Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn.

Một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm, tích cực, chủ động và hiệu quả

Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tháng 9 hằng năm tại New York, Hoa Kỳ là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu của đời sống chính trị quốc tế với sự tham dự đông đảo của Lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên.

Năm nay, Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận những kỷ lục về số lượng Hội nghị là 9 với sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ. Đây cũng là tâm điểm của ngoại giao đa phương ở cấp độ và tần suất hoạt động cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có nhiều hoạt động đa phương và song phương tại Hoa Kỳ và Brazil trong những ngày tới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trả lời phỏng vấn báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng và một số hội nghị đa phương cấp cao quan trọng cùng nhiều hoạt động, trao đổi, tiếp xúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Qua tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu.

Sự tham gia của đoàn cấp cao Việt Nam tại các sự kiện lớn của Liên hợp quốc trong năm nay thể hiện ở cấp cao nhất cam kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng tích cực đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia, đóng góp cụ thể và thực chất vào công việc chung, các ưu tiên lớn của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế; chia sẻ những bài học, ý tưởng và giải pháp của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương để ứng phó hiệu quả trước các thách thức toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, ngày 7/9. (Nguồn: TTXVN)

Về việc Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo Thế giới và Việt Nam bày tỏ tin tưởng những cam kết mà Việt Nam trình bày tại Hội nghị là minh chứng cho sự phát triển về con người, cũng như cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự 2030 với 17 SDG - giữ vững lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau.

Quyền Điều phối viên Rana Flowers cho rằng, thực tế là Việt Nam hiện đang nhanh chóng trở thành một cường quốc về sản xuất pin năng lượng mặt trời, giảm sự lệ thuộc vào than đá, những nổ lực về bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn nước sạch, chuyển đổi trong hệ thống giáo dục, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, cải thiện dinh dưỡng trẻ em…

Đây là những ví dụ điển hình về các chỉ số phát triển đáng được quan tâm ngày nay, không chỉ vì đánh giá toàn cầu trong 7 năm tới - mà vì các quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực này sẽ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ hành tinh và sự thịnh vượng cho người dân của mình.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, ngay hai năm sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Trong 45 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một quốc gia chỉ tiếp nhận sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, thành một quốc gia có năng lực ngày càng tăng, và đóng góp mạnh mẽ vào các Chương trình nghị sự trong khu vực và trên toàn cầu.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện đã mang lại những hiệu quả tích cực, hợp tác hai nước phát triển sâu rộng, thực chất và toàn diện, trong tất cả các lĩnh vực và cấp độ, đóng góp cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển chung.

Đặc biệt, hai nước vừa ghi một dấu mốc lịch sử quan trọng khi chính thức nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tầm vóc mới của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ mở ra giai đoạn phát triển mới, với khuôn khổ và không gian hợp tác bền vững, ổn định và lâu dài, phù hợp mong muốn và lợi ích của hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ coi trọng quan hệ song phương và thúc đẩy cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết hai nước vừa đạt được, theo tinh thần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Đưa Việt Nam-Brazil xích lại gần nhau hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, tháng 5/2023. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ Việt Nam-Brazil phát triển tốt đẹp thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007). Hai nước thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn các cấp.

Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ, sau Hoa Kỳ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều ghi nhận mức kỷ lục 6,78 tỷ USD; trao đổi thương mại 6 tháng đầu năm 2023 đạt xấp xỉ 3,3 tỷ USD.

Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Đồng thời, hai bên đã ký nhiều hiệp địnhvà thỏa thuận hợp tác.

Về hợp tác đa phương, hai nước chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc và nhiều vấn đề quốc tế khác, đồng thời ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Mới đây, Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5 vừa qua.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi chờ đợi chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tuần cuối cùng của tháng này. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực".

Nhận định Việt Nam và Brazil có nhiều triển vọng hợp tác về thương mại, du lịch, nông nghiệp, năng lượng và giáo dục, Đại sứ Marco Farani kỳ vọng, hai nước sẽ có thêm sự liên kết, đối thoại chính trị. Với vị trí địa lý đều nằm ở phía Nam Bán cầu, Việt Nam và Brazil cùng có chung những khát vọng, đều là những nước đi đầu và có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Vì vậy, điều quan trọng là lãnh đạo của hai nước gặp nhau và bắt đầu đối thoại về những vấn đề này.

Brazil vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ- Mercosur. Với vai trò này, Brazil sẽ nỗ lực tăng cường đối thoại nội khối, nhằm mở rộng thương mại tự do giữa các thị trường khu vực. Hiệp định thương mại tự do giữa Mercosur và Việt Nam là mục tiêu của cả hai bên. Tổng thống Lula đã tuyên bố, ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo khác trong khối Mercosur để đẩy nhanh thỏa thuận với Việt Nam.

Nguyễn Hồng