Người lao động toàn thế giới cùng lúc đương đầu với nhiều mối nguy hại về sức khỏe

Nắng nóng gay gắt tại Bordeaux, Pháp ngày 5/4/2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong báo cáo mới, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thuộc LHQ cảnh báo một số lượng lớn đáng kinh ngạc người lao động toàn cầu đang đối mặt với những mối nguy hại liên quan biến đổi khí hậu ngay tại nơi làm việc và những con số này ngày càng đáng báo động hơn. Theo báo cáo của ILO, những mối nguy hại có thể kể đến như nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tia UV, ô nhiễm không khí, các bệnh do vật chủ trung gian truyền nhiễm và hóa chất nông nghiệp. Những người làm việc trong các môi trường kín nóng nực, điều kiện lưu thông không khí kém cũng chịu nhiều nguy cơ sức khỏe.

Theo báo cáo, người lao động là nhóm dễ hứng chịu những tác hại do biến đổi khí hậu nhất nhưng lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc ngay cả trong các điều kiện nguy hiểm. Báo cáo chỉ ra năm 2020, 2,4 tỷ người lao động (tương đương hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu) phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao vượt ngưỡng. Năm 2020 là năm gần nhất có dữ liệu liên quan được tổng hợp đầy đủ.

Theo bà Manal Azzi, chuyên gia cao cấp của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, con số này đánh dấu một mức tăng rõ ràng. Số lượng người lao động phải tiếp xúc với nhiệt độ cao vượt ngưỡng chịu đựng đã tăng 35% trong 2 thập niên và nếu điều chỉnh theo tốc độ tăng dân số thế giới, tỷ lệ này là 8,8% tính từ năm 2000.

Báo cáo của ILO chỉ ra có rất nhiều bệnh tật ở người lao động liên quan tới biến đổi khí hậu, có thể kể đến như thư, bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp, suy thận và các chứng bệnh về thần kinh. Theo đó, khoảng 1,6 tỷ người lao động trên thế giới tiếp xúc với tia UV mỗi năm, với hơn 18.960 ca tử vong liên quan công việc mỗi năm là do bệnh ung thư da không tế bào hắc tố. Thêm 1,6 tỷ người khác có nguy cơ cao phải tiếp xúc với ô nhiễm nơi làm việc, dẫn đến 860.000 ca tử vong ở những người làm việc ngoài trời mỗi năm. Hơn 870 triệu lao động nông nghiệp có nguy cơ cao tiếp xúc với thuốc trừ sâu, với hơn 300.000 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu mỗi năm. Và có khoảng 15.000 ca tử vong hằng năm liên quan đến công việc được cho là do tiếp xúc với các bệnh do ký sinh trùng và bệnh do vật chủ trung gian truyền nhiễm.

Bà Azzi nhấn mạnh rõ ràng là biến đổi khí hậu đã kéo theo nhiều mối nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe của người lao động. Bà kêu gọi dành sự quan tâm thích đáng cho vấn đề đồng thời lưu ý trong mọi hành động và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, cần tính đến vấn đề đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. ILO cho rằng trước các mối nguy hiểm mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho người lao động, yêu cầu đặt ra là các nước cần đánh giá lại luật pháp hiện hành hoặc tạo ra các quy định mới để bảo vệ người lao động một cách phù hợp. ILO dự định tổ chức một cuộc họp chuyên môn vào năm 2025 với đại diện của người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ để thảo luận về vấn đề này, nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách mới.

Lê Ánh (TTXVN)