Thói quen kì quặc của chồng và lý do kết thúc cuộc hôn nhân 14 năm

Chúng ta vẫn thường nói với nhau "trên đời này làm gì có ai là hoàn hảo", mong cầu tìm được một người bạn đời chẳng có tính xấu nào là điều gần như bất khả thi. Khi hai cá thể khác biệt lựa chọn chung sống và đồng hành cùng nhau, cho nhau thời gian để hòa hợp, cải thiện bản thân là yếu tố quan trọng, không thể thiếu để xây dựng mối quan hệ bền vững.

Nhưng đã bao giờ bạn tự đặt ra giới hạn cho khoảng thời gian đó hay chưa?

Một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của mình dưới dạng bài đăng ẩn danh trên Quora.com và khi đọc xong, có lẽ bạn sẽ tìm được câu trả lời thích đáng cho băn khoăn phía trên.

Câu chuyện về thói quen kì quặc của người chồng

Người phụ nữ này đã quen chồng từ năm 18 tuổi và họ kết hôn năm cô bước sang tuổi 24. Sáu năm hẹn hò, 8 năm chung sống, họ đã bên nhau 14 năm - quãng thời gian gần bằng 1/3 đời người. Nhưng cuối cùng, kết cục vẫn là đường ai nấy đi.

Nguyên văn những dòng tâm sự của người phụ nữ như sau: "Chồng tôi đối xử với tôi rất tốt. Anh ấy là người tốt bụng và chu đáo. Từ khi còn là sinh viên, chúng tôi thường hẹn hò ở những quán ven đường, hoặc công viên. Tôi chẳng ngại việc ăn uống ở những nơi bình dân vì chỉ cần được gặp nhau là vui rồi. Nhưng khi đã đi làm và tài chính có phần thoải mái hơn, tôi muốn được tới những nơi sang trọng cùng anh ấy. Chúng tôi chưa từng cùng nhau đi xem phim ngoài rạp và sau khi kết hôn, chúng tôi thậm chí còn chẳng ra ngoài hẹn hò.

Tranh minh họa

Có một lần, tôi nói với anh rằng tôi muốn dùng bữa tối tại nhà hàng gần nhà. Anh đã đồng ý nhưng khi tới đó, chúng tôi đã quay về và chẳng có bữa tối nào. Anh khăng khăng không gọi món vì giá quá đắt, ngay cả khi tôi nói rằng tôi có đủ tiền để trả hóa đơn. Cuối cùng, chúng tôi lại quay về một quán ăn nhanh quen thuộc trước đây. Nhưng lần này, thay vì cảm thấy hạnh phúc, tôi chỉ không hiểu mình đang làm cái quái gì với đời mình cùng người đàn ông này vậy?

Khi tôi nói muốn xem một bộ phim đang chiếu ngoài rạp, anh khuyên tôi nên đợi thêm vài ngày vì kiểu gì phim cũng có trên mạng. Sau đó, đúng là anh ấy đã tải phim cho tôi xem. Khi tôi nói mình muốn thử ăn những món mới, anh đã tự tay làm sushi và canh kim chi cho tôi. Anh từ chối đến nhà hàng với lý do những chỗ đó thật ồn ào, đông đúc và chẳng yên tĩnh như ở nhà. Khi tôi nói muốn mua quần áo mới, anh ấy khuyên tôi nên mua đồ second hand vì đồ cũ với người khác nhưng mới với mình là được.

Anh luôn nói rằng hãy tiết kiệm một chút để tương lai của hai đứa khấm khá hơn. Tôi đã từng rất cảm động và trân trọng điều đó. Nhưng khi tôi nhận ra rằng mình đã 35 tuổi và chưa từng được cùng chồng ăn ngoài hàng,... cũng chưa từng có một chuyến du lịch chung, chưa từng tới rạp chiếu phim.

Dường như chồng tôi không bao giờ suy nghĩ về việc phải làm sao để cuộc sống thêm phần thú vị và luôn lấy lý do tiết kiệm cho tương lai để ngụy biện cho sự bủn xỉn của mình. Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải chấm dứt cuộc hôn nhân này".

Sự bao dung, chịu đựng nào cũng có giới hạn

Dưới tâm sự của cô vợ, phần lớn mọi người đều thắc mắc động lực nào để một người phụ nữ chấp nhận và chịu đựng một cuộc sống tù túng, bí bách như thế trong suốt gần một thập kỷ. Một vài người khác an ủi rằng chẳng có gì phải tiếc khi chấm dứt cuộc hôn nhân với người chồng như vậy, và chúc mừng cô đã có đủ cứng rắn để bắt đầu sống cho mình.

Đương nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng kém may mắn đến mức lấy phải một tấm chồng "thích tiết kiệm" như cô vợ trong bài đăng này. Nhưng có một điểm chung trong tư duy của cô vợ này và không ít phụ nữ ngoài kia: Chờ đợi thái quá, bao dung cho đối phương thái quá, đến mức thiệt cả phần mình.

Tranh minh họa

Cho nhau thời gian để cải thiện tư duy và những thói xấu là cần thiết, nhưng đừng quên đặt ra giới hạn cho khoảng thời gian ấy. Và cũng đừng quên rằng "giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời".

Một người đàn ông không chung thủy có lẽ vẫn sẽ tìm cách trăng hoa ngay cả khi bạn đã năm lần bảy lượt tha thứ.

Một người đàn ông vũ phu có lẽ vẫn sẽ thích dùng tứ chi để tương tác với vợ, nhất là khi anh ta say.

Thay đổi hành vi đã không dễ, thay đổi bản tính còn khó hơn gấp trăm lần. Thế nên, bao dung là đúng nhưng đừng quên đặt giới hạn cho sự bao dung của chính mình. Vì suy cho cùng, khi lòng bao dung khiến phụ nữ sống ít hạnh phúc đi, đó cũng đồng nghĩa với dại dột và sai lầm mất rồi.

AMT