Khai phá lợi thế phát triển thương hiệu từ nhân vật hoạt hình nổi tiếng

Wolfoo - nhân vật hoạt hình Việt Nam nổi tiếng thế giới, được nhiều khán giả yêu mến.

Khai phá mảnh đất hoạt hình màu mỡ

Tại Việt Nam, phim hoạt hình đem lại 10-15% doanh thu của ngành điện ảnh. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam năm 2023, có khoảng 20 bộ phim hoạt hình được chiếu, đạt tổng doanh thu hơn 570 tỷ đồng, tương đương 23 triệu USD.

Đồng thời, sự xuất hiện của hàng loạt studio và hãng sản xuất mới cũng góp phần cải thiện chất lượng kỹ thuật và hình ảnh. Nội dung phim đa dạng hơn, từ giáo dục giải trí cho trẻ em mở rộng ra các thể loại phiêu lưu, hành động cho người lớn.

Những năm trước đây khi nhắc tới hoạt hình cho trẻ em, mọi người thường chỉ nghĩ tới các series nổi tiếng như Tom và Jerry, Doraemon, Hãy đợi đấy hay các bộ phim của Disney, Cartoon Network thì những năm gần đây, một số series “make in Việt Nam” đã phủ sóng rộng tới khán giả Việt. Có thể kể đến bộ nhân vật Wolfoo, Luka, Tiny, Lego hay Trạng Quỳnh... dần được công chúng đón nhận, yêu thích với những nét độc đáo riêng.

Tiềm năng thương mại hóa các IP hoạt hình

Nắm bắt được thời cơ, đẩy mạnh phát triển thương hiệu và mở ra cơ hội kinh doanh, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển sang xu hướng thương mại hóa các IP. Trong đó lĩnh vực cấp quyền sử dụng IP (Licensing) là một trong những hoạt động thương mại hóa phổ biến nhất.

Lĩnh vực Licensing trong cấp quyền hình ảnh nhân vật đã có hơn 150 năm hình thành và phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, Licensing mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây nhưng đã có những ứng dụng nhất định. Có thể kể đến một số tên tuổi lớn tiên phong như nhãn hàng thời trang Canifa đã khai thác Mickey, Disney Superman, Disney Princess, Hello Kitty, Angry Birds...., hay thương hiệu văn phòng phẩm Hồng Hà sử dụng hình ảnh của Pororo, Baby Shark...

Tất cả những nhãn hiệu tiên phong trong ứng dụng và duy trì khai thác bản quyền nhân vật hoạt hình đã chứng minh tính phù hợp và đón nhận của thị trường Việt Nam với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, cũng như tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Licensing được dự đoán sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới. Bởi nhìn vào cơ cấu dân số của Việt Nam hiện có khoảng 68% số dân nằm trong độ tuổi từ 15-64 và tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra thị trường tiêu dùng lớn và đa dạng cho các sản phẩm hoạt hình.

Đồng thời với sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam hiện nay, Licensing cũng được đẩy mạnh. Thực tế, năng lực sản xuất hoạt hình của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định: đảm nhiệm khâu sản xuất gia công cho các hãng phim quốc tế như: Xilam Animation của Pháp (phim Oggy và những chú gián), Asia Holding animation của Hàn Quốc (phim Birdy Friends), Piece Visual Works của Hàn Quốc (phim Super 10)...; vai trò tự phát triển thương hiệu và sản xuất cho riêng mình như Sconnect Việt Nam (với bộ phim Wolfoo, Trạng Quỳnh thời Nhí Nhố, Bearee, WOA Fairy Tales...).

Nhân vật hoạt hình Wolfoo trên các sản phẩm thời trang của Canifa.

Một số nhà sản xuất phim hoạt hình Việt Nam đã tỏ ra nhạy bén khi liên tục phát triển những nhân vật mới, mở ra cơ hội cho việc cấp quyền sử dụng hình ảnh nhân vật để nhanh chóng tạo độ phủ nhận diện thương hiệu nhân vật đa lĩnh vực và cộng hưởng thúc đẩy kinh doanh của các bên liên quan.

