tất các giấy tờ, thủ tục theo quy định. Mấy ngày nữa có đoàn công tác ra miền bắc, xe của tỉnh đội sẽ đưa hài cốt cùng thân nhân Liệt sĩ về tới đia phương. Trường hợp của đồng chí Thanh, tỉnh đội sẽ liên hệ trước rồi đưa đồng chí Thanh về lại đơn vị, để kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ lưu, nếu đúng như đ/c ấy đã khai báo, đơn vị sẽ cấp giấy chứng nhận bị thương và làm thủ tục cho đ/c Thanh về phục viên”.

Thanh về nhà nghỉ đủ ba tháng thì được nhận vào làm việc ở phòng LĐTBXH huyện. Giám định thương tật, Thanh được cấp giấy chứng nhận là thương binh loại A, hạng 2/4, tỷ lệ thương tật: 67%. Thanh đã trở lại trạng thái bình thường, khỏe mạnh, rất hăng hái trong công việc xã hội. Ở nhà, anh là trụ cột của cả ba gia đình. Đã có những mai mối cô này, cô kia cho anh, nhưng Thanh đều khéo léo từ chối tất cả. Bạn bè thì khuyên Thủy trở lại với Thanh, nhưng Thủy còn e ngại lắm. Đúng vào ngày giỗ của Trung năm đó, sau khi cơm nước và mọi việc đã xong xuôi, ba bà mẹ lại ngồi bên nhau trò truyện. Mẹ Trung nói: “Thưa hai bà, cháu Thủy về làm con dâu tôi, đã sinh cho tôi thằng cháu đích tôn, quý vô cùng. Mấy năm trước, vì có giấy báo tử anh Thanh nên cả ba chúng ta đều muốn cháu Thủy lấy thằng Trung nhà tôi, để con nó ở lại bên chúng ta, khi con trai vào chiến trường hết. Đến nay, Trung - con trai tôi hy sinh, hài cốt cũng đã được vợ nó đưa về nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Ngược lại, anh Thanh lại may mắn còn sống, đã trở về làm việc bình thường. Nếu Thanh và Thủy còn yêu thương nhau, thì tôi muốn hai con nó tái hợp lại nên vợ, nên chồng”. Mẹ Thủy và mẹ Thanh cùng đồng tình như vậy, mong muốn hôn lễ cho hai con sớm được tổ chức.

Thanh-Thủy cưới nhau được hơn một năm thì Thủy sinh con trai. Cháu bé được sự chăm bẵm của bố mẹ và của cả ba bà: hay ăn, chóng lớn. Ngày con trai vợ chồng Thanh-Thủy được tròn 5 tuổi, tôi cùng một đồng đội nữa đã về thăm. Đến đây, được tiếp chuyện với ba bà mẹ, với vợ chồng Thanh cùng các cháu quây quần ở bên, tôi cảm nhận đầy đủ tình cảm gia đình: giản dị, mộc mạc mà thật ấm áp, chân tình. Bà cụ mẹ Thanh nói với tôi: “Ngày nhận được giấy báo tử em Thanh, tôi đã đau xót đến vô cùng, có hai thằng con trai thì đều hy sinh hết. Ông trời đúng là có mắt. Cũng nhờ phúc đức của tổ tiên để lại, em nó đã may mắn thoát chết đến hai lần. Gia đình tôi tạc dạ công ơn bà má người dân tộc ở miền nam, đã cứu chữa và đưa con tôi từ cõi chết trở về. Cảm ơn bà con cô bác ở trong ấy và các đồng đội, đơn vị của Thanh đã đùm bọc, che chở cho Thanh trong những lúc hiểm nguy. Tôi yêu quý và tự hào có người con dâu hiếu thảo, đảm đang, sống trọn nghĩa vẹn tình. Bây giờ tôi già rồi, nhìn thấy các cháu chơi đùa với nhau là vui lắm, không mong gì hơn thế nữa bác ạ”. Mẹ Trung và mẹ Thủy cũng rất vui. Bà cụ mẹ Thủy chỉ tay ra cây nhãn ở ngoài vườn, cụ cười hiền hậu rồi bảo: “cây nhãn anh Thanh trồng trước khi nhập ngũ, đã được mười mấy năm rồi, năm nay chắc sai quả lắm, giờ này mà hoa đã nở đầy cành”.

Thanh bảo rằng “bây giờ, vợ chồng em là con chung của cả ba bà mẹ, em coi cháu Nghĩa như con đẻ của mình. Vợ chồng em sẽ nuôi dạy con nên người”. Thủy ngồi đó, người phụ nữ đã trải qua bao bước thăng, trầm. Hôm nay Thủy rất vui, vẫn vẻ đẹp dịu hiền, đằm thắm. Với Thủy, cũng không mong gì hơn nữa, bởi vì CÁC ANH ẤY ĐÃ TRỞ VỀ!

Theo Trái tim người lính

Kiều Vĩnh Lộc