Trung Quốc bùng nổ tiêu xài hàng hiệu

20 năm trước, thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ hoàn toàn khác. Khách hàng Nhật Bản được coi là những người sành sỏi và chịu chi nhất trong khoản mua sắm ở nước ngoài, theo Jing Daily.

Đối với một số thương hiệu cao cấp hàng đầu, ngoài những cửa hàng “đinh” ở châu Âu như Paris, Milan hoặc Rome, cửa hàng ở Hawaii (Mỹ) đóng góp dồi dào vào phần doanh thu.

Lý do: Hawaii là điểm du lịch thu hút nhiều vị khách Nhật Bản nhất thời bấy giờ.

Hiện tại, Nhật Bản vẫn là thị trường quan trọng đối với nhiều hãng cao cấp bởi đòi hỏi cao về tay nghề và chất lượng. Song, trung tâm của tiêu xài hàng hiệu đã chuyển sang Trung Quốc.

Trung Quốc dần biến thành nơi tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN.

Chủ nghĩa vật chất lên ngôi

Trong 5 năm qua, phần lớn tăng trưởng tiêu dùng hàng xa xỉ của thế giới nằm ở thị trường Trung Quốc hoặc do du khách Trung Quốc vung tiền mua sắm ở nước ngoài.

Lý do Hàn Quốc là điểm mua sắm miễn thuế hàng đầu cũng nhờ nhóm khách hàng Trung Quốc thúc đẩy. Chỉ với một chuyến bay ngắn 2-3 giờ, họ đã có thể đặt chân tới Seoul và thỏa sức sắm xa xỉ phẩm theo ý thích.

Công ty chiến lược và phát triển thương hiệu xa xỉ Équité gần đây đã sửa đổi dự báo về thời điểm Trung Quốc chiếm hơn 50% thị trường đồ hiệu toàn cầu, từ năm 2030 chuyển sang năm 2025. Báo cáo năm 2020 của công ty tư vấn quản lý Bain (Mỹ) đưa ra kết luận tương tự.

Nguyên nhân đằng sau xu hướng này: kinh tế Trung Quốc cất cánh, thu nhập của người dân tăng lên, dẫn đến chủ nghĩa vật chất được đề cao, cộng thêm tâm lý thích phô trương. Dùng hàng đắt tiền được coi như cách để nổi bật giữa đám đông.

Theo Jing Daily, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng sau khi khoảng 400 triệu người chuyển đổi từ hộ gia đình có thu nhập trung lưu sang thượng lưu trong vài năm tới.

Thương hiệu xa xỉ là cách một cá nhân giúp bản thân nổi bật giữa đám đông. Ảnh: BOF.

Tác động của dịch bệnh đồng thời biến thị trường nội địa nhanh chóng thành mảnh đất màu mỡ. Không thể đi du lịch thoải mái như trước, nhà giàu Trung Quốc đổ tiền vào túi xách, giày dép hàng hiệu tại chính những cửa hàng trong nước.

Một số hãng cao cấp tăng doanh thu 60-80% ở Trung Quốc trong năm 2020, trong khi thị trường đồ hiệu đóng băng tại các khu vực khác trên thế giới.

Trung Quốc không chỉ biến thành đế chế tiêu dùng hàng hiệu. Nó còn trở thành nơi tạo ra xu hướng và sản sinh ra nhiều hãng cao cấp mới trong 24 tháng qua.

Theo các nhà nghiên cứu thị trường UIBE Luxury China, những nhà máy của Trung Quốc sản xuất ra lượng lớn hàng xa xỉ, phần lớn được dành cho thị trường nội địa trị giá khoảng 4 nghìn tỷ NDT (617,7 tỷ USD).

Các nhãn hàng cao cấp trong nước như Nio hay thương hiệu làm đẹp cao cấp Florasis (Hua Xizi) đang thu hút người tiêu dùng trẻ, giàu có và có thể sớm chiếm thị phần đáng kể, gây thêm áp lực lên các thương hiệu phương Tây.

Nhiều nhãn hàng vẫn kiếm được lợi nhuận từ việc có mặt ở Trung Quốc và đi theo làn sóng tăng trưởng. Nhưng trong tương lai, với sự cạnh tranh ngày càng cao, một số sẽ dễ phải rút lui nếu không bắt kịp cuộc chơi.

Không tiếc tiền thể hiện bản thân

Ngoài ra, thế hệ Millennial và Gen Z của Trung Quốc cũng đang lao vào thú săn hàng hiệu, khiến các nhãn hàng càng phải tăng cường mạnh mẽ cuộc chơi của họ.

Khác với các thế hệ trước, hai thế hệ này không còn nghĩ đồ hiệu là thứ xa xôi, nằm ngoái tầm với. Họ sẵn sàng tiết kiệm hoặc thậm chí vay nợ để mua sản phẩm đắt tiền cho mình.

Hình ảnh người trẻ Trung Quốc xài đồ hiệu, cả thật lẫn giả, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: Jing Daily.

Xu hướng này đến từ mong muốn muốn khẳng định bản thân và khát vọng vươn lên đẳng cấp cao hơn.

Giáo sư người Hàn Quốc Kwak Keum-joo chỉ ra tâm lý thích dùng đồ hiệu bởi người sở hữu cho rằng đồ đắt tiền đi kèm với sự độc đáo, đáng mơ ước đồng thời đem lại cảm giác nâng tầm bản thân.

“Thế hệ trẻ dường như tìm thấy lòng tự tôn, cảm giác thành tựu hay đạt tới tiêu chuẩn của những người nổi tiếng bằng cách mua những thứ giống họ”, giáo sư Kwak nói.

Trong đó, nhóm phụ nữ 26-35 tuổi được coi là những khách hàng tiềm năng nhất.

Năm 2018, phụ nữ Trung Quốc bắt đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước khi 71% mặt hàng xa xỉ do nhóm này tiêu thụ. Theo chuyên gia tiêu dùng Wendy Liu, lực lượng phụ nữ trong độ tuổi 20-40 đã và đang tạo ra một “nền kinh tế chị em” năng động, thu hút sự chú ý ở đất nước tỷ dân.

Nhóm khách hàng này cũng có tính linh hoạt. Khi không còn nhu cầu sử dụng, họ sẵn sàng bán lại các món đồ. Với nhu cầu ngày một lớn, chuyện mua lại đồ hiệu cũ càng trở nên phổ biến.

Nói cách khác, giới trẻ xứ tỷ dân nhìn nhận đồ hiệu vừa như sở thích cá nhân, vừa là một khoản đầu tư xứng đáng để họ bỏ tiền vào.

Hiền Thy