'Chuyện ma gần nhà' - bộ phim Việt gây chia rẽ giới phê bình

Sau 4 ngày công chiếu, Chuyện ma gần nhà - bộ phim kinh dị đang gây tranh luận trong giới điện ảnh Việt - đã mang về doanh thu 53 tỷ đồng. Đây là thành tích tốt, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành phim ảnh cũng như thói quen ra rạp xem phim của khán giả.

Chuyện ma gần nhà cũng là một trong những tác phẩm có hiệu ứng truyền miệng tốt nhất trong hai tháng đầu năm 2022. Bộ phim được khen ngợi là "ma thật", "sợ thật" và những mỹ từ đặc biệt chỉ xuất hiện trong thể loại phim kinh dị. Tuy nhiên, tác phẩm cũng vấp phải bình luận trái chiều gay gắt từ giới phê bình phim.

Chuyện ma gần nhà lần đầu mang các truyền thuyết đô thị của Việt Nam lên màn ảnh rộng.

Được ghi nhận

Chuyện ma gần nhà đã đặt chân đến một "lãnh địa" đã bị bỏ ngỏ từ sau Con ma nhà họ Hứa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) vào năm 1973, đó là truyền thuyết đô thị. Hình ảnh truyền thông chủ đạo cũng là câu chuyện chính trong phim - cô gái trên xe nước mía - đã tạo nên sức hút với khán giả đại chúng ngay lúc công bố dự án.

Cũng giống truyện cổ tích, các truyền thuyết đô thị dễ dàng được làm mới câu chuyện, thêm thắt nhiều tình tiết để phù hợp với người xem phim ở nhiều thời điểm khác nhau. Chuyện ma gần nhà đã làm ổn điều này khi khai thác kịch bản đi kèm yếu tố tâm linh hay tà thuật, một cách nghiêm túc, không còn hời hợt như trước kia.

Không cần bổ sung các yếu tố hài hước để lôi kéo khán giả hoặc thay đổi cái kết là giấc mơ hay ảo tưởng để phù hợp tiêu chí kiểm duyệt, Chuyện ma gần nhà hội tụ các yếu tố để là một phim kinh dị đúng nghĩa. Bộ phim mang tông màu u ám suốt thời lượng tác phẩm, kỹ xảo điện ảnh được làm tốt cùng âm thanh sống động dễ dàng khiến khán giả yếu tim rùng mình.

Khi xem phim Việt, không ít lần người xem cảm thấy mệt mỏi bởi lượng thông điệp mà các nhà làm phim cố gắng nhồi nhét dẫn đến kịch bản bị lan man. Chuyện ma gần nhà chỉ tập trung khai thác nỗi sợ của khán giả. Dĩ nhiên, phim vẫn có vài ý nghĩa cuộc sống được cài cắm, nhưng không mang tính ép buộc và giáo điều.

Chuyện ma gần nhà là bộ phim có ý tưởng mới.

Diễn viên trong Chuyện ma gần nhà từ chính đến phụ đều làm tốt vai trò của mình. Nhân vật tâm điểm của chương đầu do Khả Như thủ vai đem đến góc nhìn khác trong diễn xuất của nữ diễn viên sinh năm 1987 khi bộc lộ được khí chất sang trọng, bí hiểm và ma mị nơi cô Mía, khác với các vai hài hước cùng phong cách ăn nói bỗ bã thường thấy của cô.

Huỳnh Thanh Trực trong vai nhà ảo thuật trẻ mắc kẹt giữa thực tại và hư ảo đem đến màn diễn xuất ấn tượng khác sau Rừng thế mạng. Thế nhưng, chính sự phức tạp trong đường dây kịch bản lẫn mạch phim rối loạn đã hạn chế đi phần nào sự cố gắng bùng nổ của chàng diễn viên trẻ.

Vai diễn nhà ngoại cảm ở chương cuối nằm trong khả năng của Vân Trang. Việc ngốn sức nhất của cô là phải thực hiện khá nhiều cảnh chạy, thất thần, trườn bò, la hét… đòi hỏi sự vững vàng ở cả thể lực lẫn tinh thần.

Góc chê gay gắt

Nhược điểm dễ nhận thấy nhất của Chuyện ma gần nhà lạm dụng cách xử lý giật mình dậy như là mơ, lặp đi lặp lại ở cả ba câu chuyện dẫn đến cảm giác có phần nhàm chán.

Bên cạnh đó, cách khai thác đề tài và cách đạo diễn loay hoay với nội dung cũng là điều khiến một số cây bút chuyên viết về điện ảnh chưa hài lòng. Trong các nhóm kín về phim, nhiều bài viết "quay xe" và bày tỏ sự thất vọng với tác phẩm cũng liên tục xuất hiện từ ngày 11/2. Nhiều người lại cho rằng Chuyện ma gần nhà gây thất vọng và bị thổi phồng quá mức.

