Khủng hoảng của Disney

Theo Variety, Disney là hãng phim bất khả xâm phạm trong thập kỷ qua nhờ khả năng thích nghi tốt với những thay đổi mang tính kiến tạo của ngành điện ảnh, đồng thời được củng cố vững chắc bởi kho tài sản chủ chốt gồm Marvel, Lucasfilm và Pixar.

Nhưng năm nay, "gã khổng lồ phòng vé" bộc lộ rạn nứt khi 4 trong nhiều phim của họ gặp khó khăn, từ màn chào sân tệ của Ant-Man and the Wasp: Quantumania, phiên bản live-action của The Little Mermaid không đạt kỳ vọng, Elemental - phim Pixar có doanh thu mở màn tệ nhất (29,6 triệu USD), cho đến Indiana Jones and the Dial of Destiny - tác phẩm có kinh phí 300 triệu USD đang chật vật tại phòng vé.

Về mặt chất lượng, giới chuyên môn đánh giá các phim này sở hữu tất cả yếu tố để thành công vang dội, nhưng có vẻ, Disney lần này thất bại trong việc duy trì sức hút và lôi kéo khán giả tới rạp.

Cần thời gian để vực dậy

Danh sách phim của Disney từ đây đến cuối năm có nhiều tác phẩm đáng chú ý, nhưng Variety tin rằng Guardians of the Galaxy Vol. 3 có vẻ là phim kiếm được nhiều tiền nhất cho hãng trong năm 2023. Phim hiện đạt doanh thu 835 triệu USD.

Đây là năm hiếm hoi "Nhà Chuột" không có tác phẩm chạm mốc tỷ USD. Chưa kể, phim của hãng còn bị giới phê bình phản ứng rất tiêu cực. Các chuyên gia bày tỏ thái độ gay gắt về sự cẩu thả của Ant-Man and the Wasp: Quantumania, cũng như đặt hỏi hỏi "Cuộc phiêu lưu thứ 5 của 'già gân' Indy có thực sự cần thiết?".

Cây bút Rebecca Rubin của Variety nhận định, vấn đề cốt lõi của Disney liên quan đến câu chuyện kinh phí. Mỗi phim của hãng được đầu tư ít nhất 200 triệu USD, cộng thêm phí quảng cáo khoảng 100 triệu USD. Điều này cho thấy họ tự làm khó mình trong việc thu hồi vốn giữa bối cảnh thị trường bết bát.

Nếu trở lại giai đoạn trước, Disney chi mạnh là hợp lý vì các phim đều có tiềm năng vượt mốc tỷ USD dễ dàng. Nhưng thời thế dần thay đổi, Nga và Trung Quốc - hai thị trường từng rất tiềm năng của Hollywood - đã không thể thúc đẩy tăng trưởng doanh thu phòng vé của một tác phẩm bom tấn nào nữa. Và kết quả, Disney phải gánh chịu tổn thất.

Guardians of the Galaxy Vol. 3 (tựa Việt: Vệ binh dải Ngân Hà 3) là thành công hiếm hoi của Disney từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Marvel Studios.

Jeff Bock, nhà phân tích phòng vé của Exhibitor Relations, cho biết: "Bất cứ sản phẩm nào Disney tung ra trong năm 2019 đều kiếm được tỷ USD. Giờ đây, việc phát hành một phim trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bối cảnh quốc tế thay đổi và không còn là vùng đất béo bở".

Bock nhận định Disney chuyển hướng chiến lược lúc này cũng quá muộn. Bởi các phim lớn cần ít nhất 3 đến 4 năm để phát triển, sản xuất và phân phối. Ngay cả khi Disney thực sự nghiêm túc trong việc thắt lưng buộc bụng cũng khó tạo ra sự khác biệt đáng kể cho đến năm 2026, hoặc lâu hơn nữa.

"Phải mất thời gian rất dài để con tàu lớn như Disney thay đổi hướng đi", Paul Verna, nhà phân tích chính của Insider Intelligence, nhấn mạnh.

