Bé sơ sinh nhiễm trùng vành tai vì xỏ khuyên, biến chứng đáng sợ nhất là gì?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Addmin diễn đàn Bác sĩ yêu con nít cho biết trong những ngày dịch bệnh ở TP.HCM có rất nhiều bà mẹ cầu cứu bác sĩ vì trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe. Đáng lưu ý đó là một bà mẹ có con nhỏ sơ sinh. Bé được xỏ lỗ tai từ khi sinh và đến nay vành tai bị nhiễm trùng nặng.

Cháu bé sinh ra được điều dưỡng xỏ khuyên tai luôn nhưng về nhà mẹ không biết chăm sóc vùng tai xỏ khuyên dẫn đến nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ phải kê kháng sinh điều trị cho bé.

Tai bé bị viêm loét nhiễm trùng do xỏ khuyên.

PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, nguyên trưởng khoa Tai Mũi họng trẻ em BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết bà đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai. Theo đó, người bệnh thường bị nhiễm trùng, gây viêm sụn vành tai và áp xe sụn vành tai. Đây là biến chứng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Đặc biệt, biến chứng nặng khác có thể xảy ra sau khi xỏ lỗ tai là nhiễm trùng huyết. Do sau khi bấm lỗ tai không biết chăm sóc, vệ sinh khiến vi khuẩn xâm nhập qua vết thương nhỏ ở tai, đi vào trong máu gây nhiễm trùng máu, khiến trẻ sốt cao không giảm. Khi bị như vậy, nếu không xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng trẻ.

PGS An khám cho bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu cho một trường hợp gặp biến chứng nặng sau khi xỏ lỗ tai. Theo đó, bệnh nhi T.T.T (15 ngày tuổi, trú tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được đưa tới viện trong tình trạng sốt cao, người mệt lả, bỏ bú. Hai bên mang tai bị tấy đỏ, phần lỗ tai mới bấm bị chảy mủ.

Theo lời kể của mẹ bé T, sau khi sinh bé, gia đình có nhờ người đến nhà để xỏ lỗ tai cho con vì nghĩ rằng, xỏ càng sớm, bé sẽ không bị đau. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, thấy tai con bị sưng, kèm mủ, gia đình mới vội đưa con đi viện kiểm tra.

Bé T bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng.

Theo PGS An việc bắn lỗ tai để bé lớn có thể đeo khuyên tai nhưng cần thận trọng. Nhất là trẻ nhỏ đi xỏ lỗ tai vì điều này dễ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí toàn thân.

Với trẻ sơ sinh nếu bấm lỗ tai cần chăm sóc rất kỹ vì trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bất cứ một nhiễm trùng nhỏ nào cũng có thể để lại biến chứng nặng. Còn trẻ lớn,khi xỏ lỗ tai cho trẻ, bố mẹ cũng nên tìm địa chỉ tin cậy, uy tín, đảm bảo vô trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập gây hại cho trẻ.

Khi bấm lỗ tai, chỉ nên bấm vị trí dái tai, không bấm lỗ ở các vị trí khác nhau trên vành tai, thậm chí đâm qua cả sụn vành tai là cực kỳ nguy hiểm vì có nguy cơ bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm, áp xe, thậm chí hỏng vành tai.

Nếu có hiện tượng sưng đỏ, viêm loét cần tới ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ, điều trị, tránh biến chứng nặng hơn – BS An khuyến cáo.

Khánh Chi