Không thể chống cuộc gọi rác?

Minh họa/INT

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 của Bộ TT&TT đã tiếp nhận hơn 570.000 phản ánh trong đó có hơn 104.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, chiếm gần 18% tổng số phản ánh.

Bên cạnh đó, trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Trong 6 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện chặn 291 triệu tin nhắn rác.

Số liệu này khắc họa rõ tình trạng người dùng bị quấy rối. Thực tế, hiếm người nào không nhận được cuộc gọi lừa đảo; hoặc phổ biến hơn là một ngày nhận vài ba cuộc mời chào, quảng cáo “đủ thứ trên đời”: Từ chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ tài chính cho tới học ngoại ngữ, cung cấp người giúp việc… Cuộc gọi rác phiền toái đến mức, nhiều người đã hình thành thói quen không nghe điện thoại nếu số gọi đến nằm ngoài danh bạ.

Cũng không khó hiểu khi cuộc gọi rác tăng mạnh dù cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp - đáng chú ý là động thái quyết liệt “chính chủ hóa” sim điện thoại từ đầu năm đến nay, đồng thời, khóa hơn 12 triệu SIM “rác” và cắt kênh phân phối SIM qua đại lý từ đầu tháng 9.

Thứ nhất, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người dùng ở nước ta còn ít được chú trọng. Việc khai thác, thương mại hóa trái phép, làm rò rỉ, lộ dữ liệu, thông tin cá nhân khách hàng diễn ra trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh.

Ở lĩnh vực bất động sản, khách hàng vừa ký hợp đồng mua nhà hôm trước, hôm sau đã nhận được các cuộc gọi tiếp thị về dịch vụ trang trí nội thất, sửa chữa… Ở lĩnh vực y tế, người nhà vừa vào bệnh viện phụ sản là đã nhận được thông tin tiếp thị về các loại sản phẩm cho trẻ sơ sinh. Hay khi đi lại, hành khách vừa đặt vé máy bay đã nhận được thông tin mời chào dịch vụ taxi đưa đón…

Việc trao đổi, mua bán trái phép dữ liệu khách hàng ở quy mô lớn cho mục đích tiếp thị, bán hàng cho thấy dữ liệu khách hàng đang được bảo vệ rất lỏng lẻo. Và chừng nào dữ liệu cá nhân vẫn còn chưa được đưa vào vòng bảo vệ thì cơ chế chống lại sự quấy rối từ quảng cáo rác không thể phát huy tác dụng.

Thứ hai, trong cuộc chiến này có mối xung đột lợi ích không dễ hóa giải. Các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ vừa có lợi ích từ các cuộc gọi, tin nhắn rác song vừa có nghĩa vụ chống lại điều này.

Bên cạnh đó, hiện nay, người dân và doanh nghiệp không bị hạn chế số SIM thuê bao, chỉ cần có ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP.

Điều này sẽ tạo ra nguồn SIM kích hoạt sẵn với thông tin chính chủ và được tung ra thị trường, đặc biệt là nguồn SIM do doanh nghiệp đứng tên thuê bao. Ngoài ra, tình trạng thành lập công ty, ký hợp đồng mua hàng trăm nghìn SIM trả trước để có SIM chính chủ được kích hoạt sẵn rồi giải thể doanh nghiệp cũng không phải là hiếm.

Các nguồn này sẽ tiếp tục tạo ra SIM “rác chính chủ” với thông tin được chuẩn hóa đúng quy định. Đây chính là lý do khiến tình trạng cuộc gọi rác vẫn không giảm bớt sau các đợt kiểm tra chuẩn hóa thông tin.

Rõ ràng, số liệu của Bộ TT&TT cho thấy cuộc chiến với SIM rác vẫn còn phải tiếp tục và phải hướng đến các giải pháp từ gốc nếu muốn ngăn chặn hiệu quả, trong đó có việc kiểm soát xung đột lợi ích và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuệ Lâm