Phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng là cơ quan tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng BĐBP

Với những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Chính trị BĐBP đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trong ảnh: Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và kỷ niệm 58 năm Ngày Truyền thống Cục Chính trị BĐBP (23/4/1959 - 23/4/2017), diễn ra ngày 20/4/2017, tại Hà Nội. Ảnh: Bình Minh

Ngay trong giai đoạn đầu mới thành lập (1959-1965), lực lượng CANDVT vừa tổ chức xây dựng, vừa triển khai chiến đấu bảo vệ biên giới và nội địa miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Cục Chính trị đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, chỉ đạo các mặt CTĐ, CTCT trong xây dựng và củng cố lực lượng, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến. Kịp thời giáo dục, động viên CBCS đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng xây đồn, lập trạm, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và Thủ đô Hà Nội; tuyên truyền, vận động nhân dân lập bản, xây dựng phòng tuyến Nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời.

Trên khắp miền biên cương, bờ biển và giới tuyến, nơi đâu cũng hừng hực khí thế thi đua, như: CANDVT Vĩnh Linh với phong trào “Coi đồn là nhà”; Tiểu khu 15 CANDVT Tây Bắc với phong trào “Coi biên giới là quê hương thứ hai”; CANDVT Nghệ An với phong trào “Giỏi một xóm, biết nhiều nhà”... Các đội vận động quần chúng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Bước sang giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (1965-1975), quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của lực lượng CANDVT, Cục Chính trị đã tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng tiến hành tốt CTĐ, CTCT, động viên CBCS tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự, các mục tiêu quan trọng ở nội địa và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam. Nhiều CBCS đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, dũng cảm xả thân trong mưa bom, bão đạn để cứu dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và các mục tiêu nội địa; bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ sau năm 1975, Cục Chính trị tập trung chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT trong các đơn vị trên toàn tuyến biên giới, biển, đảo cả nước, trong đó, đối với các đơn vị phía Nam, tập trung đấu tranh trấn áp các tổ chức phản cách mạng gây bạo loạn, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng phản động, gián điệp, tình báo, biệt kích; truy bắt ngụy quân, ngụy quyền trốn trình diện..., tiếp quản các trụ sở, cơ quan, xây đồn, dựng trạm để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, Cục Chính trị tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn CTĐ, CTCT, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tích cực tham mưu kiện toàn các tổ chức Đảng; bố trí lại các đồn, trạm; chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động quần chúng chống xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới; chỉ đạo CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ: Tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, buôn lậu, ngăn chặn người vượt biên, vượt biển.

Bước vào thời kỳ mới, Cục Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản mang tính chiến lược về xây dựng và bảo vệ biên giới như: Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị (Khóa VI) về "Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”; Pháp lệnh BĐBP, ngày 28/3/1997; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 28/3/1998 "về tăng cường chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo"; Quyết định số 16/QĐ-HĐBT, ngày 22/02/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ "về tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân"; ngày 17/6/2003, Quốc hội thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó, quy định lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ "về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 29/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản thi hành...

Tập trung tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn. Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng; sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, đạt chất lượng; phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; đồng thời nắm chắc tình hình, kịp thời định hướng nhận thức bộ đội, giải quyết tư tưởng phát sinh, không để bị động, bất ngờ trước những diễn biến mới, các vụ việc phức tạp có liên quan đến BĐBP, góp phần ổn định về chính trị.

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với các thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023. Ảnh: Ngọc Lâm

Tuyệt đại đa số CBCS có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xác định tốt vai trò, trách nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền về biên giới và BĐBP trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng đậm nét, có chiều sâu, trọng tâm là tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của Đảng, đất nước, Quân đội và lực lượng, về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19. Tham mưu, chỉ đạo duy trì thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, phong trào thi đua Quyết thắng; công tác văn hóa, văn nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Báo Biên phòng, Điện ảnh-Truyền hình Biên phòng, Đoàn Văn công, Bảo tàng, Nhà Văn hóa.

Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức, Cục Chính trị đã tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, hướng dẫn của trên; bám sát yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chấp hành nghiêm quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác trọng yếu. Cùng với đó, tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW, ngày 01/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo.

Hiện nay, đang triển khai 151 cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện; 485 cán bộ tham gia cấp ủy cấp xã. Tham mưu tiến hành công tác cán bộ, bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc, công tâm, khách quan; kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong toàn lực lượng. Hướng dẫn, triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách trong quân đội và hậu phương quân đội. Chủ động nắm, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ; điều tra, xác minh, tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến nội bộ; bảo đảm an ninh, an toàn cơ quan, đơn vị và các hoạt động đối ngoại...

