Hậu trường làm phim Tết giữa mùa dịch

Quy định phòng dịch của các địa phương dẫn tới việc khó khăn trong tìm bối cảnh, hay việc cả đoàn phải “ăn nằm” nhiều ngày tại phim trường thực sự là những thử thách với họ.

Đỏ mắt tìm bối cảnh

Theo khảo sát, có khoảng gần 10 dự án truyền hình, 20 web drama sẽ lên sóng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trên sóng truyền hình, có thể kể đến các dự án như: “Tình thắm duyên xuân” của đạo diễn Phương Điền, “Vũ điệu đón xuân” của Xuân Phước, “Sóng gió hào môn” do Quốc Thuận đạo diễn…

Điểm chung của các phim truyền hình Tết năm nay là vẫn truyền tải câu chuyện về gia đình, tình yêu, tôn vinh giá trị truyền thống.

Thanh Bình và Fung La trong web drama “Buông tay đi đồ ngốc”

Dòng phim chiếu mạng nổi bật là các tác phẩm với chủ đề đa dạng, hấp dẫn về gia đình, xã hội, LGBT như: “Buông tay đi đồ ngốc” (“Em tệ lắm đừng thương” phần 2), “Đường về nhà xa quá” phần 2, Web-drama “Má chúng tôi là chủ tịch”, “Sui gia đại chiến Social”, “Sáu sang kén rể”…

Đến thời điểm hiện tại, một số dự án đã hoàn thành, một số đang bắt tay thực hiện. Ít ai biết, trước đó, toàn ê-kíp phải “oằn mình” để hoàn thiện các cảnh quay cuối cùng bất chấp ảnh hưởng giữa đại dịch.

Phần đông giới làm phim thừa nhận, so với các mùa phim Tết trước đây, năm nay các đoàn phim gặp nhiều áp lực hơn cả về tiến độ và đảm bảo an toàn cho các thành viên.

Chia nhỏ đoàn phim, thay đổi bối cảnh, rút ngắn thời gian quay, hạn chế đi quay ở các tỉnh… là những cách được các ê-kíp áp dụng.

Đạo diễn Phương Điền tiết lộ, anh dành nhiều ngày trời, đi khắp 6 tỉnh, thành để tìm bối cảnh cho “Tình thắm duyên xuân”.

Tuy nhiên, cuối cùng chỉ chọn hai tỉnh để làm bối cảnh chính. Phim về làng nghề trồng hoa Tết và bánh tráng nên đoàn phim phải chờ thời gian hoa Tết nở nhiều mới ghi hình được.

“Về tổng thể, việc lựa chọn bối cảnh không làm khó tôi bằng khâu tuyển chọn diễn viên. Bởi, để đảm bảo an toàn tối đa trong thời điểm dịch bệnh, ê-kip quyết định sẽ ở lại luôn trong suốt những ngày đi quay ở tỉnh. Điều này khiến nhiều diễn viên e ngại với điều kiện đi lại khá xa, thời gian “ăn nằm” tại phim trường cũng lâu hơn”, đạo diễn Phương Điền bộc bạch.

Tương tự, đạo diễn Dũng Nghệ cũng gặp khó với “Vũ điệu đón xuân”.

Theo nam đạo diễn, phim chỉ khoảng 12 tập nhưng thời gian quay kéo dài so với bình thường vì có những thời điểm phải tạm ngưng do trong đoàn có người nghi nhiễm khi bị sốt, ho…

Để bảo đảm an toàn, cả đoàn phải ngưng, chờ khi xác định người đó ổn mới tập hợp quay tiếp. Việc chuyển bối cảnh sang địa phương khác cũng khó vì địa phương nào cũng e ngại tập trung đông người.

Áp lực thời gian và bài toán tài trợ

Quách Thu Phương và Quang Tèo trong phim “Chạm vào hạnh phúc”

Làm việc trong những ngày dịch bệnh, theo các đạo diễn, việc đẩy nhanh tiến độ luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh diễn biến bất ngờ, buộc ê-kíp phải linh hoạt để kịp tiến độ.

