Thế hệ thìa vàng và nỗi đau nhặt rác

Ngôi nhà chứa xấp xỉ 150 tấn rác của một cặp vợ chồng già người Hàn Quốc đã được dọn sạch. Lo lắng cho bệnh tình của người vợ tuổi 'cổ lai hi' đã khiến người chồng từ bỏ thói quen, sở thích và cay đắng thay, cả một phần trong khối tình cảm mà ông cho là tình yêu với cậu con trai hơn 40 tuổi chỉ ở trong nhà của mình.

Số vốn 'rác' mà hai vợ chồng ông cặm cụi tích nhặt cả chục năm thực ra chỉ dành cho tương lai của cậu quý tử dứt khoát từ chối bước vào cuộc đời như một người trưởng thành. Họ mong rằng, nếu họ chết đi, hàng trăm tấn rác sẽ giúp cậu con trai tiếp tục sống sót. Dù rằng, gần như chắc chắn, đó là một cách tồn tại không... xứng đáng.

Một cặp vợ chồng Hàn Quốc tích rác, làm của để dành cho con trai khi họ qua đời. Ảnh: SBS

Tình yêu kiểu bao bọc ấy, nếu bớt đi dù chỉ một mảy vụn mù lẫn, có thể sẽ đưa đến nhận thức khác đi rất nhiều. Những câu hỏi duy lý đơn giản đương nhiên phải nảy sinh. Chẳng hạn, một người con đã kiên trì sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự che chở của bố mẹ hơn 40 năm trời sẽ làm gì với đống rác ấy? Anh ta còn không muốn di chuyển khi người ta đến giúp cha mẹ dọn nhà, vậy thì, lấy đâu niềm hi vọng anh ta làm điều đơn giản 'đói thì đầu gối phải bò' sau khi cha mẹ qua đời?

Ở đâu đó, đã nghe thấy tiếng khóc của "đứa trẻ" hơn 50 tuổi, không biết mình sẽ sống tiếp thế nào khi mẹ già khuất núi? Hay một thanh niên 23 tuổi ở Trung Quốc đã chết đói, chết rét, không quá lâu sau khi cha mẹ lần lượt qua đời... Mà có thể, cặp vợ chồng già 75 tuổi tại xứ sở kim chi nói trên đã thấu suốt ít ra là cái lẽ đời trái ngang và kỳ quặc này. Chỉ có điều, tích lũy rác là lựa chọn khả dĩ nhất cho đứa con trai của họ cũng kỳ quặc không kém.

Thế hệ hikikomori, những người chỉ muốn ở nhà, tránh xa mọi tương tác với bất cứ ai ngoài gia đình họ đang là vấn đề rất đau đầu không chỉ với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Sự bao bọc, chở che của cha mẹ đã thành nhu cầu thiết yếu của nhóm thanh niên này, dù rất nhiều trong số họ cũng đã quá tuổi làm cha, làm mẹ.

Nó như một lời cảnh tỉnh cho những quốc gia đang phát triển, khi thế hệ trước vừa dứt cảnh đói cơm, thiếu mặc để rồi nuông chiều, bù đắp cho những đứa con, rất nhiều trường hợp như sự trả đũa cho những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn.

Nó cũng là câu trả lời cho những ảo tưởng, nhầm lẫn về sự hoàn mỹ của một thế giới phẳng, một kỷ nguyên số. Khi mọi giao tiếp có thể được thực hiện trên thế giới ảo, bằng một thân phận ảo, sẽ mất dần nhu cầu giao tiếp thực, sống thực.

Đối với những cá nhân vốn đã trắc trở khi phải đối diện với các rắc rối không thể tránh của đời sống, họ sẵn sàng chui vào một dạng hốc sinh học kiểu mới, nơi họ có thể là bất cứ ai họ muốn, đồng nghĩa, họ chẳng là ai.

Thế nhưng, dù nhận thức như vậy, vẫn còn nguyên vấn đề, làm sao để những đứa trẻ không mãi mãi chỉ là trẻ con? Lại nhắc tới thế hệ hikikomori tại Nhật Bản. Một loại hình dịch vụ đang tồn tại ở đất nước mặt trời mọc là 'kéo những hikikomori ra khỏi nhà", bằng mọi biện pháp, kể cả bạo lực.

