Thấy gì từ trào lưu đổ xô mặc đồ theo người dính 'phốt' ở Hàn Quốc

Chiếc áo của tên tội phạm Sin Chang-won từng trở thành item gây sốt. Ảnh: Herald DB.

Hồi tháng 4, Min Hee Jin - CEO công ty Ador thuộc tập đoàn Hybe - vướng vào tranh cãi khi bị Hybe đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát. Tuy nhiên, không chỉ có cuộc chiến pháp lý mới thu hút sự chú ý của dư luận.

Trang phục trong buổi họp báo của Min liên quan đến vụ việc đã bất ngờ trở thành tâm điểm. Cô mặc giản dị với chiếc áo phông xanh kẻ ngang, quần xám và đội mũ lưỡi trai che mặt. Cả chiếc áo phông California General Store và mũ lưỡi trai 47Brand, các thương hiệu đến từ Nhật Bản, sau đó đều nhanh chóng cháy hàng.

Đây không phải là lần đầu tiên những nhân vật gây tranh cãi tạo ảnh hưởng đến giới thời trang Hàn Quốc, theo Korea Herald.

Năm 1999, Sin Chang-won, kẻ vượt ngục khét tiếng phải chịu án chung thân vì tội giết người, cũng trở thành biểu tượng thời trang một cách khó tin. Tin tức về việc bắt giữ Sin được quan tâm trên cả nước. Khi đó, chiếc áo phông Missoni rực rỡ mà Sin mặc lúc bị bắt đã tạo thành trend, hàng nhái tràn ngập thị trường.

Tương tự, những nhân vật gây tranh cãi như Shin Jeong-ah, người giả mạo các chứng chỉ học thuật, gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2007, hay Choi Seo-won, bạn tâm giao của cựu Tổng thống Park Geun-hye, bị bỏ tù vì gây ảnh hưởng lên một số vấn đề quốc gia dẫn đến cuộc luận tội năm 2016, cũng thu hút sự chú ý với các lựa chọn trang phục. Chiếc áo khoác Dolce & Gabbana và áo phông McQueen mà Shin mặc hay đôi giày Prada của Choi đã trở thành chủ đề bàn tán của công chúng.

Tại sao xuất hiện các trend này?

"Những người nổi tiếng xuất hiện tại các sự kiện hoặc thậm chí trong các bức hình của cánh săn ảnh đều được tạo kiểu kỹ càng bởi các chuyên gia. Trong khi đó, những người xuất hiện trên truyền thông vì lý do tiêu cực thì dường như không chủ đích quảng cáo cho thương hiệu cụ thể nào", Han (yêu cầu giấu tên) giải thích.

Một báo cáo năm 2020 của Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc đã làm sáng tỏ tâm lý đằng sau hiện tượng này. Theo đó, người nổi tiếng với độ giàu có và quyền lực cao bị cho thực hiện những hành vi xấu xa hoặc tội ác, trớ trêu thay lại khiến một số người đặt niềm tin cao vào chất lượng sản phẩm mà họ chọn.

Áo phông và mũ lưỡi trai Min Hee Jin mặc trong buổi họp báo đã cháy hàng. Ảnh: Newsis.

Mặt khác, một số người lại thấy xu hướng này kỳ quái và không muốn "đu trend".

“Thật buồn cười khi những món đồ như vậy lại trở nên phổ biến. Cá nhân tôi sẽ không mua chúng”, Kim Soo-yeon (32 tuổi) nói.

Kim Do-yeon (39 tuổi) cũng đồng tình với quan điểm này: "Chồng tôi có một chiếc áo khoác giống ca sĩ nhạc trot Kim Ho-jong mặc khi anh ấy bị điều tra về tội lái xe khi say rượu. Chồng tôi thấy lạ khi mọi người lại muốn mua món đồ tương tự".

Ca sĩ Kim Ho-jong bị bắt vì liên quan đến một vụ đâm xe rồi bỏ chạy trong lúc say rượu. Sau tin tức này, mạng xã hội xôn xao với một bài đăng xác định các thương hiệu quần áo sang trọng Kim mặc khi đó: áo khoác Moncler, giày Louis Vuitton và kính Chrome Hearts.

Quan điểm của thương hiệu

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc, song những người trong ngành thời trang xứ kim chi cho biết thị trường quốc gia này rất nhạy cảm với những người có nhiều ảnh hưởng - dù là tích cực hay tiêu cực.

Một người trong ngành cho biết: “Người Hàn Quốc bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những người có mức độ công nhận xã hội cao”. Cô nói thêm rằng các thương hiệu nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc xây dựng thành công lâu dài ở Hàn Quốc do sự lên xuống nhanh chóng của các xu hướng được lăng xê bởi người nổi tiếng và những người đột nhiên trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

Trang phục của Min bị cho cố tình quảng cáo cho sản phẩm mới của nhóm nhạc NewJeans, khi một thành viên diện set đồ tương tự. Ảnh: Ador.

Mặc dù những sản phẩm này có doanh số bán hàng tăng vọt nhưng không phải lúc nào các thương hiệu cũng hoan nghênh sự việc tương tự.

Khi chiếc áo khoác Chung Yoo-ra, con gái của Choi Seo-won mặc, bị đồn là của Nobis, thương hiệu này đã nhanh chóng phủ nhận.

Năm 2020, Fila Korea cũng đưa ra tuyên bố ngay sau khi hình ảnh Cho Ju-bin, kẻ cầm đầu trong vụ án “phòng chat thứ N”, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

“Chúng tôi rất tiếc và thất vọng khi thấy Cho Ju-bin mặc sản phẩm của chúng tôi”, tuyên bố cho biết. Công ty yêu cầu các nhà báo "làm mờ logo Fila" trong ảnh.

Trên Musinsa, nền tảng thời trang trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc, doanh số bán chiếc mũ LA Dodgers của MLB, tương tự chiếc mũ mà Min đội, đã tăng 269% trong khoảng thời gian từ 25 đến 28/4, so với ngày 21 đến 24/4.

Dù ghi nhận doanh số bán hàng tăng vọt với các mặt hàng Min mặc, nền tảng này vẫn nói rõ rằng không muốn bị coi là có liên quan đến vụ việc. Một lãnh đạo của Musinsa từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Thay vào đó, một người trong ngành thời trang địa phương cho biết “doanh số tăng vọt do dư luận tiêu cực có thể khiến đội ngũ bán hàng hài lòng, nhưng ban quản lý khó lòng ủng hộ bởi có thể tiềm ẩn những tổn hại đến hình ảnh thương hiệu".

Hơn nữa, trong những năm gần đây, câu hỏi về tính xác thực cũng xuất hiện theo các xu hướng này, khiến các thương hiệu không muốn bị lộ theo cách này.

Ví dụ: trang phục của Min bị nghi ngờ là sự lựa chọn có chủ ý để quảng cáo cho , ngôi sao lớn nhất của Ador.

Một thành viên của nhóm nhạc nữ NewJeans do Min phụ trách đã diện một chiếc áo sơ mi sọc xanh lá cây và đội mũ lưỡi trai tương tự cô trong bức ảnh teaser được tung ra chỉ một ngày sau buổi họp báo của Min.

Mai An