Diễn viên Việt nhận 500 triệu đồng cho một phim: Thấp hay cũng được?

Bài viết Thấy gì từ mức cát-xê diễn viên Hàn gấp 300 lần so với Việt Nam đăng tải trên Tri thức - Znews vào ngày 31/3 thu hút sự quan tâm, bàn luận của nhiều nhà làm phim, diễn viên truyền hình nội địa.

Theo khảo sát, không chỉ àn Quốc, mức cát-xê của diễn viên Việt còn kém xa nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á. Ngoài ra, thù lao của diễn viên truyền hình nội địa hầu như không tăng rõ rệt trong nhiều năm qua. Không ít nghệ sĩ không đủ sống bằng thu nhập từ nghề diễn. Họ phải xoay xở, tìm cách cải thiện tài chính nhờ các công việc khác nhau.

Cát-xê diễn viên truyền hình Việt

Chia sẻ với Tri thức - Znews, điễn viên Luân cho biết khác với điện ảnh, diễn viên phim truyền hình có mức cát-xê thấp và hầu như không có thay đổi trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Các diễn viên chính, ngôi sao ở mảng truyền hình có thể nhận thù lao từ 300-500 triệu đồng cho một series. Mỗi dự án thường quay từ 6 tháng cho tới một năm. Song diễn viên phụ chỉ được trả cát-xê theo từng phân đoạn và con số này rất thấp.

Minh Luân cho biết mức cát-xê của diễn viên truyền hình Việt quá thấp so với Hàn Quốc hay nhiều nước châu Á khác.

“Thật ra, chưa cần so sánh với truyền hình Hàn Quốc, mức cát-xê của diễn viên Việt đã thấp hơn hàng trăm lần so với các nước trong khu vực. Kể ra lại thấy chạnh lòng. Nếu thù lao của diễn viên chính kém 300 lần sao Hàn, diễn viên phụ chắc phải thua hàng nghìn lần so với nước bạn”, Minh Luân chia sẻ.

Theo Minh Luân, mức cát-xê của diễn viên không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Tuy nhiên đó là tình hình chung, thực tế khó thay đổi trong ngành truyền hình Việt nhiều năm qua. Vì thế, các diễn viên học cách chấp nhận và tiếp tục theo đuổi công việc bằng đam mê.

Chi phí đầu tư, sản xuất thấp là nguyên nhân chính khiến cho chất lượng dự án cũng như cát-xê của diễn viên truyền hình Việt khó vực dậy. Ở mảng điện ảnh, thù lao của diễn viên chính sẽ tăng vọt nếu như họ có vai diễn ấn tượng, tạo được thương hiệu và doanh thu phim cao. Song ở truyền hình, điều này hiếm khi xảy ra. Cát-xê của diễn viên chính hầu như không tăng so với dự án trước.

Trong trường hợp, đạo diễn, nhà sản xuất muốn mời một ngôi sao đóng chính cho series truyền hình, họ buộc lòng phải cắt giảm một số vai phụ, thắt chặt hầu bao ở khâu nào đó trong quy trình sản xuất.

Theo diễn viên Huỳnh Kiến An, 10 năm qua, thù lao của ông hầu như không thay đổi.

Diễn viên Huỳnh Kiến An cũng cho biết 10 năm qua, cát-xê của ông không thay đổi, thậm chí bị giảm, trong khi vật giá, các chi phí khác tăng chóng mặt. Các diễn viên chính của phim truyền hình có thể đủ sống nếu tham gia 2-3 dự án/năm. Tuy nhiên, các diễn viên phụ có đời sống bấp bênh và chật vật mưu sinh.

“10 năm làm nghề, tôi còn chứng kiến cảnh một số diễn viên phá giá thù lao khiến mặt bằng cát-xê của ngành này ngày càng thấp. Phim truyền hình Việt chiếu miễn phí trên tivi nên nhiều diễn viên diễn dở vẫn được chấp nhận. Khán giả không thích xem thì chuyển kênh. Truyền hình Việt Nam đã đi qua hành trình gần nửa thế kỷ mà vẫn nặng tính phục vụ, không xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình tầm cỡ, vươn xa trên toàn thế giới. Thành quả đó có được nhờ chiến lược phát triển hàng chục năm của chính phủ”, nam diễn viên nhìn nhận.

“Diễn viên vất vả. Ai không chịu được thì bỏ nghề”

Theo diễn viên Huỳnh Kiến An, bản thân ông may mắn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh từ lâu. Ông hoạt động song song cả truyền hình và điện ảnh. Vì thế, thu nhập của ông đảm bảo cuộc sống, không quá vất vả.

Song nhiều đồng nghiệp xung quanh ông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì thù lao thấp, không đủ trang trải. Không ít người phải chấp nhận bỏ nghề diễn, chuyển sang công việc khác để mưu sinh.

Chung quan điểm, Minh Luân cho biết trong nhiều dự án, cát-xê của diễn viên không đủ bù chi phí phục trang, trang điểm, đi lại, ăn uống… Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ phải chấp nhận mức cát-xê thấp trong bối cảnh truyền hình Việt không có quá nhiều dự án mỗi năm. Ngoài ra, nhiều trường hợp, nếu diễn viên không nhanh chóng gật đầu tham gia dự án, đạo diễn, nhà sản xuất sẽ ngay lập tức có các phương án khác thay thế.

“Bản thân tôi, ngoài việc tham gia phim truyền hình, còn đóng kịch, kinh doanh, đi hát. Các anh chị khác cũng kiếm thêm thu nhập từ việc mở quán ăn, cà phê, spa hay bán hàng online. Diễn viên là công việc rất cực khổ, nhiều khi phải đi xa, quay đêm, bôn ba vất vả. Nhưng nhiều khi thấy vai diễn hay, đam mê lại trỗi dậy, vượt qua khó khăn và chuyện cát-xê thấp, cao”, anh bày tỏ.

Thu Trang chia sẻ ngoài diễn xuất, các diễn viên còn kinh doanh, đóng quảng cáo, bán hàng online.

Diễn viên Trang cho biết các ngôi sao ở mảng phim truyền hình có thể nhận mức cát-xê lên tới gần 500 triệu cho 30 tập phim. Song diễn viên phụ, đóng vai quần chúng, thù lao rất thấp. Mỗi phân đoạn ngắn, diễn viên chỉ có thể nhận từ 250-500 nghìn đồng. Tuy vậy, diễn viên trẻ hoặc mới bước vào nghề đều vui vẻ nhận mức thù lao thấp, với mong muốn có thể xuất hiện trên màn ảnh.

“Nhiều khi nhận một vai diễn nào đó, tôi còn không hỏi cát-xê. Việc tham gia phim của VFC phần lớn là để học hỏi về diễn xuất. Đối với diễn viên trẻ, điều đó rất cần thiết. Khi xuất hiện trên phim truyền hình, hình ảnh của một nghệ sĩ cũng đẹp hơn. Nhờ vậy, họ có thể đóng quảng cáo, kinh doanh bên ngoài, chụp mẫu ảnh…”, cô cho biết.

An Anh