Nhiều hiện vật, tư liệu quý tại bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được đặt tại số 81 phố Tân Nhuệ (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Kiến trúc của bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986.

Tại ngôi nhà này, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2020, theo nguyện vọng của gia đình và được sự đồng thuận của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bắt đầu được nâng cấp thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được UBND TP Hà Nội cấp phép số 5764/QĐ-UNBD ngày 30/12/2020. Công trình được xây dựng từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022 thì hoàn thành.

Bảo tàng nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tuyên truyền giáo dục, lịch sử truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và du khách khi đến Thủ đô Hà Nội.

Hệ thống trưng bày tại bảo tàng giới thiệu hơn 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, 23 pho tượng đồng gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam. Ngoài ra còn có trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, của quân đội, nhà quân sự chính trị lỗi lạc và người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.

Hệ thống trưng bày ngoài không gian khánh tiết còn bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương-Cách mạng miền trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền bắc; Cách mạng miền nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình-Hành trình tiếp nối.

Ngoài những chủ đề trên, Bảo tàng còn trưng bày các tiểu đề như: Đối ngoại, Ông tướng du kích, Chống chủ nghĩa cá nhân, Văn hóa-Văn nghệ, Thể dục-thể thao, Đại tướng của nông dân, Vì hòa bình mà đánh...

Bức tượng đầy đủ thành viên trong gia đình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên bố chung tại Hội nghị các Đảng cộng sản và phong trào công nhân trên thế giới năm 1960. Hai bên là đồng chí Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh.

Bức tượng đồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi công việc.

Tượng đồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam trò chuyện với chiến sĩ Sư đoàn 5, miền Đông Nam bộ.

Các huân chương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại đây.

Một số hiện vật của Đại tướng được trưng bày tại bảo tàng.

Các vật dụng thường dùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: ống nhòm, đồng hồ bàn, bi đông cũng được trưng bày tại đây.

Bà Nguyễn Thị Cúc vợ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chụp ảnh chung tại căn nhà cũ số 34 phố Lý Nam Đế năm 1963.

Xe đạp nhãn hiệu Mercier của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Ảnh chụp không gian mô phỏng nơi làm việc của Đại tướng ở ngôi nhà cũ.

Bàn làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Mỗi hiện vật được trưng bày ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện rõ cốt cách cũng như tài năng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Chiếc két sắt đựng tài liệu mật trong phòng làm việc, cùng với đó là chiếc đàn piano và ảnh của vợ chồng Đại tướng.

Bảo tàng sẽ là không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp chúng ta thấm nhuần hơn nữa lòng tự hào và tinh thần yêu nước.

Trong thời gian từ nay đến tháng 12/2023, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần. Sáng từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ từ các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành vào ngày 1/1/2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng.

Bảo tàng sẽ là địa chỉ đỏ hấp dẫn Nhân dân, cũng như du khách quốc tế mỗi khi tới Hà Nội. Không gian trưng bày tại các tầng được thiết kế sinh động với chất liệu bền vững, màu sắc hài hòa, sử dụng ánh sáng chiếu vào trung tâm hiện vật giúp người xem cảm thấy gần gũi.

Duy Minh