Tại sao phim của Netflix chịu thuế 5% nhưng với dịch vụ này FPT chịu thuế 10%?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 24-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế VAT để phù hợp với những thay đổi trong tình hình mới.

Tuy nhiên, thảo luận về các đối tượng chịu thuế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng không nên xem việc áp thuế VAT là mục tiêu tăng thu ngân sách bởi tỉ lệ huy động từ thuế VAT của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực cả năng suất và hiệu suất thu.

"Con đường để tăng thu VAT không còn cách nào ngoài tăng thuế suất. Mức áp thuế VAT 10% của Việt Nam tuy không cao bằng một số nước EU nhưng cao ngang Nhật, Úc và cao hơn Singapore" - ông Cường nói.

Đặc biệt, ĐB Cường cho rằng thuế VAT đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, không phải với người sản xuất. Tuy nhiên, về bản chất sẽ làm tăng giá trị hàng hóa, ảnh hưởng ngược lại đến khu vực sản xuất, nhất là trong bối cảnh mức thu nhập ở nước ta đang rất thấp, 2 năm qua phải giảm VAT để kích thích sản xuất, không nên tính đến tăng thuế VAT.

Thay vào đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nên tăng đánh thuế sở hữu tài sản và thuế bảo vệ môi trường.

Dịch vụ xem phim trực tuyến: Sao chịu thuế 5% mà FPT chịu thuế 10%?

Còn đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn ây Ninh) băn khoăn về quy định đối tượng áp thuế giữa cá nhân, tổ chức nước ngoài (tỉ lệ 1% thuế với cung cấp hàng hóa và 5% thuế với dịch vụ).

Theo đại biểu Thúy, về bản chất, đây không phải quy định mới nhưng cần xem xét lại vì đang tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước với nước ngoài, nhất là trong môi trường thương mại điện tử phát triển như hiện nay.

"Ví dụ, hiện nay dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu thuế 5% nhưng cũng dịch vụ này chịu thuế 10%. Điều này bất hợp lý và mất nguồn thu ngân sách"- đại biểu Thúy nêu.

Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa nước ngoài còn được hoàn thuế đầu vào tại nước xuất khẩu. Theo bà Thúy, nhiều nước áp một mức thuế bình đẳng giữa các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan việc miễn áp thuế VAT với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, đại biểu Thúy đề nghị bỏ quy định này. Lý do, việc bùng nổ thương mại điện tử hiện nay cho thấy hàng hóa giá trị nhỏ bùng nổ trong thời gian qua từ 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày vận chuyển từ một nước láng giềng vào Việt Nam với giá trị đơn hàng chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng/đơn.

"Hàng ngày có khoảng 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ kiểu này và mỗi tháng có từ 1,4 - 1,9 tỉ USD hàng giá trị nhỏ qua các sàn giao dịch như , Lazada, Tiki… Nếu như dự thảo thì ngân sách thất thu rất lớn, bất bình đẳng vì hàng hóa trong nước sản xuất ra vẫn chịu thuế VAT trong khi hàng nhập khẩu lại không phải chịu" - đại biểu Thúy phân tích và cho rằng hiện nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ nhập khẩu để bảo vệ nguồn thu ngân sách và sản xuất trong nước.

Văn Duẩn - Huy Thanh