Phương Anh Đào: Từ gái quê nghèo, mặc đồ si đến 'mỹ nhân bầm dập' đắt giá

Diễn viên nổi tiếng bán xôi phụ mẹ

- Thời còn là cô gái quê ở Cà Mau, đã bao giờ chị nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên thành công như hôm nay?

Tôi sinh ra ở Cà Mau, sau này mới chuyển đến ở Gành Hào, Bạc Liêu. Nhà tôi xa lắm, về đến Bạc Liêu phải đi thêm 70 - 80 km mới tới. Đó là ngôi nhà nhỏ ở một làng chài ven biển, vừa đến thị trấn đã nghe mùi tôm, cá, muối biển,... quện vào nhau.

Tốt nghiệp lớp 12, tôi từng nộp đơn vào ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM rồi rút lại vì ai cũng nói "không thiết thực, tốn kém". Khi ấy, ba mẹ định cho tôi học nghề như hớt tóc, làm móng,... để kiếm công việc. Nhiều người ở quê tôi thường nghĩ vậy. Nhưng ba mẹ không ép gì cả, tôi có thể lựa chọn con đường của mình.

Cho đến lúc lên Sài Gòn học, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên. Tôi theo học ngành quản trị kinh doanh được 1 năm thì bỏ ngang. Tôi tự cho mình cơ hội bằng cách thi vào ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM một lần nữa. Việc thi đậu mở ra cánh cửa mới.

Phương Anh Đào tái xuất màn ảnh với phim "Vô diện sát nhân".

Cô chủ nhiệm của tôi rất nghiêm. Nghe lời cô dặn, 3 năm ngồi ghế giảng đường, tôi không nhận lời đóng phim nào. Tôi từng ngây ngô nghĩ rằng mình có thể sống ở Sài Gòn chỉ với 3 triệu đồng/tháng. Ở quê, tôi học đến lớp 12 mới được mẹ cho 10 nghìn đồng/ngày. Nếu muốn có tiền uống nước với bạn bè, tôi phải bán xôi, bánh kiếm thêm. Tôi quen với điều đó từ nhỏ rồi.

Lên Sài Gòn, tôi "vỡ mộng" khi chi tiêu ở đây quá đắt đỏ. May mắn, tôi tìm được các công việc đóng quảng cáo, MV hoặc chụp mẫu ảnh. Tôi kiếm được 500 nghìn đồng đầu tiên, rồi dần lên 1 triệu, 1 triệu rưỡi,... Đến một ngày, số tiền ấy là 10 - 15 triệu đồng, tôi bắt đầu có sự tự tin, biết mình đã đi đúng hướng.

Từ xưa đến nay, tôi luôn không có tham vọng. Chỉ là tôi không muốn cuộc sống của mình lặp đi lặp lại: sáng buôn gánh bán bưng, tối về nhà lo cơm nước. Đó là nhịp sống bình yên nhưng tẻ nhạt. Tôi muốn sống thú vị, trải nghiệm nhiều hơn thay vì chăm chăm mưu sinh.

- Chị vẫn thường trở lại ngôi nhà ấy chứ?

Thời mới lập nghiệp, mỗi năm tôi về quê 1 lần, giờ là 3 - 5 lần. Ba mẹ càng lớn tuổi, tôi càng mong rảnh việc để về quê. Hồi xưa, tôi chán cơm nhà, ước có tiền ăn phở, giờ chỉ muốn ăn bữa cơm gia đình quây quần bên nhau.

Tôi từng khuyên ba mẹ lên TP.HCM sống với mình nhưng ông bà chỉ muốn sống dưới quê. Tôi nói ba mẹ buôn bán cho vui thì được, đừng bán cho mệt, đổ bệnh thêm.

Ba mẹ tôi bán xôi ở chợ từ khoảng năm 2001 đến nay. Tôi lớn lên từ gánh xôi của ba mẹ. Đến bây giờ về quê, tôi vẫn mê ăn xôi, 5h sáng dậy phụ ba mẹ bán xôi, thu tiền. Ai xấu hổ vì xuất phát điểm của mình là dở rồi!

Ba mẹ lao động chân chính, tôi càng phải tự hào chứ. Ba mẹ tôi không có những lời dạy con đầy tri thức, thay vào đó là dạy con thành người đàng hoàng, sống có ích cho xã hội.

Thỉnh thoảng, có khách hỏi ba mẹ tôi vì sao con gái nổi tiếng mà vẫn bán xôi? Ông bà không khó chịu gì cả, chỉ nói vui: "Thấy nó vậy thôi chứ cực lắm, vẫn đi làm đầu tắt mặt tối thôi". Có con gái làm diễn viên, ba mẹ tôi bán xôi đắt hơn. Ông bà hiện giờ bán xôi top đầu trong phân khúc của mình ở quê tôi đó nha! Nhờ nghiệp diễn, tôi trả hết nợ cho gia đình, xây nhà cho ba mẹ, lo cho họ đầy đủ, sung túc hơn...

Dùng túi 400 nghìn, đi xe khách về quê

- Mới đây, chị đăng ảnh em trai trên trang cá nhân, khán giả mới biết chị có em. Vì sao đến giờ chị mới khoe em?