Dù vậy, câu chuyện về nhà ảo thuật có thể là điểm chí mạng khiến khán giả có ác cảm với Chuyện ma gần nhà.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng chuỗi chủ đề truyền thuyết đô thị là mỏ vàng thực sự trong dòng phim kinh dị Việt Nam, bởi các câu chuyện đều đậm chất Việt Nam và không "đụng hàng" với nước nào khác. "Và điều đáng tiếc nhất với tôi là đạo diễn chỉ mới kể một câu chuyện 'mạ vàng'. Hoặc nói một cách khác, một câu chuyện ma nhưng thiếu hồn", anh đưa quan điểm.

Anh Lê Hồng Lâm cho rằng phim có cách kể chuyện vừa tham lam vừa vụng về, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt. Logic tâm lý nhân vật thiếu nhất quán, hoặc đôi khi bất chấp logic, khiến việc thưởng thức các bộ phim này đều rơi vào trạng thái lơ lửng nửa vời.

"Một bộ phim ma thành công với tôi trước hết là phải đánh được vào nỗi sợ vật lý của khán giả, khiến họ phải nổi gai ốc, phải giật bắn mình, phải hú hét trong rạp và adrenaline dâng trào. Một bộ phim ma kinh điển ngoài đánh được vào nỗi sợ vật lý, còn khiến chúng ta phải liên hệ, phải soi chiếu vào nội tâm mình, phải khiến ta ám ảnh", anh chia sẻ. Tuy nhiên, với Lê Hồng Lâm, các yếu tố trên chưa xuất hiện khi anh theo dõi Chuyện ma gần nhà.

Như lời nhận xét của Lê Hồng Lâm, kết nối của phim rời rạc, việc sử dụng ca khúc Đừng bỏ em một mình làm cầu nối cho các phần phim có phần thừa thãi. Đường dây rối rắm, lồng ghép các phân cảnh xếp chồng lên nhau không theo một thứ tự nhất định, khiến người xem khó mà theo kịp.

Nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt dành nhiều lời khen cho phim, nhưng cũng có quan điểm rằng ba câu chuyện tạo nên mạch phim không có tính liên kết, do đó sẽ khiến khán giả hoang mang vì không lý giải được tại sao lại gộp 3 câu chuyện ma này vào một phim.

"Dường như đạo diễn Trần Hữu Tấn vẫn còn khá nhập nhằng trong lối kể chuyện giữa phim thương mại và nghệ thuật", một cây viết chuyên về điện ảnh khác chia sẻ với Zing.

Vân Trang phải trườn bò, la hét, kèm khuôn mặt đầy máu trong một cảnh phim.

Bước tiến trong duyệt phim

Chuyện ma gần nhà chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhưng là sự khích lệ mạnh mẽ cho giới làm phim Việt lẫn khán giả. Khi mà các nhà sản xuất giảm dần sự e dè, dám đầu tư vào các nội dung khó nhằn hơn là chỉ đi theo hướng an toàn, đặc biệt là thể loại kinh dị hay hành động. Khán giả cũng dần có cái nhìn tốt hơn về điện ảnh nước nhà.

Trong hai năm trở lại đây, có thể thấy việc duyệt phim ở Việt Nam đang dần trở nên dễ thở hơn. Nếu rơi vào thời điểm khoảng 3-4 năm về trước, Chuyện ma gần nhà chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở khâu kiểm duyệt từ câu chuyện đến hình ảnh.

Có thể điểm lại những trường hợp đáng tiếc như Rừng xác sống của đạo diễn Lê Văn Kiệt với chủ đề xác sống, Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần hay Chung cư ma do đạo diễn Văn M Phạm thực hiện bị cắt nhiều phân cảnh và phải sửa đổi cái kết thành giấc mơ hoặc ảo tưởng vì không cho phép có ma thật… và nhiều trường hợp cấm chiếu hoặc sửa đến mức hỏng cả phim.

Nhưng từ năm 2020 cho đến nay, các bộ phim dần giữ được sự táo bạo trong cách thể hiện, ít bị cắt xén mạnh bạo hay chỉnh sửa đến mức khiến phim phi lý như trước. Có thể kể đến Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đinh Lê Minh với các phân cảnh giao hợp với xác chết cũng được giữ nguyên khi ra rạp.

Điều này cho thấy sự tôn trọng về sáng tạo cá nhân của các nhà làm phim Việt của bộ phận kiểm duyệt và tạo điều kiện cho các nhà phim dám thực hiện những tác phẩm ngày càng ấn tượng lẫn táo bạo hơn.

Phúc Trần