Blackpink và góc nhìn phát triển kinh tế

Tour lưu diễn khắp toàn cầu của nhóm nhạc Blackpink tiếp tục nối dài với điểm lưu diễn ở Hà Nội. Hình minh họa bên dưới cho thấy thông tin về các quốc gia lưu diễn của Blackpink trong một năm qua, trải qua bốn châu lục với gần 20 nước. Phần lớn các nước Blackpink đi qua đều có thu nhập cao so với mức trung bình toàn cầu, bên cạnh một số ít nước có mức thu nhập thấp hơn, trong đó có Việt Nam.

Sự chênh lệch giữa quy mô và mức vé

Trong các nước nói trên, Việt Nam có thu nhập bình quân thấp nhất bên cạnh Philippines và Indonesia. Thái Lan và Malaysia đều có mức thu nhập lần lượt gấp gần 2 lần và 4 lần so với Việt Nam. Trừ các nước trong khu vực Đông Nam Á nói trên, hầu hết các nước khác mà Blackpink lưu diễn đều có mức thu nhập cao gấp nhiều lần Việt Nam, với mức chênh lệch trung bình từ khoảng 8-12 lần.

Đêm nhạc diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình với sức chứa tối đa 40.000 khán giả. Tính trung bình mỗi đêm diễn sẽ có khoảng 26.000 vé được bán ra. Tổng lượng khán giả dự kiến trong hai đêm diễn ở Hà Nội sẽ nằm top 7 trong tất cả chuyến lưu diễn của nhóm nhạc này trong năm qua.

Dù là quốc gia có mức thu nhập thấp hơn, nhưng giá vé xem chương trình của Blackpink ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Nếu so sánh giữa vé có giá cao nhất ở các buổi biểu diễn khác trong top 7 thì giá vé ở Việt Nam cũng vào nhóm cao nhất. Ví dụ, giá vé VIP tại buổi biểu diễn ở Indonesia khoảng 7 triệu đồng, Thái Lan 6,4 triệu đồng, trong khi ở Việt Nam là 9,8 triệu đồng. Mức giá vé rẻ nhất ở Thái Lan chỉ 800.000 đồng, trong khi ở Việt Nam là 1,2 triệu đồng.

Theo quy luật kinh tế, mức giá vé phải phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập trung bình của quốc gia diễn ra buổi nhạc. Đồng thời, để bán được số ghế lớn hơn, các phương án tài chính về mức giá cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Mối quan hệ giữa mức giá và lượng cầu sẽ thể hiện thông qua hệ số co giãn. Khi nhà sản xuất quyết định tăng giá thì họ đang nghĩ rằng lực cầu sẽ không phản ứng đáng kể và người tiêu dùng sẽ thực hiện tiêu dùng sản phẩm đó bằng cảm xúc hơn là lý trí.

Mức giá vé trung bình giữa đêm diễn ở Hà Nội và đêm diễn ở Tokyo là 165 đô la Mỹ so với 110 đô la Mỹ, trong khi mức thu nhập trung bình của người Nhật hơn gấp 10 lần thu nhập trung bình của người Việt.

Như vậy, việc xem một đêm nhạc Blackpink của người Nhật cũng chỉ giống như việc họ đi xem kịch trong nước, tương đương với thu nhập của họ, trong khi người Việt Nam tiêu tốn tương ứng với một tháng lương trung bình của một người lao động cơ bản.

Câu chuyện về tỷ lệ tiết kiệm giữa hai quốc gia

Câu chuyện của Hàn Quốc có thể là một câu chuyện rất đặc biệt về quá trình phát triển kinh tế và sự dịch chuyển nền kinh tế của họ giữa các ngành nghề khác nhau. Nếu như cách đây 60 năm, quy mô nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn thua kém nền kinh tế Việt Nam, thì giờ đây Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia phát triển.

Họ không những trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển mà còn là một cường quốc trong việc cung cấp các dịch vụ giải trí cao cấp cho cả châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Các phim của Hàn Quốc luôn làm mưa làm gió tại các thị trường châu Á, âm nhạc của Hàn Quốc cũng đạt đến đỉnh cao, với rất nhiều nhóm nhạc và các bộ phim tầm cỡ quốc tế.

Để trở thành một nền kinh tế phát triển, Hàn Quốc đã phải trải qua một giai đoạn dài với các chính sách thắt lưng buộc bụng để tập trung cho việc tích lũy và phát triển kinh tế quốc gia. Trong giai đoạn 1960-1980, sự kỷ luật trong quản lý chính trị, kinh tế thông qua tiết kiệm của hộ gia đình nhằm đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước được đẩy mạnh.

Các chiến dịch tuyên truyền được thực hiện rộng rãi dưới thời các tổng thống Hàn Quốc, bắt đầu từ ông Park Chung Hee. Các hành vi mua sắm sản phẩm ngoại quốc xa xỉ được xem là thiếu đạo đức và không yêu nước. Người Hàn khi đó luôn ưu tiên sử dụng các hàng hóa sản xuất trong nước, dù các sản phẩm mới sản xuất chất lượng vẫn còn chưa tốt và không đủ khả năng cạnh tranh nước ngoài.

Chính tinh thần đó của người Hàn đã giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để phát triển và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với các hàng ngoại nhập và dần dần tiến ra thị trường nước ngoài.

Một điểm khá ngạc nhiên đó là tỷ lệ tiết kiệm hiện tại của Hàn Quốc cũng cao hơn Việt Nam rất nhiều, dù mức độ phát triển của hai quốc gia là khác nhau. Thông thường, đối với các quốc gia trong giai đoạn phát triển thì người dân được khuyến khích tiết kiệm cao để có tiền đầu tư phát triển đất nước. Hàn Quốc là một quốc gia khuyến khích tiết kiệm, tuy nhiên hiện tại họ lại đang là quốc gia đi đầu trong việc khuyến khích các hoạt động tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu ở các quốc gia khác nhau.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh và chuyển mình sang những ngành nghề cao cấp của thập niên 1980 và 1990, thậm chí mức tiết kiệm của họ có thể lên đến trung bình 40% GDP và kéo dài trong suốt một thập niên. Việt Nam mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nhưng tỷ lệ tiết kiệm của chúng ta vẫn còn rất thấp, đặc biệt là nếu so sánh với mức tiết kiệm của những quốc gia đã tăng trưởng nhanh trong quá khứ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam đã sụt giảm mạnh từ năm 2014 khi nền kinh tế bắt đầu dịch chuyển sang khuynh hướng nền kinh tế tiêu dùng và vẫn đang nằm trong vùng thấp trong suốt 30 năm qua.

Việc chi tiêu cho bất kỳ một vật phẩm hay dịch vụ gì là quyền tự do của mỗi cá nhân. Tuy nhiên khi đứng trên bình diện quốc gia thì rõ ràng một quốc gia không thể nào phát triển thịnh vượng nếu như giới trẻ của quốc gia đó chỉ đang lao động phục vụ mục tiêu chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm xa xỉ thay vì đầu tư cho việc phát triển bền vững của bản thân.

(*) CFA
(**) HUB

Lê Hoài Ân (*) - Trần Thị Xuân Tiên (**)