Như web drama “Buông tay đi đồ ngốc”, cũng vì tình hình dịch bệnh, biên kịch Nguyễn Bỉnh buộc phải chỉnh lại kịch bản vào phút chót. Thậm chí, anh còn phải cho đoàn phim… mượn bối cảnh để ghi hình ngay tại nhà mình.

“Lúc viết kịch bản cho “Buông tay đi đồ ngốc”, tôi đang bị nhiễm bệnh. Vừa giữ tinh thần tích cực để thoải mái sáng tạo, vừa đảm bảo sức khỏe là điều không dễ dàng. Đến khi tôi khỏi bệnh, đoàn phim vẫn không tìm được bối cảnh như ý tưởng trong kịch bản, căn nhà tôi đang sống nghiễm nhiên được… trưng dụng. Hơn tất cả, ở thời điểm đó, tôi nghĩ đây cũng là bối cảnh phù hợp mà an toàn nhất đối với cả ê-kíp và tôi”, biên kịch Nguyễn Bỉnh tâm sự.

Lận đận hơn, phim truyền hình “Hẹn hò với thần tượng” của đạo diễn Dũng Nghệ có bối cảnh là tỉnh Bình Thuận cũng phải “quay xe” vì địa phương xuất hiện ca F0.

“Kế hoạch quay ở Bình Thuận ban đầu từ 5 - 6 ngày, sau phải rút lại chỉ còn 2 ngày. Anh em sản xuất, các diễn viên phải làm việc cật lực cho kịp tiến độ”, nam đạo diễn bộc bạch.

Thực tế, việc làm phim trong bối cảnh đại dịch vốn đã được nhà làm phim dần thích ứng trong gần 2 năm qua. Những khó khăn là điều không thể tránh khỏi, song điều khiến nhà làm phim đau đầu nhất có lẽ là bài toán kinh tế.

Dịch bệnh bùng phát, giá cả leo thang, doanh nghiệp điêu đứng, buộc đoàn phim phải chắt bóp chi tiêu.

Đạo diễn Mai Long nhớ lại, mùa phim Tết năm ngoái, anh và ê-kíp điêu đứng về vấn đề kêu gọi tài trợ.

Khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về tài chính, họ sẽ dè dặt trong chi tiêu, việc quảng cáo makerting sẽ ít hơn hay nói cách khác là việc tài trợ đổi lấy quảng cáo khó khăn.

Đặc biệt với phim hành động thì cần nhiều kinh phí hơn. Do đó, ra một phim hài hay phải “thắt lưng buộc bụng” để làm cho tốt.

“Năm ngoái, tôi may mắn được các nghệ sĩ chủ động giảm giá cát-sê. Năm nay, tôi tiếp tục sản xuất web drama chiếu Tết “Chạm vào hạnh phúc”. Song, việc xin tài trợ với tôi không quá khó. Có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng muốn đồng hành cùng chúng tôi vì một phần họ đã quen với dịch, họ lại yêu thích hài; đồng thời nhận thấy quảng bá sản phẩm qua hài Tết rất hiệu quả. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc mình quảng bá cho họ như thế nào sao cho tinh tế, hấp dẫn”, đạo diễn Mai Long chia sẻ.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS - đơn vị sản xuất phim “Vua bánh mỳ” thừa nhận, kinh phí phim cũng bị đội lên ít nhiều vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều năm qua bà gần như không kêu gọi tài trợ cho phim chiếu Tết mà một mình chèo chống.

“Một phần vì tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp khó khăn. Một phần vì tôi không muốn sản phẩm nghệ thuật của mình bị chi phối bởi nhà tài trợ. Nhất là với những đơn vị chưa có nhiều điều kiện hiểu rõ về đặc thù của việc đầu tư, sản xuất nghệ thuật, việc xảy ra va chạm là điều khó tránh khỏi”, bà Bích Liên bày tỏ.

Bạch Dương