Tất nhiên, đã có nhiều trường hợp thành công theo nghĩa những đứa trẻ ở ẩn đã buộc phải tham gia vào một khóa học vừa mang tính kỹ năng, vừa mang có tính chất điều trị tâm lý. Chúng đã bước chân ra khỏi nhà nhưng nỗi sợ hãi gần như vẫn còn nguyên.

Mặt trái của dịch vụ dạng này, tiếc thay, cũng đã được ghi nhận. Một hikikomori tại Nhật đã sát hại cả gia đình vì dám... kéo hắn ra khỏi nhà. Trong sự cô độc này, có lẽ, có cả nỗi hận thù?

Không khó để nhận ra những trở ngại khiến nhiều đứa trẻ từ chối bước vào cuộc đời thực. Đó là sự tự ý thức về khoảng cách rất xa giữa năng lực của bản thân và kỳ vọng của bậc sinh thành. Sự chăm chiều, lẽ ra phải xuất phát từ tình yêu vô điều kiện trở thành một gánh nặng bởi những lời khuyên bảo, răn dạy, những viễn cảnh tương lai không hề phù hợp với sở trường của đứa trẻ. Đã có những suy nghĩ tiêu cực kiểu như đứa trẻ được sinh ra để hoàn thành ước mơ của cha mẹ, và vì vậy, phản ứng của chúng, dù tiêu cực nhưng vẫn có thể hiểu được.

Vẫn có những tình huống mà mức độ phổ biến còn cao hơn thế. Khi đứa trẻ được đối xử như những ông hoàng, bà chúa ở căn nhà của mình, sẽ rất khó để chúng hòa nhập được với những vị vua và hoàng hậu ở những gia đình khác. Đã thế, dù tình thương chúng được nhận từ cha mẹ mình là như nhau, hoàn cảnh kinh tế của mỗi đứa trẻ khác nhau. Thế hệ 'thìa đất' là một cụm từ thông dụng ở Hàn Quốc, nơi rất nhiều thanh niên tự cho rằng họ không thể tiếp cận được với công việc và cuộc sống dễ chịu hơn vì mọi đặc quyền, đặc lợi đã thuộc về thế hệ 'thìa vàng'. Sẽ bước vào cuộc đời ra sao với những nhận thức như vậy?

Những hẫng hụt về tâm lý đã và luôn tồn tại, thậm chí, ở một mức độ thường trực với cường độ mạnh mẽ hơn trong con đường trưởng thành của từng đứa trẻ. Người sánh bước, nâng đỡ, chia sẽ với chúng chỉ có thể là những người làm cha làm mẹ. Câu trả lời vẫn là tình yêu, nhưng chúng ta liệu đã biết cách yêu thương chính những đứa con của mình?

Đó lại là một câu hỏi khó trả lời. Bởi sự trưởng thành của một con người không thể đo bằng mức lương, sự yên bề gia thất, con đàn cháu đống... Khi đứa con có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, huyên hoang, tự đắc vì những ưu tiên, ưu đãi do bố mẹ mang lại trong khi biết rõ đồng loại còn đang phải đương đầu với biết bao khó khăn, cay cực, người làm cha làm mẹ chắc chắn vẫn gánh phần nào lầm lỗi?

Đương nhiên, những đứa trẻ không hoàn toàn vô tội. Nếu ý thức về sự tồn tại của mình như giống loài homo sapiens ưu đẳng, mỗi cá nhân cũng phải tự biết rằng, đến tuổi trưởng thành, mỗi người đều phải lao động để kiếm sống. Sống tầm gửi, sống bám vào bố mẹ, dù với bất cứ lý do nào, đều không tạo nên sự tự tin để tự lập, vững vàng đương đầu với những sóng gió khác.

Phần cho đạo đức, cho những đòi hỏi cao hơn về tinh thần, từ đó, dẫn tới cách sống, cách ứng xử xứng đáng với một con người, nếu may mắn, sẽ là yêu cầu sống tiếp theo. Không hẳn là may rủi nhưng thôi thì trăm sự nhờ trời...

Khánh Nguyên