Nơi người già bắt đầu cuộc sống mới

Các cụ mạnh khỏe ở Viện Dưỡng lão Tuyết Thái đọc báo, chơi tam cúc, nghe đài, xem tivi, vẽ tranh thường xuyên nên cuộc sống có thêm nhiều niềm vui. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Sự lựa chọn của tuổi già

Đến Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái (Viện Dưỡng lão Tuyết Thái, ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) ai cũng cảm nhận được cuộc sống yên bình nhưng không kém phần "sôi động" của những người cao tuổi. Người đi bộ trong khuôn viên, người đứng nhìn những tia nắng hoàng hôn vàng rực qua kẽ lá, hay ai đó đang ngắm nhìn những quả non mới nhú… Bên thềm mấy cụ bà ngồi thủ thỉ chuyện ngày xưa, trong phòng phục hồi chức năng mấy cụ ông đang kiên trì luyện tập. Tất cả tạo nên một nhịp sống nhẹ nhàng, giản dị mà ấm áp.

Vào sống tại Trung tâm từ năm 2016 đến nay, cụ Võ Thị Thanh Xuân, 80 tuổi, quê Quảng Ngãi, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Cụ kể, ở đây không phải phiền đến con cháu chăm lo, lại có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trò chuyện, bầu bạn với những người bạn già cùng lứa tuổi. "Ở Trung tâm, tôi được kết bạn với nhiều người để tâm sự tuổi già. Các nhân viên ở đây luôn coi chúng tôi như bố mẹ, chăm sóc chu đáo từ miếng cơm đến giấc ngủ. Đây là ngôi nhà tôi muốn gắn bó đến hết cuộc đời", cụ Thanh Xuân nói.

Một cụ ông sống nhiều năm tại Trung tâm cũng chia sẻ rằng: Người già cần có một môi trường tốt để sinh hoạt trong những năm tháng cuối đời. "Ở nhà cái thời nay thì mình cũng ở một mình thôi con cái đi làm, các cháu đi học hết. Từ sáng đến tối mình cứ ở nhà một mình mà ốm đau thì đi bệnh viện nó phức tạp ra. Nhưng ở đây thầy thuốc sẵn, thuốc sẵn mình mà có ốm đâu thì cứ như có thầy thuốc trong nhà", cụ bộc bạch, rồi nhấn mạnh "Tôi nghĩ rằng mình đã có tư tưởng tiến bộ. Nên tạo điều kiện cho con cái, để chúng được rảnh rang làm ăn, đỡ phải lo ngay ngáy cha mẹ già ở nhà một mình".

Một không gian sinh thái đúng nghĩa dành cho người cao tuổi. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chị Nguyễn Bạch Lan, cán bộ Trung tâm cho biết, hầu hết các cụ ở trung tâm đều thấy hứng khởi, thoải mái với cuộc sống mới trong môi trường có nhiều người cao tuổi. Nhiều cụ, do sống chung với gia đình con cái, hằng ngày con cái đi làm từ sáng đến tối mới về, một mình ở nhà đôi khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Có cụ lúc đầu, khi cụ đưa ra nguyện vọng được vào sống ở trung tâm dưỡng lão, con cháu lưỡng lự lắm. Nhưng khi đến trung tâm tìm hiểu, thấy cảnh quan đẹp, nhân viên thân thiện, tiện nghi đầy đủ, con cháu đã đồng ý, và sau đó thấy an tâm vì sức khỏe của cụ tốt lên nhiều.

Trên thực tế, tình trạng sức khỏe người già thường không giống nhau. Trung tâm đã bố trí các cụ ông, cụ bà sinh hoạt trong phòng ở khép kín và bảo đảm thoáng mát. Mỗi người đều có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng phù hợp với sức khỏe và tính cách. Đối với một số cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. "Tại đây, đôi lúc thấy nhiều cụ tai biến đi lại được như cũ, tìm lại được trí nhớ của mình, niềm hạnh phúc ấy làm cả trung tâm, như thấy người thân trong gia đình mình khỏe trở lại", chị Bạch Lan nói.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (áo xanh) ân cần bên bữa cơm của các cụ cao niên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mong mỏi mang hạnh phúc đến tuổi già

Chia sẻ về công việc, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, người sáng lập Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái cho biết, bản thân chị trước đây cũng đóng vai trò là một nhân viên của Trung tâm. Chị chia sẻ, là một người am hiểu về y tế và nhận thức được trước về cuộc sống hiện đại nên đã thành lập được một Bệnh viện Đa khoa. Mục đích khi mở ra Bệnh viện này là để chăm sóc người cao tuổi, vì cộng đồng, cảm thông, thấu hiểu tuổi già. Tuy nhiên, do kinh tế thời điểm đó khó khăn, một mình chị Tuyết không xoay trở được nên buộc chị phải chuyển từ Bệnh viện thành Trung tâm chăm sóc người cao tuổi - Viện dưỡng lão Tuyết Thái. Trung tâm ra đời vào đầu năm 2012. Lúc đó cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ nhân sự, kinh phí, vật tư…

Nhớ lại, ngày Trung tâm mới hoạt động, số lượng người vào an dưỡng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu duy trì thì không đủ kinh phí trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, tất cả nhân viên cùng chị Bạch Tuyết đã chung tay xây dựng. Hai năm sau, Trung tâm bắt đầu lớn mạnh dần. Đến bây giờ, Trung tâm đã có gần 100 cụ đến nghỉ dưỡng. Nhiều người đến đây chủ yếu là bị bệnh mãn tính, cao tuổi và thậm chí là bị liệt. Song, Trung tâm không hề từ chối một trường hợp nào mà đều nhận lời nuôi dưỡng. Tuy hoạt động theo mô hình tự thu, tự chi song nhiều trường hợp người già cô đơn, không con cái đã được Trung tâm miễn hoàn toàn phí đóng góp hoặc giảm một phần phí.

Việc thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Mong rằng, nhà nước có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư vào các loại hình này, bởi mức giá thuê đất và mặt bằng là khá cao…

Nam Khánh