Cà phê trứng Việt Nam có gì mà CEO Apple Tim Cook khen ngon?

Trên trang cá nhân chính thức của mình tại X ngày 15-4, CEO Tim Cook đã gửi lời chào tới Việt Nam: “Xin chào Việt Nam! Cảm ơn nghệ sỹ tài năng Mỹ Linh và Mỹ Anh đã có buổi đón tiếp nồng hậu. Tôi cũng rất mê món cà phê trứng”.

CEO Apple -Tim Cook gặp gỡ ca sĩ Mỹ Linh, Mỹ Anh. Ảnh: Trang cá nhân X của Tim Cook

Cà phê trứng gây sốt

Ngay sau đó, hàng loạt các từ khóa về tìm kiếm cà phê trứng xuất hiện trên các thanh công cụ tìm kiếm. Theo thông tin từ Google trend, các chủ đề liên quan tới “cà phê trứng” đang tăng trưởng 180% trong 4 giờ qua.

Thực tế, cà phê trứng Việt Nam vốn được khách quốc tế yêu thích từ nhiều năm trước. Từ những năm 2017, truyền hình CNN của Mỹ đã ca ngợi cà phê trứng là một trong những đặc sản ấn tượng nhất của à Nội.

Mới đây, Cẩm nang (Michelin Guide, một biểu tượng uy tín trong ngành thực phẩm) cũng gọi cà phê trứng là một tuyệt tác của Hà Nội.

Vào những năm 1940, khi giá đường và sữa tăng vọt, ông Giang, người sáng lập quán cà phê Giảng ở Hà Nội, đã chuyển sang dùng lòng đỏ trứng, lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của ông tại khách sạn Metropole (nay là Sofitel Legend Metropole Hà Nội) và sức hấp dẫn của cà phê cappuccino.

Sự thay thế khéo léo này đã tạo ra một loại kem vàng đậm đà trên nền cà phê đậm đà, đan xen những nốt đắng với vị béo mịn của trứng, được làm ngọt một cách tinh tế bằng mật ong.

Michelin Guide

Bên cạnh đó, Michelin còn đánh giá thêm 4 loại cà phê khác của Việt Nam.

Đơn vị này ví cà phê sữa đá như là một viên ngọc quý, trong số các loại cà phê ở Việt Nam. Còn bạc xỉu là một dẫn chứng thú vị, hấp dẫn cho văn hóa Sài Gòn - TP.HCM khi cùng lúc hòa quyện ba nền văn hóa Việt Nam - Trung Quốc và Pháp.

Cẩm nang cũng đánh giá cao cà phê muối, khi thức uống này thể hiện tinh thần của ẩm thực Việt Nam, hòa quyện giữa cà phê truyền thống và sáng tạo của thế kỷ 21.

Trong khi, cà phê cốt dừa lại thể hiện sự giao hưởng cùng nhiệt đới, hòa quyện giữa vị đậm đà và đắng của cà phê nguyên chất với vị ngọt ngào béo ngậy của cốt dừa cùng sữa đặc.

"Với mỗi một ngụm cà phê cốt dừa đưa người uống đến một thiên đường nhiệt đới"- Michelin viết.

Cũng theo đơn vị này, ở Việt Nam, cà phê không đơn thuần là một loại đồ uống mà còn là một nghi lễ. Ngày nay, cụm từ đi uống cà phê không chỉ bao hàm là hành động thưởng thức, mà còn thể hiện tình bạn thân thiết hoặc thói quen trước khi lao vào công việc.

Nhiều triển vọng cho thị trường cà phê Việt

Trong Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) 2023 của iPOS.vn, bất chấp sự khó khăn trong kinh tế, thói quen "đi cà phê" của người Việt dường như không bị ảnh hưởng, thậm chí tăng chi và tăng tần suất.

Gần 60% người tham gia khảo sát cho biết, họ sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê. Cùng với đó, khoảng giá người Việt chi tiêu biến nhất cà phê là từ 41.000 - 70.000 đồng, chiếm 45,2%, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 là 44%).

Báo cáo nêu thêm, cùng với chi tiêu, số lượng thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần đang tăng cao so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn, con số này ở năm 2022 là 22,6%.

Trong đó có 6,1% đáp viên thừa nhận đi cà phê mỗi ngày, đây là nhóm khách thường xuyên đến cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, còn lại là nhóm khách hàng sinh viên và làm việc tự do.

Với sự gia tăng này, iPOS kỳ vọng, thị trường cà phê Việt sẽ còn nhiều dư địa phát triển.

Số liệu thống kê của đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng chỉ ra quy mô thị trường cà phê Việt Nam ước đạt 11.560 tỉ đồng vào năm 2023 và sẽ tăng lên 12.400 tỉ đồng vào năm nay.

THU HÀ