Phim Việt đang chết lâm sàng

Mỗi ngành nghề đều chịu tác động không nhỏ từ ảnh hưởng của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Và điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy.

Dịch Covid-19 khiến tất cả đều "lâm bệnh". Sau mỗi đợt bệnh, ai cũng cần thời gian để hồi phục. Điện ảnh Việt cũng thế, không thể khác được.

Tuy nhiên, sau vài năm lao đao với những thiệt hại khó lường, ngành nghệ thuật thứ bảy của nước nhà sẽ mất thời gian bao lâu để hồi phục? Tương lai nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam trong 3 năm tới sẽ ra sao?

Đó là câu hỏi day dứt đối với nhiều nhà sản xuất, đạo diễn.

Nhà sản xuất bán nhà để bù đắp thiệt hại

Điện ảnh Việt lúc này chứng kiến sâu sắc ảnh hưởng trầm trọng do dịch bệnh. Sau 6 tháng đóng cửa, rạp phim tại TP.HCM và Hà Nội - hai thị trường lớn nhất nước - vẫn chưa thể tái hoạt động. Hàng loạt phim nối đuôi nhau "đắp chiếu" chờ ngày ra rạp. Có những dự án phải lùi lịch chiếu 3 lần nhưng vẫn chưa thể ra mắt khán giả.

Khó khăn lớn nhất với giới làm phim hiện tại là tài chính. Phim không ra rạp đồng nghĩa với việc dòng tiền "nằm im", không thể giải ngân. Hệ lụy sau đó là nhiều nhà đầu tư không dám đổ tiền nhiều cho các dự án kế tiếp, khi mà hàng "tồn kho" vẫn chưa thể xuất xưởng và tình hình phim ra rạp còn mờ mịt.

Chùm phim Việt chờ ngày ra rạp. Ảnh: ĐPCC.

Đạo diễn Khoa Nguyễn nói với Zing việc các dự án phim đã thực hiện xong nhưng chưa thể phát hành do dịch bệnh hoặc đang triển khai giữa chừng buộc phải dừng lại, sẽ gây tổn thất lớn, đặc biệt là về kinh tế đối với nhà sản xuất.

"Các tổn thất này không chỉ diễn ra trên các dự án của hiện tại, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch đầu tư, sản xuất và kinh doanh của nhà sản xuất, đầu tư phim trong vòng 1-3 năm tới. Và điều này chắc chắn sẽ khiến cho ngành điện ảnh Việt trong vài năm tới sẽ suy giảm đáng kể, trên cả số lượng lẫn chất lượng", anh nói.

Cùng quan điểm, nhà sản xuất Nam Cito cho biết bên cạnh khó khăn về chuyện không có nguồn doanh thu trong khi vẫn phải chi trả chi phí nhân sự, vận hành, với các tác phẩm đã hoàn thành nhưng lùi lịch chiếu nhiều lần thiệt hại rõ nhất là chậm thu hồi vốn, mất thêm các khoản về truyền thông sau khi trở lại.

"Với công ty của tôi, khó khăn lớn nhất là bao giờ mọi thứ quay trở lại bình thường để các dự án tiếp tục chạy. Bởi một dự án ra đời phải tính toán rất nhiều thứ, trong đó có tính thời điểm. Nếu sai thời điểm thì dự án đó có thể phải chỉnh sửa lại rất nhiều thậm chí là hủy bỏ. Trên thực tế sau đợt dịch vừa rồi có rất nhiều dự án điện ảnh đã bị hủy bỏ như thế", Nam Cito chia sẻ.

Nhà sản xuất Hoàng Quân, CEO ProductionQ hơn ai hết là người cảm nhận rõ nhất những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Hai dự án gồm phim sinh tồn Rừng thế mạng và phim kinh dị Chuyện ma gần nhà đều hoàn thành từ lâu và chờ ngày ra rạp nhưng phải lùi lịch công chiếu. Ngoài ra, công ty của anh còn hai dự án đang thực hiện phần tiền kỳ.

Trong 6 tháng qua, công ty ProductionQ tốn hàng tỷ đồng cho các chi phí khác khi không có doanh thu. Để trang trải, anh phải bán một căn hộ gần 5 tỷ đồng tại TP.HCM nhằm lấy tiền trả cho nhân viên và bù đắp các chi phí phát sinh. Nhà sản xuất Hoàng Quân cũng quyết định di dời trụ sở sang địa điểm mới để cắt giảm chi phí về mặt bằng.