Mất nhiều năm, tôi mới tìm lại sự kết nối với em trai. Vài lúc tôi thấy cuộc sống của mình khó khăn nhất là khi mình không trở thành người để em đủ tin tưởng chia sẻ với mình. Sinh nhật của em đúng ngày tôi ra mắt phim Vô diện sát nhân. Lâu lắm rồi hai chị em mới có khoảnh khắc riêng với nhau.

Mấy năm trước, tôi quyết định không can thiệp, để em có cuộc sống riêng. Có lẽ lúc đó, tôi chỉ luôn nói theo suy nghĩ của mình, chưa đặt mình vào vị trí để hiểu em. Tình huống giống hệt phim Bằng chứng vô hình tôi từng đóng.

- Một số gia đình thường xảy ra chuyện thương con không đồng đều, có đúng với trường hợp của chị?

Tôi từng có suy nghĩ ba mẹ không thương mình, chỉ thương con trai. Lớn lên, tôi mới hiểu rằng ba mẹ quá yên tâm về mình. Một phần, tôi không bao giờ than vãn, kể cho họ biết về những ngày tồi tệ của mình. Càng ít chia sẻ, tôi càng mất kết nối với gia đình. Mâu thuẫn vì thế mà chồng chất, những câu nói của hôm nay lại luôn cộng gộp những câu chuyện cũ vào. Vì cố tỏ ra mạnh mẽ, tôi ít được quan tâm hơn em trai.

Từ nhỏ, ba mẹ khó khăn, không nuôi nổi 2 con nên gửi tôi ở nhà ngoại. Ngoại mất, khi ấy tôi 8 - 9 tuổi mới được về nhà. Đó là khoảng trống quá lớn đối với một đứa trẻ.

Suốt mấy năm đó, tôi gặp ba mẹ được vài lần, gặp ba thì không gặp mẹ và ngược lại. Hình ảnh ba mẹ trong tôi rất mờ nhạt, những gì tôi hiểu là ba mẹ đang rất cố gắng vì gia đình mình. Khi về nhà, tôi sống với gia đình như những người xa lạ.

Tôi đã vô tình làm mẹ buồn. Mẹ hỏi ba vì sao tôi làm mọi thứ đều không hỏi ý kiến bà, gặp chuyện gì đều không kể với bà. Tôi đã không biết mẹ hi sinh nhiều thế nào để bảo vệ gia đình; một thân vừa kiếm tiền, vừa nuôi con, vừa chăm chồng bệnh thập tử nhất sinh, bị bệnh viện trả về.

Trưởng thành, tôi mới biết hiểu mình đã sống vô tâm thế nào. Lên Sài Gòn, tôi tự dặn mình phải sống thật tốt để bù đắp cho ba mẹ. Những câu "Con nhớ ba mẹ" đầu tiên rất ngượng miệng nhưng khi xóa đi khoảng cách, tôi thấy mối quan hệ với gia đình tốt hơn rất nhiều.

May mắn, tôi chưa từng oán trách ba mẹ. Có lẽ, chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở ba mẹ.

- Tuổi 30, sau khi lo cho ba mẹ đủ đầy, chị yêu thương bản thân thế nào?

Tôi thường bị quản lý nhắc nhở vì "vô tâm" với tiền bạc. Tôi đưa hết cát-sê cho quản lý giữ, nhờ anh ấy đóng tiền nhà, chuyển khoản tiền tiêu vặt,... Tôi luôn không nhớ mình còn bao nhiêu tiền để tiêu, hầu hết là anh ấy chủ động hỏi và chuyển tiền.

Nhiều người nghĩ diễn viên hẳn phải tiêu xài xa xỉ lắm. Cách đây không lâu, tôi ra chợ mua một chiếc túi 400 nghìn mang đi Nhật lưu diễn. Chiếc túi 400 nghìn có giá trị của nó chứ.

Tôi về quê có thể bay, tự lái xe hoặc đi xe khách. Nếu ai nhận ra Phương Anh Đào đi xe khách, tôi sẽ vui vẻ chào hỏi họ. Thời sinh viên, tôi từng ra chợ mua đồ sida (quần áo đã qua sử dụng - PV) mặc mà.

Tôi hạnh phúc vì biết đủ. Tôi không có tham vọng trở nên đình đám nên vừa làm nghề vừa vun vén cuộc sống, tâm hồn, giữ gìn sức khỏe và yêu thương người xung quanh. Mỗi lần đóng phim, tôi quên cả gia đình, phá sức khỏe, không còn thời gian học vẽ, đọc sách, đi du lịch, chăm cây,... Tôi vẫn ở thuê và chỉ cần 1 - 2 căn nhà thôi. Người sinh ra ở vạch đích sẽ khó cảm nhận cảm giác chinh phục so với người sinh ra ở dưới đáy, luôn phải cố gắng vươn lên như tôi.

Tôi hay buồn nhưng không bao giờ sợ buồn. Không ai mãi mãi vui vẻ, thành công, khỏe mạnh, suôn sẻ,... cả. Nghĩ được như vậy, tôi mới vượt qua nỗi buồn, bệnh tật và thấy mình quá may mắn, được cuộc đời ưu ái.

Phương Anh Đào trong 'Vô diện sát nhân'

Gia Bảo