Phim y khoa TVB bị lên án vì bôi nhọ bệnh nhân tâm thần

Ngày 27/8, On đưa tin bộ phim Người hùng blouse trắng 2 tiếp tục gây tranh cãi vì loạt tình tiết gượng ép, tạo điểm nhìn xấu về nghề y và bệnh nhân tâm thần.

Trong tập phát sóng mới nhất, có phân cảnh một người đàn ông trẻ phát bệnh tâm thần (Đàm Vĩnh Hạo) và tấn công bằng dao với nhiều người trong ga tàu điện ngầm.

Cảnh quay bị Viện Tâm thần Hong Kong lên án vì xây dựng bệnh nhân tâm thần bạo lực, tấn công người không lý do. "Cảnh phim trong Người hùng blouse trắng 2 miêu tả phóng đại triệu chứng bệnh của người mắc tâm thần. Tại sao phải đem bệnh nhân tâm thần để gây chú ý và tạo tình huống giật gân, kịch tính trên màn ảnh. Họ đang bôi nhọ người mắc bệnh tâm thần", đại diện Viện Tâm thần Hong Kong bức xúc.

Loạt cảnh quay gây tranh cãi trong phim TVB. Ảnh: On, HK01.

Ở phân đoạn khác, bộ phim y khoa của TVB bị chỉ trích coi thường tính mạng bệnh nhân, đặt tình tiết thương cảm không đúng chỗ. Cụ thể, nhân vật bác sĩ Zoe (Đường Thi Vịnh) đã cản trở Đường Minh (Mã Quốc Minh) phẫu thuật cho nạn nhân trong vụ ngã thang máy chỉ vì cô gái khóc lóc, cầu xin cho gặp mẹ. Sự trì hoãn của Zoe khiến Đường Minh không kịp cứu chữa cho bệnh nhân. Hậu quả Đường Minh bị kỷ luật.

Theo On, nhân vật Zoe của Đường Thi Vịnh nhiều lần khiến khán giả bức xúc. Dưới bàn tay biên kịch, cô bị xây dựng thành nữ bác sĩ ích kỷ, làm việc không phân nặng nhẹ, chỉ quan tâm đến cảm xúc bản thân và không có tình mẫu tử.

Trước phản ứng tiêu cực của dư luận, nhà sản xuất La Vĩnh Hiền xin lỗi về loạt tình tiết sai lệch thực tế, gây hiểu lầm về nghề y và bệnh nhân tâm thần.

Người hùng blouse trắng là series phim truyền hình thuộc đề tài y khoa do TVB sản xuất. Phần 1 từng nằm trong top tác phẩm ăn khách nhất năm 2019.

Phần 2 bấm máy vào năm 2020, và lên sóng vào tháng 6 năm nay. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện cải cách y học, cứu người và tranh đấu nội bộ của các thành viên trong bệnh viện Minh Thành Bắc. Người hùng blouse trắng 2 có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao hàng đầu TVB như Quách Tấn An, Trần Hào, Mã Quốc Minh, Hồ Định Hân và Đường Thi Vịnh.

Di Hy