Anh Lê Đình Hải thành công từ nghề làm váng đậu

BHG - Váng đậu là món ăn khá quen thuộc, được sử dụng ăn kèm trong các món lẩu, xào hay món chay. Trước đây, khi cần đến sản phẩm này, các tiểu thương hoặc nhà hàng ở thành phố à Giang thường phải nhập từ địa phương khác về. Tuy nhiên, hiện nay, tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã có cơ sở sản xuất váng đậu, với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sức khỏe, giá thành cũng rất cạnh tranh với các nguồn váng đậu ở địa phương khác.

Anh Lê Đình Hải và công nhân lựa chọn đậu tương đưa vào sản xuất.

Tới thăm cơ sở sản xuất váng đậu của anh Lê Đình Hải, sinh năm 1991, tại tổ 9, xã Phương Độ, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi quy mô nhà xưởng và hệ thống máy móc được đầu tư rất bài bản, với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Anh Hải sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, năm 2008 bắt đầu lên Hà Giang lập nghiệp từ nghề buôn váng đậu của Trung Quốc giao cho các nhà hàng và tiểu thương ở các tỉnh. Quá trình buôn bán, anh nhận thấy thị trường tiềm năng của sản phẩm này, với mong muốn có thể sản xuất được sản phẩm váng đậu ngay tại mảnh đất Hà Giang, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nên anh đã mạnh dạn vay vốn, tự học hỏi quy trình sản xuất, bắt đầu xây dựng nhà xưởng. Năm 2018, sản phẩm váng đậu đầu tiên trên mảnh đất Hà Giang với tên gọi HaGi ra đời. Anh Hải chia sẻ: Tên gọi HaGi được đặt theo tên viết tắt của từ Hà Giang, logo thương hiệu HaGi cũng lấy từ hình ảnh Cột cờ Lũng Cú và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục sở hữu trí tuệ. Tôi mong muốn tạo ra sản phẩm có nguồn gốc và thương hiệu riêng của tỉnh Hà Giang.

Sản phẩm từ váng đậu sau khi đã thành phẩm.

Theo anh Hải, quy trình sản xuất váng đậu không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi phải có nguyên liệu đậu tương đảm bảo chất lượng, nguồn nước sạch thì mới cho ra sản phẩm màu đẹp và thơm ngon. Đậu tương sau khi ngâm với nước 8 tiếng rồi cho vào máy xay nhỏ, lọc qua 3 bước để được thành phẩm sữa đậu sánh mịn. Sữa đậu tiếp tục cho vào nấu sôi và đổ ra khuôn làm nguội đến nhiệt độ thích hợp. Lúc này lớp váng mỏng sẽ xuất hiện trên bề mặt khuôn sữa, gọi là váng đậu tươi. Lớp váng này có rất nhiều chất đạm và chất béo nên tốt cho sức khỏe. Từ váng đậu tươi, xưởng sẽ chế biến thành các sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng như: Váng đậu lá, váng cọng, váng đậu nơ, mì váng đậu, áo đậu... Sản phẩm được đóng gói, hút chân không với thời gian sử dụng 6 tháng. Nhờ quy trình sản xuất khép kín, không có chất phụ gia, không chất bảo quản, nên váng đậu HaGi hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất đi 40 tấn váng đậu, giá bán 50 nghìn/kg, trừ chi phí, đem lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/tháng. Cơ sở sản xuất váng đậu HaGi tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Vương Thúy Điệp, công nhân xưởng sản xuất váng đậu HaGi chia sẻ: Công việc chia theo ca kíp, không quá vất vả, thu nhập và các chế độ đãi ngộ rất đảm bảo, tôi rất muốn gắn bó lâu dài tại đây.

Hiện nay, cơ sở sản xuất váng đậu HaGi dự định tạo nguồn nguyên liệu đậu tương ngay tại xã Phương Độ và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Bước đầu đã hỗ trợ hạt giống đậu tương và phân bón để bà con xã Phương Độ trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha. Nếu chất lượng hạt đậu tương đảm bảo sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Quán, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là đối với các cơ sở sử dụng, chế biến sản phẩm nông sản địa phương, góp phần tạo ra những sản phẩm đặc trưng và tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân.

Bài, ảnh: Huyền Trang (Thành phố Hà Giang)