Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của nghi thức tế cửu khúc tại Lễ hội Hoa Lư

Nghi thức tế cửu khúc nữ quan tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

"Gió mới xuân về khắp núi sông

Hoa Lư rực rỡ bóng cờ hồng

Quốc gia khai hội mừng truyền thống

Trường Yên hiến kế trước sân rồng…"

Vừa thong thả đọc một khúc ca ngắn trong bài văn tế cửu khúc mà đội tế cửu khúc nam quan xã Trường Yên đang luyện tập chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư năm 2024, ông Trần Văn Khang (thôn Trường Xuân) vừa giảng giải thêm cho chúng tôi hiểu về nội dung cũng như ý nghĩa của nghi thức tế cửu khúc.

Theo các bậc cao niên kể lại, nghi thức tế cửu khúc xuất phát từ triều đại vua Đinh Tiên Hoàng, được lưu truyền lại theo tài liệu chép tay của ông Nguyễn Văn Ngọ, tức Năm, hiện do bà Phạm Thị Hoan, sinh năm 1958, thôn Đông Thành, xã Trường Yên lưu giữ.

Tế cửu khúc từng có một thời gian bị thất truyền và có nhiều dị bản. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kịch bản Lễ hội Hoa Lư, đưa nghi thức tế cửu khúc là một trong những nghi lễ chính của Lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tiến hành nghiên cứu phục dựng lễ tế cửu khúc, đem lại sự hồi sinh của nghi lễ này.

Từ năm 1992 đến nay, các đội tế của xã Trường Yên đã khôi phục, giữ gìn nghi thức tế cửu khúc cho đến ngày nay. Hiện trên địa bàn xã Trường Yên duy trì nhiều đội tế, nhưng tế cửu khúc chỉ còn 3 đội là đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành và đội tế cửu khúc nam quan, nữ quan xã Trường Yên.

Thành viên đội tế cửu khúc thôn Đông Thành luyện tập.

Trong cái nắng nóng đầu mùa oi ả, Nhà văn hóa thôn Đông Thành lại sáng đèn mỗi tối để đội tế cửu khúc nữ quan của thôn đến luyện tập. Điều đáng mừng là những gương mặt tham gia luyện tập trong đội tế năm nay đã có nhiều gương mặt trẻ.

Bà Nguyễn Thị Sơn, chánh tế, đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành chia sẻ: Đội tế cửu khúc thôn Đông Thành hiện duy trì 40 thành viên. Vì nhiều thành viên cao tuổi, sức khỏe yếu đã dần rút lui khỏi đội nên chúng tôi luôn tìm kiếm, lựa chọn những người phù hợp để tham gia đội tế.

Để có mặt trong đội tế, bản thân người được chọn phải là công dân tốt, gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong đội tế nếu gia đình thành viên nào có tang thì phải qua 3 năm mãn tang mới tiếp tục tham gia…

Các điều kiện tuy đơn giản nhưng lại khắt khe như thế mà bao năm qua, các thành viên tham gia đội tế luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Bản thân thành viên đội tế cũng luôn tâm niệm phải giữ gìn lời ăn tiếng nói cho đến lối sống, sinh hoạt hàng ngày bởi bản thân mình đang vinh dự được đại diện cho nhiều người dân địa phương dự lễ tế Vua mỗi dịp lễ hội.

Tham gia đội tế cửu khúc với nhiều người dân xã Trường Yên luôn là niềm vinh dự, tự hào vì được thực hiện những nghi thức tế lễ cổ truyền để dâng lên Đức Vua, góp phần giữ gìn, bảo tồn một trong các nghi thức truyền thống của Lễ hội Hoa Lư.

Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ: Là thành viên trẻ nhất (28 tuổi) đội tế cửu khúc thôn Đông Thành, tôi được chứng kiến các bà, các cô trong đội tế luyện tập và thực hiện các nghi thức tế mỗi dịp Lễ hội diễn ra. Là một người con quê hương Trường Yên, tôi có mong muốn được tham gia đội tế để góp phần cùng các cô, các bác trong thôn tiếp tục bảo tồn và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc tại Lễ hội. Gia đình tôi có mẹ đẻ đã từng tham gia đội tế cửu khúc của thôn nên càng thôi thúc tôi tiếp nối truyền thống…

Đội tế cứu khúc nam quan xã Trường Yên luyện tập.

Tế cửu khúc là một nghi thức thành kính, trang trọng được tiến hành tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Tế cửu khúc gồm 9 khúc ca có nội dung ca ngợi công đức của vua Đinh, cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt… Nhiều năm qua, tế cửu khúc là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Hoa Lư, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

Nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Di sản Văn hóa phi vật thể, trong đó có nghi thức tế cửu khúc mà các thế hệ người dân xã Trường Yên đã và đang thực hiện, góp phần lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của nghi thức tế lễ cổ truyền cho ngày nay và mai sau. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc.

Theo tài liệu ghi lại, tế cửu khúc là một dạng thức tế Vua có 9 khúc ca để hành lễ. 9 khúc ca viết theo lối văn cổ điển, dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, hát theo lối ca trù, hoặc hát cửu đình, có nhạc lễ đệm về trống phách giữ nhịp, gồm 218 câu hát được chia ra 9 khúc: nguyên hòa, thái hòa, thọ hòa, dự hòa, ninh hòa, hài hòa, an hòa, thuần hòa, ung hào, và bản chung tán, tổng kết toàn bộ 9 khúc ca trên.

Trước đây, tế cửu khúc thường được tiến hành tế vào đêm, trên sân rồng Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tới 7 đêm liền. Mỗi lần tế lễ kéo dài từ 7 đến 10 tiếng đồng hồ. Nay Lễ hội Hoa Lư chỉ mở hội trong 3 ngày, vì thế, trên cơ sở các nghi thức cổ truyền, kịch bản phục dựng được lược bỏ những lễ tiết không quan trọng để thời gian tế cửu khúc chỉ diễn ra trong khoảng 80-90 phút. Từ 79 lễ tiết tế cổ, rút xuống trên 50 lễ tiết mà vẫn đảm bảo trang trọng, linh thiêng.

Bùi Diệu-Minh Quang