Đề xuất siết giờ làm thêm của sinh viên là khó khả thi

Hạn chế làm thêm để đảm bảo học tập

Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là một trong những nội dung mới lần đầu tiên được đề cập tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian. Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

Thực tế, việc hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm 20 giờ/tuần cũng sẽ ít nhiều khiến học sinh, sinh viên khó tiếp cận với việc làm thêm. Chuyên gia lao động cho rằng, nên áp dụng lương tối thiểu giờ cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các cơ sở kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng cân đối giờ làm của học sinh, sinh viên thay vì quy định “cứng”. Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, lương tối thiểu giờ hiện hành đang dao động từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ tùy theo vùng.

Đây là lần đầu tiên, quy định về quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được đưa vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ngay khi được đưa ra lấy ý kiến, đề xuất này đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Đa số các ý kiến cho rằng, sinh viên đã trưởng thành, có điểm học tập để kiểm soát vì việc kiểm soát sinh viên làm thêm sẽ rất khó khăn với các trường. Ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc khống chế số giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết, bởi thực tế một số sinh viên mải mê làm thêm mà bỏ bê học hành. Sinh viên cần tập trung cho việc chính là học tập, tốt nghiệp đúng hạn, từ đó có cơ hội việc làm tốt khi ra trường.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức nào về tỷ lệ sinh viên đi làm thêm. Ở nước ngoài, một số nước cho phép du học sinh làm thêm 20 - 24 giờ/tuần, nhưng đó là những quốc gia có lượng du học sinh đông, quy định như vậy nhằm tạo ra hàng rào để du học sinh không lấy đi quá nhiều việc làm của lao động trong nước.

Việc kiểm soát sinh viên làm thêm sẽ rất khó khăn với các trường

Quản lý bằng cách nào?

Mặc dù theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này là cần thiết, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Băn khoăn về trần giới hạn làm thêm giờ với sinh viên, em Hoàng Lan Anh (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, hiện ngoài thời gian học trên trường, em vẫn tranh thủ lúc rảnh để làm việc bán thời gian cho một cửa hàng thời trang.

Chia sẻ cách quản lý thời gian của mình, Lan Anh cho hay, các trường vẫn cho đăng ký học phần dưới dạng tín chỉ nên sinh viên có thể chủ động lựa chọn sắp sếp lịch học vào 1 buổi trong ngày. Thời gian rảnh có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập. Hiện tổng thời gian đi làm của Lan Anh lên đến 30 giờ/tuần (quá 10 giờ so với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH). Với kinh nghiệm làm thêm của mình, Lan Anh lo ngại quy định 20 giờ/tuần là khá eo hẹp, sẽ rất khó để sinh viên tìm được việc làm thêm phù hợp, vì các công việc thường yêu cầu ca làm tối thiểu 4 - 5 giờ/ngày và ít nhất 5 - 6 ngày/tuần.

Góp ý về nội dung này trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Công Thương cho rằng, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi. Theo lý giải của Bộ Công Thương, các cơ sở giáo dục chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị, chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm bán thời gian của nhóm đối tượng trên. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, quy định trên là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.

Cần thiết nhưng không nên cứng nhắc

Để khả thi khi thực hiện quy định pháp luật trong thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý, điều khoản trên nên được chỉnh sửa như sau: “Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học phải có xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ”.

Ủng hộ việc giới hạn thời gian làm thêm với sinh viên vì thực tế có sinh viên đi làm thêm vì mục tiêu chính là kiếm thêm thu nhập. Nhiều em bị cuốn vào việc kiếm tiền dẫn đến chậm tiến độ ra trường, thậm chí bỏ học. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về quy định mức “trần” giờ làm thêm của sinh viên và yêu cầu các trường quản lý việc sinh viên không làm thêm vượt số giờ quy định là không khả thi.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để nâng cao chất lượng học tập, việc hạn chế học sinh, sinh viên làm thêm là hợp lý. Tuy vậy, cần lưu ý, quy định rõ việc trả lương cho sinh viên khi làm thêm giờ thế nào cho phù hợp với khả năng cống hiến lao động và năng lực của các em. Hơn hết, cần quản lý thế nào để các cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho sinh viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã quy định, thể hiện sự bình đẳng trong thị trường lao động.

Ở một góc độ khác, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, mỗi học sinh, sinh viên đều có mục đích nhu cầu khác nhau khi đi làm thêm. Tuy nhiên, cần cân đối giờ làm thêm với việc học. Các ca làm thêm ở Hà Nội hầu hết đều kéo dài từ 4 - 6 giờ. Nhiều sinh viên thậm chí còn chấp nhận làm thêm không đòi hỏi lương để nâng cao tay nghề. Vì thế, việc quy định giờ làm thêm cần chủ động, linh hoạt cho sinh viên quyền lựa chọn phù hợp, vừa đảm bảo quá trình học tập, vừa đảm bảo việc trải nghiệm nâng cao kinh nghiệm.