Tiềm năng phim ảnh khai thác từ truyện tranh

Hàng loạt các phim bom tấn từ DC, Marvel đều dựa trên các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm truyện tranh Mỹ. Từ truyện đến màn ảnh các nhân vật này vẫn giữ nguyên sức hút và đạt thành công ngoài mong đợi. Tại các quốc gia khác như Nhật, Hàn, Trung Quốc… thị trường phim ảnh khai thác từ truyện tranh đều cho thấy tiềm năng vô cùng lớn và đa dạng.

Những cái tên quen thuộc của nhà DC và Marvel chiếm lĩnh các phòng vé trong suốt nhiều năm qua như “The Avengers”, “Iron Man”, “Ant-Man”, “Captain America: Civil War”, “Spider Man Far From Home” (ảnh)… đều xuất phát từ truyện tranh. Các nhân vật từ truyện tranh của DC, Marvel vẫn là nguồn đề tài vô tận để các nhà sản xuất Mỹ tiếp tục làm phim. Ở các quốc gia khác, truyện tranh cũng là nguồn dữ liệu phong phú để khai thác thành phim. Ðiển hình là “Doraemon”, “Detective Conan”, “Dragon Ball”, “Demon Slayer” (Nhật), hay “Soul Land”, “Ling Jian Zun” (Trung Quốc). Gần đây, Hàn Quốc cũng nổi bật với phim khai thác từ truyện tranh. Ngành công nghiệp truyện tranh ở Hàn Quốc ra đời muộn hơn ở các nước khác và phần lớn thường tồn tại dưới dạng webtoon (truyện tranh mạng). Tuy nhiên, tốc độ phát triển phim ảnh từ webtoon lại rất ấn tượng. Năm 2020, Hàn Quốc có 11 phim được chuyển thể từ truyện tranh và năm 2021 tăng lên 29 phim. Trong đó có một số phim nổi bật tại thị trường quốc tế như: “Itaewon”, “Hellbound”, “What’s Wrong With Secretary Kim”, “A Business Proposal”... Có thể thấy, ở những nền công nghiệp truyện tranh lớn trên thế giới, truyện tranh tiếp cận mọi đối tượng bạn đọc, ở mọi đề tài và được yêu thích hơn với những bản phim.

Thống kê từ Comichron (trang web chuyên nghiên cứu truyện tranh) và ICv2 (trang web theo dõi nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có truyện tranh) cho biết năm 2021 doanh thu từ truyện tranh (tiểu thuyết đồ họa, các ấn bản lẻ và truyện tranh kỹ thuật số) ở khu vực Bắc Mỹ là trên 2 tỉ USD, tăng 62% so với năm 2020. Trong khi đó, các phim dựa trên truyện tranh cũng có doanh thu cao ngất ngưởng, mà điển hình là “Spider Man Far From Home” mang về doanh thu hơn 600 triệu USD chỉ sau 10 ngày ra mắt (hiện tổng doanh thu đạt hơn 1,1 tỉ USD). Hiệp hội xuất bản quốc gia và Viện Khoa học xuất bản Nhật Bản thông tin doanh thu của thị trường truyện tranh nội địa của Nhật Bản, cả bản in và bản điện tử, đạt gần 676 tỉ yên (khoảng 5,9 tỉ USD) trong năm 2021, tăng 10,3% so với năm 2020. Còn theo KOCCA (cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc), thị trường webtoon đạt 1.105 tỉ won (khoảng 843,6 triệu USD) trong năm 2020, tăng 64,5% so với năm 2019. Ðến năm 2021 con số này đã vượt mốc 1.200 tỉ won (khoảng 1 tỉ USD).

Trong cộng đồng yêu thích và liên quan đến truyện tranh có những tác động, cộng hưởng rất rõ. Có những độc giả vì đọc truyện tranh mà xem phim. Ngược lại, sẽ có khán giả vì phim mà tìm đến truyện tranh. Sự cộng hưởng này khiến cho doanh thu ở cả hai ngành công nghiệp phim ảnh và xuất bản tăng trưởng, mở rộng thị trường khán giả. Ðó là chưa kể những dịch vụ, sản phẩm ăn theo: các chương trình truyền hình đặc biệt, triển lãm nghệ thuật, trò chơi điện tử, đồ chơi, quần áo, artbook... Theo đó, sự nhận dạng thương hiệu truyện tranh trên thế giới cũng được xác lập những tên tuổi: Comic (châu Âu), Manga (Nhật Bản), Manhua (Trung Quốc), Manhwa (Hàn Quốc). Hiện truyện tranh vẫn được xem là một trong những nguồn đề tài vô tận để khai thác thành phim và mang về nguồn lợi nhuận lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh.