Việt Nam giai đoạn 1930 - 1940 qua góc nhìn của nữ nhiếp ảnh gia Ukraine

Triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ
Việt Nam tới ngày 30/4.

Năm 1931 - 1934, Sofia ký hợp đồng với một công ty ở Paris chuyên sản
xuất phim tài liệu ngắn và bắt đầu chuyến đi mơ ước vòng quanh thế giới
từ Pháp đến New York (Mỹ) qua châu Phi và châu Á.

Khi du hành tại các nước Đông Dương, Sofia đã thực hiện chuyến du lịch
xuyên Việt từ đồng bằng sông Cửu Long đến miền núi phía Bắc. Hà Nội, Sài
Gòn, Huế là những điểm dừng chân quen thuộc của bà.

Năm 1935, Sofia kết hôn với một người Pháp và ở lại châu Á (Trung Quốc
và Việt Nam) trong 11 năm. Bà sinh con trai thứ hai tại Việt Nam và cùng
gia đình sinh sống ở Đà Lạt và Bà Nà (Đà Nẵng).Trong ảnh là nữ nhiếp ảnh gia Sofia.

Sofia cũng cho thấy mình là một người tinh tế, am hiểu vùng đất khi
bắt được những khoảnh khắc trong cuộc sống của người Việt. Đặc biệt, sự
đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam đã được bà ghi lại thông qua vẻ
đẹp của phụ nữ dân tộc Mông, Dao Tiền, Thái...

Trong mắt nhà văn, nhiếp ảnh gia, Việt Nam hiện lên như một xứ sở đầy
lôi cuốn để khám phá mà dường như bằng hình ảnh thôi là chưa đủ.

Trong thời gian đi du lịch, Sofia đã ghi chép lại thành tư liệu, đồng thời viết nhiều bài báo. Sau này những bài viết đó được xuất bản thành hai cuốn sách, trong đó có cuốn "Phương trời xa xôi". Hình ảnh Việt Nam một thời hiện ra trong cuốn sách này khá chân thực và sống động.

Người Hà Nội dưới ống kính của nữ nhiếp ảnh gia.

Hà Nội cũng được Sofia khắc họa bằng một trải nghiệm đặc biệt. "Quay lại
Hà Nội (từ Vân Nam), tôi bắt gặp "mùa đông trọn vẹn", tức là mùa mưa.
Bột mịn rơi xuống từ bầu trời xám xịt treo lơ lửng trên đầu. Mưa rơi
trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Mọi thứ xung quanh đều tràn
ngập trong sự ẩm ướt và buồn bã".

Đối với Sofia, Việt Nam là vùng đất lạ, có quá nhiều vẻ đẹp cần khám phá.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, trong hành
trình đầy trải nghiệm, nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia Sofia Yablonska đã để
lại những tác phẩm đặc biệt giá trị, là tư liệu quý về Việt Nam.

"Qua lăng kính của bà, chúng ta được ngược dòng quá khứ, lần theo con
chữ và các bức hình đen trắng để khám phá chiều sâu cảm xúc của một tác
giả người yêu mến Việt Nam. Đồng thời, hiểu hơn về cảnh vật, con
người, cuộc sống Việt Nam một thời đã xa", Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói.

Sofia từng viết: "Vài ngày sau, tôi rời vùng núi đó và đến thăm hai dân tộc Mèo vả Mảng.
Họ có ngôn ngữ, trang phục và phong tục khá khác biệt và thú vị so với
cư dân vùng đồng bằng".

"Tôi sống rất hòa hợp và thân thiện với người Mèo. Có lẽ bởi vì tôi luôn
tiếp cận họ với nụ cười và cử chỉ chào hỏi, mặc dù ngay lập tức tôi cảm
thấy họ không mấy tin tưởng người châu Âu và có phần tránh né. Những
ngày hội chợ lớn, tôi mua rau của họ và hỏi ngay cách ăn, cách nấu… Tôi
mỉm cười chào tạm biệt, họ mỉm cười đáp lại, thế là chúng tôi dần quen
nhau và tình bạn ngày càng gắn bó hơn".

Sống cùng họ, tôi có mọi thứ theo ý mình. Người Mèo mang gạo, cá, thịt
thú rừng và rau đến nhà tôi, đến giúp tôi làm việc, mang ngựa đóng yên
và chỉ cho tôi đường đi qua những ngọn núi hoang sơ kỳ thú".