Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với những thách thức

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát

Trong Tờ trình gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, ộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ những mặt tích cực của bức tranh kinh tế quý I. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 5,2 và 5,6%, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.

Một số địa phương tăng trưởng GRDP quý I/2024 cao như: Bắc Giang, tăng 14,2%, Thanh Hóa, tăng 13,2%, Trà Vinh, tăng 13,9%, Khánh Hòa, tăng 12,4%, Quảng Ninh, tăng 8,9%, TP. Hồ Chí Minh, tăng 6,54%, Hải Phòng, tăng 9,3%...

Quý I/2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Ảnh: GHTK

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 3,7%.

Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9% (02 tháng tăng 55,2%); vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển…

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (Ảnh minh họa)

Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức

Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài. Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước, cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời.

Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019, điều này thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các năm trước đều tăng trên 9%. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay, điều này thể hiện qua kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý I của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 55,1% và 49,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn về nhu cầu thị trường trong nước và tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Điển hình như quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, phòng cháy chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Thông tư số 02/2021/TT-BXD), quản lý thuế đối với giao dịch liên kết (Nghị định 132/2020/NĐ-CP)…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, đến cuối tháng 3/2024 là khoảng 170 máy bay, giảm hơn 40 máy bay so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh công bố 68 dự án tham gia Chương trình nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 08 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà.

Trong quý I/2024, có gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5%, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 20,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4%.

Nguyễn Hòa