Mất 3 năm để hồi phục

Trên thực tế, ngoài những tác phẩm đang chờ ra rạp, một số dự án tiềm năng của các nhà làm phim trẻ được hình thành từ trước dịch cũng gặp phải trường hợp "chết lâm sàng" do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính trong thời điểm hiện tại.

Theo đạo diễn Khoa Nguyễn, phát triển một dự án điện ảnh đòi hỏi nhiều vốn, ít nhất là 15 tỷ đồng. Đối với các đạo diễn mới, việc kêu gọi được nguồn vốn nói trên trong giai đoạn bình thường vốn dĩ khó khăn. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường suy giảm, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc nhiều trước khi quyết định chi tiền.

Phim Bẫy ngọt ngào trải qua nhiều lần hoãn chiếu. Ảnh: ĐPCC.

Vì thế, cơ hội dành cho các đạo diễn trẻ vốn đã ít nay càng mong manh hơn. Các nhà sản xuất mới thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực kinh tế không mạnh, nên khả năng không thể trụ nổi là rất cao.

Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết thời gian qua, anh đã chứng kiến nhiều dự án mới manh nha nhưng đã phá sản do không kêu gọi được nguồn đầu tư.

"Ảnh hưởng nhẹ thì dời lịch sản xuất. Ảnh hưởng nặng là thiếu vốn. Công việc của một nhà sản xuất ngoài việc lập kế hoạch sản xuất, thì còn phải lập kế hoạch kinh doanh cho dự án của mình.Trong trường hợp đó, nhà sản xuất có thể tính đến phương án tìm các nhà đầu tư khác để thay thế", anh trao đổi.

Nhiều dự án chết lâm sàng do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính

Nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt đề xuất giải pháp đối với những dự án gặp tình trạng nói trên nên quay về điểm xuất phát để kêu gọi các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, họ nên dành thời gian trau chuốt cho tác phẩm, từ đó kêu gọi sự đầu tư của chính những người đang tham gia dự án. Điều này sẽ giúp kéo giảm dòng tiền mặt thực chi xuống mức thấp nhất và tạo cơ hội để dự án hồi sinh nhanh nhất.

Từ những khó khăn của giới làm phim, đạo diễn Khoa Nguyễn nhận định nền điện ảnh Việt phải mất khoảng 3 năm để hồi phục và quay về trạng thái bình thường.

Luẩn quẩn với thể loại hài, gia đình

Đạo diễn Người lắng nghe: Lời thì thầm cho rằng trong năm 2022, số lượng phim Việt sẽ giảm đáng kể so với giai đoạn 2018-2019. Số lượng phim sẽ tăng dần lại trong hai năm tiếp theo. Anh hy vọng đến năm 2025, số lượng phim có thể đạt lại ngưỡng cao nhất của thị trường phim vào năm 2019.

Đồng thời, với sự suy giảm của thị trường, trong những năm tới, điện ảnh Việt khó có sự xuất hiện các tác phẩm của những đạo diễn làm phim đầu tay, các hãng phim mới như trong giai đoạn trước dịch.

Giải thích điều này, đạo diễn Khoa Nguyễn nói: "Lý do là các nhà đầu tư ở giai đoạn này sẽ tìm kiếm sự an toàn ở những đạo diễn đã có uy tín trên thị trường và chọn hợp tác với các nhà sản xuất mạnh thay vì phiêu lưu với gương mặt mới".

Về thể loại phim, anh dự đoán, thị trường phim Việt sẽ quay lại với những dạng phim "an toàn" như phim hài, rom-com, thanh xuân, gia đình... để đảm bảo doanh thu. Ngoài ra, phim re-make cũng là chọn lựa cũng nhiều nhà làm phim.

"Các nhà sản xuất, nhà đầu tư khả năng cao tiếp tục gửi gắm dự án của mình cho các gương mặt diễn viên đã được 'bảo chứng phòng vé'. Các gương mặt diễn viên mới, trong thời gian sắp tới, tôi cho rằng không có nhiều cơ hội như giai đoạn thị trường đang khỏe mạnh 2018-2019", anh nhận định.

Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng điện ảnh Việt đang bị kéo lùi trở lại vì đại dịch. Trong 2-3 năm tới, thị trường phim sẽ không có sự bùng nổ về mặt doanh thu. Doanh thu phòng vé lẫn số lượng phim sản xuất sẽ bị giảm đáng kể.

Dòng phim giật gân - kinh dị được nhà làm phim ưa chuộng trong thời gian tới vì kinh phí thấp, phù hợp với bối cảnh thị trường chưa thật sự khởi sắc trở lại, giúp tác phẩm có độ an toàn cao trong việc thu hồi tiền sản xuất. Hơn thế, hầu hết phim kinh dị đều đạt điểm hòa vốn dễ hơn các thể loại khác do đặc tính tâm lý của khán giả ra rạp.

Zing đặt câu hỏi: "Trong số các phim Việt ra rạp vào dịp cuối năm như Bóng đè, Rừng thế mạng, Người lắng nghe: Lời thì thầm, Bẫy ngọt ngào… anh dự đoán tác phẩm nào có thể chạm mốc doanh thu 100 tỷ đồng để giải cứu phòng vé?". Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng không có phim nào có thể đạt doanh thu nói trên.

"Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ không nên nói về việc giải cứu phòng vé vì thật sự điều này không có ý nghĩa gì với một thị trường làm phim dựa trên quy luật cung cầu", anh giải thích.

Giải pháp vực dậy thị trường điện ảnh Việt

Đối diện với nguy cơ có thể sụp đổ nền điện ảnh thương mại vừa mới khởi sắc do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, giới làm phim mong muốn Nhà nước có những chính sách cụ thể, cấp thiết để hỗ trợ cho các nhà sản xuất, hệ thống rạp có thể từng bước phục hồi lại hoạt động điện ảnh, kích thích khán giả tới rạp, tạo doanh thu và góp phần vào sự tăng trưởng GDP của cả nước.

Cụ thể, theo nhà sản xuất Nam Cito, anh hy vọng Luật Điện ảnh sắp ra đời sẽ rõ ràng, chi tiết để các biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất hiểu rõ họ có thể làm những gì, sáng tạo tới cùng nhưng vẫn không vi phạm quy định.

Giới làm phim mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ nhà sản xuất, nhà rạp. Ảnh: Bá Ngọc.

Bên cạnh đó, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho rằng nên có những chính sách riêng cho các phim Việt chất lượng tốt như một cách bảo hộ, giúp tác phẩm duy trì ở rạp lâu hơn thường lệ để tiếp sức cho thị trường khởi sắc trở lại.

Bên cạnh sự tiếp sức từ phía Nhà nước, nội tại quan trọng nhất vẫn đến từ nhà làm phim. Họ là nhân tố quyết định sự lớn mạnh, tạo ra bước đột phá của thị trường điện ảnh nước nhà.

Trong những rủi ro do dịch bệnh, các nhà làm phim có cơ hội nhìn nhận lại thị trường cùng thực lực của bản thân. Những đạo diễn giỏi sẽ mang đến tác phẩm tốt, có đầu tư, thay vì cứ 1-2 phim tốt, sau đó là hàng loạt phim dở kéo tụt niềm tin của khán giả ra rạp như từ trước đến nay.

Đạo diễn Nam Cito nói trong thời gian tới, nhà sản xuất phải học cách lắng nghe thị trường nhiều hơn, chịu khó cập nhật xu hướng điện ảnh trong khu vực và thế giới để tự làm mới mình. Họ nên khai thác những chủ đề mới, áp dụng công nghệ, kỹ thuật làm phim hiện tại và tạo ra production value (giá trị sản xuất - PV) cho sản phẩm của mình nhiều hơn.

"Nếu ở giai đoạn trước dịch, nền kinh tế còn khỏe mạnh, thị trường phim có doanh thu tốt, tôi cố gắng một để làm công việc của mình. Bây giờ, dịch bệnh với những ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế và ngành phim, tôi phải cố gắng gấp 3, thậm chí gấp 5 lần bình thường. Tôi cho rằng việc mọi người cùng nỗ lực để làm tốt phần việc mà mình đang phụ trách là cách thiết thực nhất để chung tay vực dậy công việc của mình, ngành của mình, và cả nền kinh tế của mình", đạo diễn Khoa Nguyễn cho biết.

Hoàng Yến