Bộ Y tế yêu cầu xiết chặt quản lý sản phẩm khí NO2 liên quan đến 'bóng cười'

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O; nhất là tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí...

Bộ Y tế yêu cầu quản lý chặt sản phẩm khí NO2 liên quan đến 'bóng cười' - Ảnh: Internet

Khí N2O là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex); và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.

Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ, do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỷ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Nếu sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác, đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Để tăng cường công tác quản lý đối với khí này theo quy định pháp luật, phòng chống việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí N2O, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.

Các công ty phải khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm; ưu tiên kiểm tra việc khai báo kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O.

Các địa phương tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.

Các đơn vị ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O, nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí N2O, nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.

“Bóng cười” thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12.

N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, cụ thể: N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9.7.2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 8.7.2016, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ. Ví dụ: Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định:

- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định.
b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất”.

Nguồn: Bộ Công an

P.V