Nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Chăm

Trang phục của thiếu nữ Chăm ở Bình Định. Ảnh: Thúy Hạnh

Hiện nay, nhiều người dân tộc thiểu số đã thay đổi cách ăn mặc. Họ không còn hào hứng mặc hoặc giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thậm chí, họ còn suy nghĩ, nếu không ăn vận thời trang sẽ bị coi là lạc hậu. Do trang phục truyền thống gần như không còn gắn với đời sống hằng ngày của một số người dân nên dẫn tới nguy cơ mai một.

Đối mặt trước thách thức đồng hóa văn hóa dân tộc, người phụ nữ Chăm vẫn giữ được trang phục của dân tộc mình với những nét văn hóa riêng biệt, đậm màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo mà không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào. Cộng đồng dân tộc Chăm cư trú khá tập trung trong các palei (hoặc puk) thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Một số ít sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên.

Trong xã hội người Chăm, mỗi tầng lớp, mỗi chức sắc đều có trang phục riêng. Ở trang phục dân tộc Chăm, sự độc đáo qua kiểu dáng và hoa văn trang trí được thể hiện rất rõ nét. Đặc trưng trang phục Chăm là không trang trí hoa văn trên nền vải áo. Hoa văn được trang trí trên từng mảnh vải rồi may ghép vào các bộ phận của trang phục như cạp váy, thắt lưng. Riêng váy của phụ nữ Chăm, hoa văn được trang trí trên cạp váy và nền vải. Trong việc học hành, giao tế, tiệc tùng và sinh hoạt cộng đồng, nam, nữ đều mặc váy quấn (sa rông). Nam giới đội mũ vải, phụ nữ choàng khăn Ma-tơ-ra hay còn gọi là khăn Khanh Ma-om.

Màu sắc trang phục thì theo sở thích của từng người, tuy nhiên, màu chủ đạo vẫn là trắng, đỏ tươi và vàng óng, rất hài hòa, nhã nhặn. Nét đặc trưng trong trang phục của người Chăm so với các dân tộc khác là có những họa tiết trang trí độc đáo, hoa văn mộc mạc, đơn giản, không cầu kỳ, màu sắc rất rực rỡ, tươi sáng và đầy ấn tượng. Vào ngày lễ hội, nam giới mặc trang phục áo trắng, khăn đỏ, nữ giới mang trang phục muôn vàn sắc tía tạo nên một bức tranh đầy màu sắc.

Trang phục không chỉ là biểu hiện của nhu cầu, sở thích làm đẹp mà còn gắn liền với tín ngưỡng, những điều kiêng kỵ. Phụ nữ Chăm theo đạo Hồi (Islam) quy định sử dụng trang phục truyền thống khắt khe hơn. Theo đó, bất kỳ người phụ nữ Chăm Islam nào khi ra đường hoặc đến những nơi đông người đều phải mặc kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể.

Khi đạo Hồi du nhập vào Việt Nam đã được cải biến phù hợp với văn hóa dân tộc và luật pháp Việt Nam. Vì vậy, người phụ nữ Chăm Islam ở nước ta không bị những quy định quá ngặt nghèo chi phối như phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo khác. Tuy họ không phải mang mạng che mặt, mặc áo dài tay, hay có người lớn tuổi đi kèm, nhưng vẫn phải đội khăn che kín tóc khi ra đường và vẫn được coi là người Chăm Islam chính thống. Mỗi khi bước chân ra ngoài, hoặc có khách khác giới không phải là họ hàng gần đến nhà thì việc mặc trang phục truyền thống đối với phụ nữ Chăm là việc làm bắt buộc.

Người Chăm Islam ở Ninh Thuận và Bình Thuận tiếp nhận đạo Hồi sớm nhưng căn bản vẫn theo tín ngưỡng của dân tộc Chăm. Tuy nhiên, người Chăm Islam vẫn hòa trộn nhiều tín ngưỡng, tập tục của văn hóa Hindu (Ấn Độ) vào đạo Hồi. Người Chăm ở nước ta theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ quyết định mọi việc trong nhà và dung hòa với phong tục truyền thống. Cha mẹ người Chăm Islam khuyên dạy, khuyến khích và tập cho con gái ăn mặc kín đáo từ lúc còn nhỏ để tránh bị xúc phạm. Con trai phải mặc quần áo riêng biệt theo giới tính của mình. Người Chăm Islam tin rằng, nếu dạy dỗ tốt con cái thì họ và các thế hệ sau sẽ được hạnh phúc.

Qua thời gian, mặc dù có sự tác động, ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài và tín ngưỡng, nhưng trang phục của người Chăm vẫn luôn lưu giữ được một phong cách riêng. Phong cách ấy góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Chăm mà không thể lẫn với các dân tộc khác. Điều đó thể hiện sức sống dẻo dai và mãnh liệt văn hóa của người Chăm, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, thống nhất trong đa dạng nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.

Thúy Hạnh