Khao khát làm mẹ của người phụ nữ trẻ mắc ung thư tuyến giáp được đền đáp

Chữa ung thư vẫn không nguôi khát khao làm mẹ

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Hoan không cầm được nước mắt. Chị cho biết, năm 25 tuổi chị lập gia đình, chồng hơn chị 4 tuổi. Cả hai đều còn trẻ nên chị không ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn.

Có mặt tại buổi lễ công bố 10 gia đình được nhận gói hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% tối ngày 3/7, câu chuyện của chị Hoàng Thị Hoan khiến nhiều người không khỏi xúc động. Không phải là hành trình 10 năm, 15 năm kiếm con không thành, hai vợ chồng chị mới 5 năm tìm con, nhưng trong hành trình ấy chị đã phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến giáp.

Cố gắng điều trị bệnh ung thư ổn định sau một năm, chị mới bắt đầu lại hành trình kiếm con. Vết sẹo mờ ở cổ là vết tích còn lại của căn bệnh ung thư tuyến giáp.

BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc chuyên môn và Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền - PGĐ chuyên môn Bệnh viện trao quyết định cho các gia đình nhận hỗ trợ IVF Miễn phí trong Tuần lễ Vàng 2021

Dù xác định "thả" để có con, nhưng sau 2 năm chị vẫn không thấy bụng mình có dấu hiệu to lên. Sốt ruột vợ chồng chị đi khám thì biết một phần nguyên nhân do chồng chị, bác sĩ kê thuốc về uống. Thuốc Bắc, thuốc Nam, ai mách chỗ nào có thầy giỏi, vợ chồng chị lại cất công đi đến tận nơi. Sau một năm vẫn không có gì tiến triển, hai vợ chồng đi khám lại thì bác sĩ bảo phải can thiệp.

Lần này thấy cổ chị to lên bất thường, bác sĩ khuyên chị nên đi khám. Lúc đó chị cũng không lo lắng gì. Trước đó biết mình có nhân ở tuyến giáp, nhưng nghĩ chỉ là nhân bình thường nên chị Hoan cũng không uống thuốc gì. Dù vậy, chị vẫn quyết định lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương để kiểm tra.

"Lúc đó mình thực sự sốc, tủi thân khi bác sĩ thông báo kết quả sinh thiết nghi ngờ ung thư cần phải mổ để xét nghiệm khẳng định lại"- chị Hoan kể lại.

Chị cho biết thời điểm đó chị không thấy có biểu hiện gì bất thường, ngoài việc thấy cổ họng sưng to lên giống như yết hầu của cánh mày râu. Nhưng chị cũng không nghĩ mình có thể mắc ung thư tuyến giáp. Trước đó, mẹ chồng chị cũng đã được mổ và chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp.

"May mắn là bệnh của tôi mới ở giai đoạn đầu nên tiên lượng tốt. Bác sĩ bảo tôi cứ yên tâm điều trị bệnh ung thư cho ổn định, sau này vẫn có thể có con được", chị Hoan chia sẻ.

Cuối năm 2019 chị được phẫu thuật, sau đó là điều trị bằng iod phóng xạ trong một tháng. Chính khao khát mong muốn làm mẹ là động lực giúp chị vượt qua bệnh tật, cố gắng ăn uống để có sức, sau này vẫn có thể làm mẹ.

Sau một năm sức khỏe ổn định, đi khám không thấy có tế bào lạ chị mới quyết định sinh con. Trường hợp của vợ chồng chị phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Số tiền đó không phải là nhỏ với hoàn cảnh gia đình chị. Từ hồi bị ung thư, chị không đi làm được, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào công việc phụ hồ của chồng.

Vì thế, khi biết Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội có chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%, vợ chồng chị cũng làm hồ sơ. Tuy nhiên vì chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ, nên bên cạnh 10 gia đình nhận hỗ trợ 100%, Bệnh viện quyết định hỗ trợ cho gia đình chị 30 triệu đồng.

Hành trình "tìm con" 18 năm của cặp vợ chồng ở Hưng Yên

Trường hợp khác là chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết, ở Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) lấy nhau đã hiếm muộn 18 năm.

Kết hôn từ năm 2003, mãi chưa có con, nhiều năm qua anh chị cũng đã đi thăm khám, chạy chữa nhiều nơi, thậm chí từng vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thụ tinh trong ống nghiệm (năm 2018) nhưng không có kết quả.

Trước đó, chị Phượng cũng từng mổ bóc tách u nang buồng trứng (năm 2014) và mổ polyp buồng tử cung (năm 2016). Thu nhập từ nghề thợ hàn của anh Quyết và nghề phụ hồ của chị Phượng ngoài lo cuộc sống, chăm mẹ già (mẹ anh Quyết hiện đã gần 90 tuổi, ở cùng hai vợ chồng) khó có thể giúp họ tiếp tục theo đuổi hành trình gian nan này. Trong suốt quá trình tìm kiếm con yêu, dù khó khăn trăm bề nhưng anh Quyết chị Phượng chưa từng mất đi hy vọng và muốn từ bỏ.

Một trường hợp khác nữa là gia đình anh Lê Hải Phong và chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng) cũng là một cặp đôi hiếm muộn với hoàn cảnh rất éo le.

Chị Trang và anh Phong gặp rất nhiều khó khăn khi anh là bộ đội nên thường xuyên đi công tác xa nhà, chị Trang đôi khi cũng tủi thân nhưng anh chị chỉ có thể động viên nhau vượt qua.

Chị Trang (cầm micro) và gia đình chị Phạm Thị Phượng, anh Phạm Văn Quyết (giữa) chia sẻ những tâm tư trong buổi lễ công bố.

Ngoài niềm đau không có tiếng cười trẻ thơ trong căn nhà trống vắng, anh Phong chị Trang còn phải chăm sóc bố bị mắc bệnh ung thư, đái tháo đường, suy tim.

Chị Trang nghẹn ngào chia sẻ trong nước mắt: “Dù chồng đi công tác thỉnh thoảng mới về, nhưng chỉ hai vợ chồng chỉ nói đôi lời với nhau vì giữa cả hai luôn có một khoảng cách và cả những nỗi niềm mong ngóng đứa con chung. Còn ông bà vì những căn bệnh dày vò mà dường như đã mất hy vọng sống nên mình cũng chỉ mong ông bà có cháu sẽ có động lực chữa trị và sức mạnh để sống tiếp.”

Những câu chuyện xúc động trên được các gia đình chia sẻ trong buổi lễ “Công bố và trao quyết định: 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Chương trình Tuần lễ Vàng 2021 tổ chức tại Hà Nội và phát trực tuyến trong tối 3/7.

Năm nay, cơ hội đã đến với vợ chồng chị Phượng, chị Trang khi họ là một trong số 10 gia đình may mắn nhận được hỗ trợ miễn phí 100% chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ vàng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn.

Bác sỹ Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết sau 3 năm triển khai, có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí. Trên thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm không phải là nhỏ.

Do đó, chương trình hỗ trợ các gia đình được thực hiện những kỹ thuật này, giảm một phần đáng kể chi phí trong toàn bộ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm cũng như giúp các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Trong các ca được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh (25 em bé chào đời), một số đang chờ sinh với sự theo dõi, hỗ trợ tối đa từ bệnh viện. Các gia đình còn lại đang chuẩn bị chuyển phôi trong thời gian sắp tới.

Thái Bình