Chưa nhất quán phương pháp xác định hàm lượng silic trong phân bón

Thông tin trên được TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết tại Tại Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” diễn ra vào hôm nay (ngày 7/5/2024) tại Hà Nội.

Theo TS Phùng Hà, năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa silic vào danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng silic vào phân bón.

Quang cảnh Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” sáng 7/5. Ảnh: PT.

Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề hạn chế sự phát triển của các nghiên cứu, ứng dụng silic rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, gồm: phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng trong mẫu đất, mẫu phân bón và mẫu thực vật còn chưa nhất quán.

Vấn đề đồng bộ với phương pháp phân tích của thế giới, tính ổn định của các phương pháp phân tích đang áp dụng trong nước là chưa cao.

Điều này gây khó khăn cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại các sản phẩm phân bón silic, trong công bố, kiểm tra chất lượng các sản phẩm phân bón silic.

Hiện nay, Việt Nam quy định có 2 phương pháp thử để xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón là TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Phương pháp TCVN 11407:2019 có đối tượng là tất cả các loại phân bón, còn TCCS 772:2020/BVTV chỉ áp dụng cho phân silicat kiềm.

Cụ thể hơn về vấn đề này, TS. Bùi Duy Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam chia sẻ, trước đây silic không được xem là chất dinh dưỡng cần thiết nhưng nguyên tố này thường có hàm lượng lớn trong đất và cây trồng có thể hút lên một lượng khá lớn. Vai trò chủ yếu của silic chỉ được nhìn nhận ở góc độ khả năng kháng côn trùng, bệnh hại, sự vững chãi trong cấu trúc tế bào.

Hiện nay, còn hạn chế trong phát triển của các nghiên cứu, ứng dụng silic rộng rãi trong sản xuất phân bón.

“Những công trình nghiên cứu về vai trò silic trong canh tác nông nghiệp của rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, thật sai lầm khi đánh giá nguyên tố này một cách hờ hững. Không ít trường hợp, không ít loại đất và mùa vụ, silic chính là một trong ít nguyên tố “hạn chế” năng suất theo định luật Leibig (định luật tối thiểu). Do đó, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, silic được xếp vào nhóm dinh dưỡng trung lượng“- TS. Bùi Duy Hiền cho hay.

Các nhà khoa học nhận định, đối với cây trồng, ngoài các dinh dưỡng đa và vi lượng thì nguyên tố trung lượng như silic rất cần thiết, giúp lá, thân và rễ cây trồng cứng cáp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đặc biệt với cây lúa, khi bổ sung đầy đủ silic, cây lúa sẽ đứng thẳng, giúp tăng khả năng quang hợp, ngăn cản sự xâm nhập từ nấm hoặc sâu bệnh, nhất là giúp làm giảm bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, Silic còn giúp duy trì sự sinh trưởng của cây lúa trong điều kiện hạn hán...

Ông Nguyễn Hồng Phong- Tổng giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho biết, hiện Việt Nam quy định có 2 phương pháp thử để xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón là TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Phương pháp TCVN 11407:2019 có đối tượng là tất cả các loại phân bón, còn TCCS 772:2020/BVTV chỉ áp dụng cho phân silicat kiềm.

Như vậy, đang có sự chồng lấn về phương pháp thử, trong khi hai phương pháp này có sự khác biệt lớn về kết quả trên cùng một mẫu phân bón.

“Thực tế, doanh nghiệp đã nhiều lần phải giải trình về hàm lượng silic trong phân bón, do sản phẩm phân bón Silicon của Tiến Nông khi áp dụng phương pháp thử với TCCS 772:2020/BVTV thì hàm lượng silic là 26-28%, nhưng áp dụng phương pháp tử với TCVN 11407:2019 thì hàm lượng silic chỉ còn có 1%. Điều này khiến doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian giải trình với cơ quan quản lý nhà nước” - Tổng giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông chia sẻ.

Theo đó, cần sớm có quy chuẩn phương pháp phân tích xác định hàm lượng silic trong đất, phân bón và cây trồng để đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại phân bón silic.

Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Phong cũng kiến nghị thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng silic dạng nano (SiNPs) trong phân bón nhằm khai thác tác dụng của silic đối với cây và đất, đồng thời hạn chế tồn tại của các nguồn cung nguyên liệu silic trong sản xuất phân bón quy mô công nghiệp.

Còn ông Hà Huy San - Công ty CP Phân lân Nung chảy Ninh Bình nêu ý kiến, việc phân tích thành phần SiO2 hữu hiệu trong phân bón phải căn cứ nguồn gốc chủng loại phân bón. “Trước khi Nghị định 108 ra đời trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình có ghi rõ thành phần SiO2: 25%-30%. Sau đó, theo quy chuẩn Việt Nam 01-189:2019 không có thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy và quy định phương pháp thử Silic hữu hiệu theo tiêu chuẩn Việt Nam 1407:2016 nên trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình không được ghi thành phần SiO2”.

Từ đó, ông San kiến nghị xem xét, bổ sung thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy, bổ sung phương pháp thử SiO2 theo TCCS 772 vào quy chuẩn quốc gia về phân bón, tạo điều kiện cho công ty bổ sung thành phần SiO2 trên bao bì sản phẩm phân lân nung chảy.

Khẳng định silic là một trong bốn nguyên tố trung lượng cực kỳ quan trọng với cây trồng, đồng thời tiếp nhận các kiến nghị, TS. Phùng Hà cho biết, ngay sau Hội thảo, Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp trình lên Bộ NN&PTNT và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để sớm giải quyết các vướng mắc trong ứng dụng và phát triển silic trong phân bón.

Đức Lâm