Kỹ thuật viên y tế ở TP.HCM: 'Xót xa khi đọc phim chụp phổi của F0'

Trần Lộc Huy (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) là kỹ thuật viên tại Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông.

Hơn 2 tháng qua, anh tiếp nhận hàng nghìn tấm X-quang chụp những lá phổi bị tổn thương vì virus SARS-CoV-2 của các F0.

"Dịch bệnh càng căng thẳng, áp lực mà nhân viên y tế gánh trên vai càng lớn. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hết mình mỗi ngày để giành giật sự sống cho bệnh nhân", anh nói.

Làm tròn trách nhiệm nghề y

Chia sẻ với Zing, Lộc Huy cho biết anh có 4 năm kinh nghiệm công tác ở vị trí kỹ thuật viên X-quang, tham gia lấy mẫu cộng đồng tại nhiều điểm trên địa bàn TP.HCM từ cuối tháng 6.

Kỹ thuật viên Trần Lộc Huy cho biết gia đình từng thuyết phục anh về quê, thậm chí nghỉ việc vì lo anh có thể mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ.

"Khi bệnh viện kêu gọi nhân lực tham gia chống dịch, tôi và 2-3 đồng nghiệp cùng khoa liền báo danh do từng đi chống dịch đợt năm ngoái.

Từ cuối tháng 6 tới ngày 10/7, tôi vừa công tác tại viện, vừa xuống địa phương lấy mẫu cho người dân", Lộc Huy kể.

Nam kỹ thuật viên cho biết anh thường có mặt ở bệnh viện vào buổi sáng và lên đường đi lấy mẫu khi có lệnh điều động.

Trước khi ghi danh đi chống dịch, Lộc Huy có gọi điện báo cho gia đình ở quê nhà. Khi ấy, ba mẹ hết lời khuyên nhủ anh về quê, thậm chí nghỉ việc vì sợ con trai có thể nhiễm virus.

"Có hôm, mẹ tôi òa khóc qua điện thoại, sợ con vô tình mắc Covid-19 khi tiếp xúc nhiều F0. Song, tôi làm nghề y, có đầy đủ kiến thức chuyên môn nên muốn cống hiến, làm tròn trách nhiệm của một nhân viên y tế", Lộc Huy nói.

Thời gian đầu, ngày nào anh cũng gọi điện báo tin cho cả nhà yên lòng dù công việc bận rộn.

Sau một tuần, gia đình không còn thúc giục về quê, chỉ đều đặn nhắc nhở anh giữ gìn sức khỏe, chú ý an toàn khi làm nhiệm vụ.

Khi tham gia lấy mẫu cộng đồng ở địa phương, anh chia sẻ thách thức lớn nhất với đội ngũ y tế nằm ở khâu trấn an người dân lúc quá trình gặp trục trặc, chậm tiến độ vì yếu tố khách quan.

Theo Lộc Huy, thách thức lớn nhất với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên lấy mẫu cộng đồng mà anh tham gia là trấn an người dân.

Dù công việc vất vả và áp lực lớn, khoảng thời gian ấy để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Lộc Huy. Trong một lần tới lấy mẫu ở một công ty, đội ngũ y tế làm việc liên tục từ 13h30 đến 18h nhưng vẫn chưa xong.

Cả nhóm quyết tâm chịu đựng cơn đói, gạt đi mệt mỏi để hoàn tất lấy mẫu sớm nhất có thể, tránh để người dân chờ đợi thêm.

"Thực ra khi đó ai cũng đuối sức nhưng vẫn muốn làm tiếp cho xong việc. Mọi thứ đâu ra đó thì cũng 22h rồi, mấy anh chị em ngồi thụp xuống đất, tay cầm hộp cơm mà còn run. Cả đội động viên lẫn nhau, vui mừng vì hoàn thành nhiệm vụ", anh kể.

Xót xa khi đọc phim chụp phổi của F0

Hiện tại, Lộc Huy tập trung tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia chụp X-quang phổi tại chỗ cho F0. Cách 3 ngày, các bác sĩ, nhân viên bệnh viện được test nhanh và xét nghiệm RT-PCR khi kết thúc một kíp trực chống dịch.

Theo đặc thù công việc, Lộc Huy và đồng nghiệp sẽ chụp X-quang cho những người bệnh có bác sĩ điều trị chỉ định, ưu tiên các ca nặng và trường hợp có triệu chứng như sốt, ho... Có những ngày, anh tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân.

Những ngày cao điểm, anh có thể tiếp nhận tới khoảng 100 bệnh nhân cần chụp X-quang phổi.

"Với những ca bệnh không triệu chứng, phổi của họ khá bình thường, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Còn các F0 nặng thì phổi thường có đốm mờ rải rác. Nhiều lúc các y bác sĩ, kỹ thuật viên phải bàng hoàng vì có bệnh nhân bị tổn thương phổi quá nặng", anh nói với Zing.

Trước tình huống nguy cấp, tất cả đội ngũ y tế đều phải giữ bình tĩnh, đẩy nhanh tiến độ đọc và trả kết quả cho bác sĩ lâm sàng để đưa ra hướng xử trí kịp thời, tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân.

Do công việc phụ thuộc vào diễn biến của F0 và yêu cầu từ bác sĩ chủ trị, các kỹ thuật viên X-Quang như Lộc Huy luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bất kể ngày đêm. Có những lúc vừa cởi bỏ áo bảo hộ, chuẩn bị về khoa nghỉ ngơi, anh lại được gọi đi chụp chiếu gấp.

"Nhiều hôm, tôi phải thay tới 8-10 chiếc áo bảo hộ như vậy", anh nói.

Lộc Huy cho biết anh và các đồng nghiệp đều hiểu rõ nguy cơ và sức tàn phá mà SARS-CoV-2 gây ra với sức khỏe con người. Vì thế, đội ngũ y bác sĩ luôn đề cao an toàn, cẩn trọng khi tiếp xúc với người bệnh.

"Dịch bệnh căng thẳng, số ca nhiễm tăng cao nên hầu như các nhân viên y tế đều chấp nhận nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Chỉ thực sự mong đại dịch kết thúc, TP.HCM đông vui trở lại và tôi được đoàn tụ với gia đình", anh trải lòng.

Trang Minh

Ảnh: NVCC