Hơn 1.000 ca tử vong do sốt xuất huyết ở Bangladesh

Sốt xuất huyết là một căn bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới và gây sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là mất máu có thể dẫn đến tử vong.

Các bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở Bangladesh, Ảnh: AFP

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết cũng như sốt chikungunya, sốt vàng da và sốt zika, đang lây lan nhanh hơn và ảnh hưởng tới nhiều khu vực do biến đổi khí hậu.

Số liệu từ Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh công bố vào tối Chủ nhật (1/10) cho biết kể từ đầu năm cho tới nay, nước này đã ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm sốt xuất huyết và 1.006 người đã tử vong, trong đó có 112 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, bao gồm cả trẻ sơ sinh.

Các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát năm nay là do lượng mưa không đều và nhiệt độ nóng hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi.

“Điều này không chỉ xảy ra ở Bangladesh, nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới đang phải hứng chịu bệnh sốt xuất huyết trong năm nay”, ông Kabirul Bashar, giáo sư động vật học tại Đại học Jahangirnagar ở Dhaka, cho biết.

Ông cũng nhận định rằng biến đổi khí hậu toàn cầu đang đóng một vai trò trong việc tạo ra mức nhiệt độ tối ưu cho loài muối Ades gây sốt xuất huyết phát triển.

Nghiên cứu của Nhật Bản vào năm ngoái cũng phát hiện ra rằng quần thể muỗi từ một số quốc gia ở châu Á đã trải qua một loạt đột biến khiến chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi một số hóa chất được sử dụng trong thuốc diệt muỗi.

Hai loại vắc xin sốt xuất huyết đã được phát triển, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào cụ thể có thể giúp loại bỏ được căn bệnh này.

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào tháng 9 rằng đợt bùng phát đang “gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế” ở Bangladesh.

Bangladesh đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết từ những năm 1960 nhưng chỉ ghi nhận đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết đầu tiên vào năm 2000.

Trung Kiên (theo AFP)