Thách thức của người đi trước

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực Licensing, ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cho biết: “Những bước đầu tiên rất khó khăn khi chúng tôi vừa đi vừa học vì ngành còn khá mới, chưa có tiêu chuẩn. Nhưng nhận thấy những tiềm năng của ngành, học hỏi từ các ông lớn như Disney, chúng tôi âm thầm làm và tạo giá trị trên thực tế.”

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập - Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam chia sẻ về những khó khăn và thách thức trong ngành sáng tạo

Dù nắm trong tay những tiềm năng và thế mạnh nhất định, song Licensing tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Lý do đầu tiên là Licensing mới xuất hiện tại thị trường khoảng 10 năm, còn quá “non trẻ” so với lịch sử hơn 150 năm của ngành. Vậy nên dù có sự bứt phá và đạt một số bước tiến nhưng nhận thức tại thị trường về ngành chưa lớn, độ phủ sóng chưa cao.

Chia sẻ về bối cảnh của thị trường Licensing Việt Nam, bà Lại Thị Mai - Giám đốc mảng Character Licensing của Sconnect Việt Nam nhận định: “Bối cảnh thị trường hiện nay vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới. Bởi nhận thức của thị trường Việt Nam về Licensing còn hạn chế và hầu như chưa nắm bắt được tiềm năng về giải pháp của Licensing, ứng dụng của ngành này để thúc đẩy kinh doanh và chiến lược kinh doanh cho các sản phẩm của mình.”

Bà Lại Thị Mai, Giám đốc mảng Character Licensing của Sconnect Việt Nam chia sẻ về tiềm năng và thách thức trong thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách làm hời hợt, ăn xổi kiểu như làm nhanh một thiết kế nhân vật đại diện, rồi kỳ vọng nó sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, kỳ vọng nó làm nhân vật đồng hành cho doanh nghiệp của mình... Cách làm này không sai, nhưng chỉ là bề nổi và thực sự không khai thác hết được lợi thế của nhân vật để nó nổi bật và lâu bền. Nó cần được thổi vào, được đầu tư vào một cách xứng đáng về các câu chuyện nội dung, bảo đảm tần suất, thông điệp nhất quán, thiết kế nhất quán và độ phủ đủ lớn. Lấy thí dụ như mì tôm thanh long là xu hướng mới nhưng nếu không làm nội dung duy trì tiếp sẽ lại nhanh chóng rơi vào quên lãng, nhường chỗ cho các xu hướng khác.

Cũng nhiều thương hiệu chọn phương án đồng hành cùng KOL, KOC cho các chiến dịch truyền thông và bán hàng, nhưng hầu như các nhân vật là người nổi tiếng này lại khó được ứng dụng được trong phát triển sản phẩm, trưng bày, tương tác đa nền tảng, đa hình thức xoay quanh sản phẩm dịch vụ của nhãn hàng; thậm chí có rất nhiều rủi ro về scandal khi KOL, KOC đó thay đổi ngoại hình, gặp biến cố về công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội.

Hạn chế nữa là nhiều doanh nghiệp hiện nay tập trung sản xuất và phát triển sản phẩm sở hữu trí tuệ nhưng chưa nắm bắt được các cơ hội và tiềm năng để phát triển cấp quyền nhân vật. Minh chứng là số doanh nghiệp lựa chọn mua quyền sử dụng nhân vật IP tại Việt Nam chưa nhiều. Hơn nữa, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với những thách thức liên quan tới bản quyền và sự cạnh tranh nhất định từ các tên tuổi lớn trên thị trường quốc tế.

Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp sở hữu IP cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa phải tận dụng hết nguồn lực và tiềm năng từ các kênh phân phối mới như các nền tảng OTT hay mạng xã hội.