'Nồi canh yêu thương' đồng hành cùng em đến trường

Mạnh thường quân Ann Nguyễn trao tiền hỗ trợ cho đại diện Đồn Biên phòng Thuận và Trường Tiểu học Thuận để triển khai mô hình “Nồi canh yêu thương”. Ảnh: Đức Tú

Những bát cơm chưa đủ đầy

Nhà ở cách xa trường học gần 4km, đường đi phải lội qua suối nên em Hồ Minh Thăm, 8 tuổi, ở thôn Úp Ly, xã Thuận, học sinh lớp 2A mỗi ngày đến trường đều phải ở lại bán trú. Điều kiện gia đình chưa khá giả, vì vậy, bố mẹ em dẫu rất thương con song cũng chỉ chuẩn bị cho em một ít cơm trắng cùng thức ăn đơn giản để Thăm ở lại buổi trưa cùng bạn bè và tiếp tục những tiết học buổi chiều. Trống tan trường cuối ngày cũng là lúc bụng cậu bé sôi lên vì đói, cơm ít chất dinh dưỡng nên cái đói vì thế mà đến nhanh hơn.

Không chỉ riêng Hồ Văn Thăm mà hầu hết các em học sinh hiện đang theo đuổi hành trình con chữ tại ngôi trường này đều cùng chung cảnh ngộ như vậy. Buổi sáng thức dậy, các em được bố mẹ chuẩn bị cho một ít cơm trắng, còn thức ăn thì có gì dùng nấy nhưng hiếm hoi lắm mới có chút thịt, cá, còn lại đa số là muối trắng trộn thêm chút mỳ chính để dễ nuốt cơm hơn. Khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, vất vả thì bát cơm mang theo đến trường của trẻ em vùng cao cũng thiếu thốn về dinh dưỡng.

Hiện tại, trong số 436 em học sinh Trường Tiểu học Thuận, số học sinh lớp 1 và lớp 2 khu vực trường chính gồm 117 em, đây là những em phải ở lại bán trú vì tuổi nhỏ, nhà xa trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận cho biết: “Thời gian qua, bữa ăn trưa của các em học sinh không đủ no, thiếu chất dinh dưỡng, đây chính là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ học sinh đến trường chuyên cần, đặc biệt là buổi học thứ 2 trong ngày (tức là thời gian học buổi chiều), số này tập trung nhiều nhất ở khối lớp 1 và lớp 2. Bữa cơm của các em mang theo đến trường hầu như không có thức ăn ngon, thậm chí có em chỉ mang mỗi cơm trắng, đến bữa ăn phải xin thức ăn của các bạn. Vì thế, buổi chiều, các em thường bỏ lớp để về nghỉ ở nhà do đói bụng và mệt mỏi”.

Thương cảm cho hoàn cảnh của các em, Ban Giám hiệu nhà trường cùng với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thuận đã cố gắng liên hệ, vận động các nhà hảo tâm, khi thì két mỳ tôm, lúc thì lon cá hộp, thùng xúc xích để thi thoảng bổ sung vào bữa ăn cho các em. Tuy nhiên, số lượng không được nhiều và các em vẫn cứ phải làm no cái dạ dày của mình từ những bát cơm thiếu thức ăn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thuận và giáo viên Trường Tiểu học Thuận chuẩn bị nguyên liệu để nấu canh cho các em học sinh. Ảnh: Đức Tú

Làm ấm lòng các em học sinh

Cũng như nhiều địa phương miền núi khác, việc duy trì học sinh chuyên cần đến trường luôn là nỗi trăn trở của các thầy, cô giáo, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của cả những người lính Biên phòng đứng chân trên địa bàn. Nhiều giải pháp được đưa ra với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thuận; từ việc tuyên truyền, vận động tập trung rồi đến từng nhà dân phân tích hệ quả của việc học sinh nghỉ học, bỏ học..., song tỷ lệ các em đến trường chuyên cần vẫn không đạt so với yêu cầu, nhất là vào giờ học buổi chiều, lý do vẫn chỉ là bữa ăn trưa chưa đảm bảo định lượng và dinh dưỡng cho các em.

Với quyết tâm “giữ chân" các em ở lại học buổi chiều, bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhà trường tiến hành tổ chức mô hình bán trú. Theo đó, các em đem cơm ở nhà đến trường, khi kết thúc giờ học buổi sáng, thầy, cô giáo sẽ cho các em ăn, rồi tranh thủ nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục học tập. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả tốt, thế nhưng dần sau đó, hiện tượng các em học sinh khối lớp 1 và lớp 2 nghỉ giờ học buổi chiều lại tiếp tục tái diễn mà lý do cũng chẳng khác gì những lần trước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thuận và giáo viên Trường Tiểu học Thuận chia khẩu phần canh cho các em học sinh ăn trưa tại trường. Ảnh: Đức Tú

Cùng chung vai với Trường Tiểu học xã Thuận trong việc “gọi các em đi học chuyên cần”, Đồn Biên phòng Thuận đã phối hợp với nhà trường nghiên cứu, xây dựng mô hình “Nồi canh yêu thương”, sau đó liên hệ, kết nối với mạnh thường quân trên mạng xã hội Facebook là Ann Nguyễn và nhóm từ thiện Phước Hạnh (Hà Nội). Các nhà mạnh thường quân này đã hỗ trợ 67,5 triệu đồng để triển khai mô hình tại điểm trường chính cho 117 học sinh khối lớp 1 và lớp 2 ở lại bán trú từ ngày 5/9/2023, tức là ngày đầu tiên các em bước vào năm học mới.

Kinh phí đã có, mô hình đã được triển khai, song lại nảy sinh vấn đề về người phục vụ bởi thầy, cô giáo còn bận việc dạy và chăm lo cho các em ăn nghỉ buổi trưa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận bận thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nên không thể thường xuyên đi chợ, nấu ăn cho các em được. Để khắc phục "điểm nghẽn" này, đơn vị đã cùng với nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức họp phụ huynh và thống nhất mỗi ngày cử 2 phụ huynh đến tự nguyện nấu canh cho học sinh ăn. Nhà trường và đồn tiếp tục tìm nguồn kinh phí để mua sắm thêm dụng cụ như xoong nồi, bếp ga, xô đựng canh, hộp đựng cơm cho học sinh để mô hình “Nồi canh yêu thương” hoạt động hiệu quả hơn.

Mô hình “Nồi canh yêu thương” triển khai hoạt động 4 buổi mỗi tuần đã góp phần nâng tỷ lệ học sinh không bỏ buổi học, tiết học lên đến 99,8% so với chưa đầy 95% trước đây và phụ huynh rất yên tâm về con của mình, chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Mô hình đã góp phần “giữ chân” các em học sinh ở lại tiếp tục giờ học buổi chiều, nâng cao chất lượng giáo dục nơi địa bàn biên giới.

Thiếu tá Hoàng Xuân Biên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận cho biết: “Từ khi triển khai mô hình đã giúp nâng cao chất lượng bữa ăn trưa của các em học sinh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn nên cũng mới chỉ tổ chức được cho các em khối lớp 1, lớp 2 và thời gian chỉ trong năm học 2023-2024. Chúng tôi rất mong muốn các mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ để mô hình được duy trì lâu dài và mở rộng cho các em học sinh những khối lớp khác”.

Đức Tú