Trong rủi có may

Mảng điện ảnh của Disney bị cản trở bởi sự lên ngôi của nền tảng phát trực tuyến, cụ thể là Disney+. Hồi năm 2019, khán giả có thể xem Avengers: Endgame nhiều lần ở rạp vì muốn thưởng thức trọn vẹn màn chào tạm biệt một số siêu anh hùng Marvel. Giờ đây, không cần phải tốn tiền ra rạp, người xem chấp nhận đợi vài tháng (hoặc ít hơn) để thưởng thức một bộ phim phát hành trên OTT.

Nhà phân tích cổ phiếu cấp cao của Morningstar Research Services - Neil Macker - nêu quan điểm: "Mọi người mặc định phim điện ảnh sẽ nhanh chóng xuất hiện trên Disney+, nên ngành kinh doanh phim rạp mới khốn đốn. Những hạn chế từ thời dịch Covid-19 cộng với sự lên ngôi của nền tảng trực tuyến, càng làm trầm trọng thêm sự khốn đốn ấy".

Pixar là ví dụ điển hình cho đà sa sút này. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các phim của Pixar được gửi đến Disney+ để thu hút nhóm khán giả thích xem phim gia đình tại nhà. Tới khi trở lại cuộc chiến phòng vé, Pixar không thể cạnh tranh nổi. The Super Mario Bros. Movie của Universal được đoán là phim có doanh thu cao nhất năm với hơn 1,3 tỷ USD, trong khi chỉ tốn 100 triệu USD để thực hiện. Đây chỉ là phân nửa vốn đầu tư so với Elemental của Pixar - bộ phim đến nay vẫn chưa cán mốc 200 triệu USD.

Tương tự, thương hiệu Star Wars giảm sức hút ngoài rạp do The Mandalorian Andor - hai bộ phim hành động, khoa học viễn tưởng khác có cùng thể loại, đang ăn nên làm ra trên Disney+.

Elemental lấy chủ đề tình cảm gia đình, tình yêu sâu sắc nhưng không thu hút đông khán giả đến rạp. Ảnh: Disney.

Là đế chế truyền thông và phim ảnh hàng đầu thế giới, Disney đang đối mặt vô số thử thách khác nhau. CEO mới của Disney - ông Bob Iger - đứng ngồi không yên trước tình trạng bất ổn của Phố Wall. Hoạt động kinh doanh Disneyland kém hiệu quả kéo theo giá cổ phiếu của Disney sụt giảm (giảm gần 7% so với năm trước).

"Disney lỗ nhiều hơn mọi người nghĩ và thị trường trở nên bão hòa nhanh hơn chúng ta mong đợi. Hoạt động kinh doanh công viên giải trí từng là 'gà đẻ trứng vàng' cho Disney, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch", Brandon Nispel, nhà phân tích nghiên cứu vốn chủ sở hữu của KeyBanc Capital Markets, bình luận.

Với góc nhìn của Spiegel, Disney rất cần tạo ra những giá trị mới mẻ, không chỉ về hoạt động kinh doanh mà còn cả về kế hoạch sản xuất, phát hành phim tương lai. "Nếu bại trận ở phòng vé, Disney sẽ bù đắp khoản lỗ bằng doanh số bán hàng và giá trị các tài sản khác. Đây là điểm khác biệt của hãng so với Paramount hay Sony", chuyên gia nói thêm.

Thực tế, Disney không có tín hiệu tốt về doanh thu phim nhưng các dịch vụ đi kèm đã hấp dẫn khán giả thuộc mọi tầng lớp, độ tuổi. Đơn cử, The Little Mermaid có doanh thu khả quan nhất là hơn 500 triệu USD - con số chỉ đủ hòa vốn, song sự trở lại của nàng tiên cá Ariel phiên bản người đóng đã thúc đẩy doanh số bán lego, búp bê, balo, sơn móng tay...

Điều tương tự xảy ra đối với cuộc phiêu lưu kém hiệu quả khác của Marvel là Ant-Man. Nhờ bộ phim, có đông đảo khán giả quan tâm đến khuôn viên Avengers, một khu vực vui chơi theo chủ đề MCU tại công viên giải trí California Adventure Park của Disneyland.

Quốc Minh