Phát huy tính năng động, sáng tạo, Cục Chính trị đã chủ động, tích cực tham mưu triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình, cách làm hay, thiết thực, cụ thể, như: Phong trào “Ngày Biên phòng toàn dân", "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Tổ tàu thuyền tự quản ngư trường, bến bãi an toàn’’... Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bồi đắp lòng tin của nhân dân với Đảng, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ biên giới, xây dựng "Thế trận lòng dân" vững chắc.

Chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước triển khai mô hình đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường cho các xã ở vùng sâu, vùng xa, giữ chức danh chủ chốt, tăng cường 289 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu 2.458 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản biên giới; vận động xây dựng hàng chục nghìn “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; Chương trình “Bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số”; Đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc Chứt ở bản Rào Tre ở Hà Tĩnh”, “Bảo tồn tộc người Đan Lai ở khu vực biên giới Nghệ An”, "Bảo tồn dân tộc La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu”, “Bảo tồn tộc người Rục ở Quảng Bình”; triển khai xây dựng quỹ giúp đỡ quân nhân hiếm muộn và chương trình "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới", “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”...

Đặc biệt, Cục Chính trị đã trực tiếp và tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai các hoạt động hướng về biên giới như: “Điểm tựa của bản làng”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Thầy giáo quân hàm xanh", “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...; xây dựng phim “Ký sự Biên phòng”, "Ký sự biển đảo", “Những trang sử biên thùy”, phối hợp xây dựng bộ phim truyền hình “Cuộc chiến không giới tuyến”; duy trì hiệu quả chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới", “Biển đảo quê hương”... Các chương trình, mô hình, phong trào này có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, mang lại hiệu quả cao, nâng cao nhận thức cho nhân dân, để lại ấn tượng tốt đẹp, được dư luận quan tâm, đánh giá cao.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị BĐBP, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chủ trì Hội nghị Đảng ủy Cục Chính trị BĐBP ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Trần Đức

Đồng thời, trước yêu cầu của hội nhập, việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, Cục Chính trị đã tham mưu chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng; tăng cường gặp gỡ, giao lưu hữu nghị biên giới; tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đồn - trạm Biên phòng với các nước có chung đường biên giới (tới nay có: 218 cặp cụm dân cư hai bên biên giới ký kết nghĩa, 188/265 đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền đã ký kết hữu nghị với các đơn vị nước Bạn). Phối hợp với các lực lượng liên quan tham mưu tổ chức thành công Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc qua 8 lần; Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất; Chương trình Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị 3 lần; Giao lưu công tác chính trị với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc...

Với những thành tích đạt được, Cục Chính trị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 1 Huân chương Quân công; 2 Huân chương Chiến công; 1 Huân chương Lao động; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 16 Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng... Đặc biệt, ngày 30/10/2023, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Cục Chính trị.

Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang đã và đang xảy ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ... Trước tình hình trên, để hoàn thành tốt trọng trách được giao, Cục Chính trị BĐBP tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của trên; bám sát thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng, xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở. Chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng BĐBP thực hiện tốt các nội dung CTĐ, CTCT. Trong đó, chú trọng thực hiện các chủ trương, giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, quản lý, định hướng tư tưởng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP; các chủ trương, giải pháp xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đảm bảo để các cấp ủy, tổ chức Đảng trong BĐBP có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân lãnh đạo đảm bảo cho từng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của tuyến sau cho tuyến trước, xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, các hoạt động, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Ba là, cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ; nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTĐ, CTCT trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, CBCS có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có ý chí cao, trách nhiệm tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho toàn lực lượng hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân giao phó, kịp thời định hướng tư tưởng cho CBCS trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Bốn là, tập trung xây dựng Cục Chính trị vững mạnh toàn diện, nội bộ đoàn kết, thống nhất; CBCS luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, tâm huyết, tính tiên phong, gương mẫu, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Xây dựng Cục Chính trị thực sự là một môi trường tốt để bộ đội rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, để mỗi cán bộ, nhân viên của Cục Chính trị thực sự là một tấm gương sáng, mỗi hoạt động của CTĐ, CTCT của Cục Chính trị phải thực sự là một “bài học mẫu” để các đơn vị trong toàn lực lượng học tập và noi theo.

Năm là, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên quan tâm, chăm lo làm tốt công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội; xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách đặc thù đối với BĐBP, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội.

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP