Tranh cãi đằng sau bức ảnh chụp Mặt Trăng từ điện thoại

Ảnh gốc bị mờ nhòe nhưng ảnh chụp ra lại có độ chi tiết rất tốt. Ảnh: ibreakphotos.

Một nhiếp ảnh gia nghiệp dư có tên “ibreakphotos” đã quyết định thực hiện một thí nghiệm trên điện thoại Samsung vào tháng trước để tìm hiểu cách thức hoạt động của tính năng “thu phóng không gian” (Space Zoom).

Tính năng này, được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2020, tuyên bố có khả năng thu phóng 100 lần.

Ibreakphotos đã dùng một tấm ảnh chụp Mặt Trăng có độ phân giải cao, sau đó thu nhỏ kích thước xuống chỉ còn 170 x 170 pixel và làm mờ tấm ảnh bằng hiệu ứng trên Photoshop.

Tiếp theo, ibreakphotos phóng đại tấm ảnh này hết cỡ trên màn hình máy tính, tắt toàn bộ đèn trong phòng và dùng điện thoại với tính năng Space Zoom để chụp lại.

Điều bất ngờ là kết quả cho ra một bức ảnh rất rõ nét và có thêm miệng núi lửa cùng các chi tiết khác, dù tấm ảnh gốc hiển thị trên màn hình máy tính rất mờ, nhòe.

Theo AFP, phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) của điện thoại đã sử dụng dữ liệu từ quá trình “rèn luyện” với nhiều bức ảnh khác về Mặt Trăng để thêm chi tiết vào những chỗ không có.

“Những bức ảnh Mặt Trăng của Samsung là giả”, ibreakphotos viết. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu những bức ảnh mọi người chụp có thực sự là của họ nữa không, hay liệu chúng còn có thể được mô tả như những “bức ảnh” hay không.

Samsung đã lên tiếng bảo vệ công nghệ này, phủ nhận rằng họ đang áp dụng hình ảnh hiện có lên những bức ảnh mới.

“Khi người dùng chụp ảnh Mặt Trăng, công nghệ tối ưu hóa cảnh dựa trên AI sẽ nhận diện Mặt Trăng là đối tượng chính và chụp nhiều bức ảnh cho việc xử lý multi-frame, sau đó AI tăng cường chi tiết chất lượng và màu sắc hình ảnh”, công ty nói với PetaPixel.

“(Samsung) không áp dụng bất kỳ lớp phủ hình ảnh nào trên bức ảnh. Người dùng có thể hủy kích hoạt Trình tối ưu hóa cảnh (Scene Optimizer) dựa trên AI, điều này sẽ vô hiệu hóa các cải tiến chi tiết tự động đối với ảnh do người dùng chụp”, theo tuyên bố.

Trên thực tế, công ty không đơn độc trong cuộc đua trang bị AI cho camera điện thoại thông minh của mình. Các thiết bị của Google và iPhone của Apple đã tiếp thị tính năng như vậy từ năm 2016.

AI có thể làm tất cả công việc các nhiếp ảnh gia từng phải làm - bao gồm điều chỉnh ánh sáng, làm mờ hậu cảnh, làm sắc nét đôi mắt - mà người dùng không hề hay biết.

Nhưng nó cũng có thể chuyển đổi hình nền hoặc đơn giản là xóa người khỏi hình ảnh.

Trong bối cảnh đó, cuộc tranh luận về AI không chỉ nổ ra ở những người có sở thích chụp ảnh trên diễn đàn, các chuyên gia cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Hình ảnh Giáo hoàng Francis mặc áo phao trắng do AI tạo ra. Ảnh: CBS News.

Ranh giới

Ông Michael Pritchard thuộc Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh cho biết sự xuất hiện của AI hiện tràn ngập ngành công nghiệp này, từ máy ảnh đến phần mềm như Photoshop.

“Sự tự động hóa này đang ngày càng làm mờ ranh giới giữa một bức ảnh và một tác phẩm nghệ thuật”, ông nói.

Ông nhận định bản chất của AI khác với những đổi mới trước đây bởi công nghệ này có thể học hỏi và thêm vào những yếu tố mới ngoài yếu tố được ghi lại bằng phim hoặc cảm biến.

Ông Pritchard cho biết điều này mang đến những cơ hội và cả “thách thức cơ bản xung quanh việc xác định lại nhiếp ảnh là gì và mức độ 'thật' của một bức ảnh”.

Ông Nick Dunmur của Hiệp hội nhiếp ảnh gia có trụ sở tại Anh cho hay các chuyên gia thường sử dụng tệp “RAW” trên máy ảnh kỹ thuật số, để chụp ảnh với ít xử lý, can thiệp nhất có thể.

Nhưng bỏ qua công nghệ là điều không dễ dàng đối với những người thường chụp trên điện thoại thông minh.

Ibreakphotos, người đã đăng phát hiện của mình trên Reddit, chỉ ra những thuật ngữ kỹ thuật xung quanh AI không phải lúc nào cũng dễ hiểu.

“Tôi sẽ không nói rằng tôi hài lòng với việc sử dụng AI trên camera, nhưng tôi thấy ổn với điều đó miễn là nó truyền đạt rõ ràng về công dụng thực sự của từng quy trình xử lý”, anh chia sẻ.

Không phải “do con người tạo ra”

Tuy nhiên, điều mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp quan tâm nhất là sự phổ biến của công cụ AI giúp tạo ra những hình ảnh hoàn toàn mới.

Một bức ảnh tạo bởi AI đăng tải trên Instagram của anh Jos Avery. Ảnh: Instagram/@averyseasonart.

Trong năm qua, DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion đã bùng nổ về mức độ phổ biến nhờ khả năng tạo hình ảnh theo hàng trăm phong cách chỉ bằng văn bản ngắn.

“Đây không phải là tác phẩm do con người tạo ra”, ông Dunmur nói, “Trong nhiều trường hợp, nó được tạo ra dựa trên việc sử dụng tập dữ liệu rèn luyện theo tác phẩm không có giấy phép”.

Những vấn đề này đã dẫn đến các vụ kiện ở Mỹ và Châu Âu.

Theo ông Pritchard, các công cụ này có nguy cơ làm gián đoạn công việc của bất kỳ ai “từ nhiếp ảnh gia, người mẫu, người chỉnh sửa cho đến giám đốc nghệ thuật”.

Nhưng Jos Avery - một nhiếp ảnh gia nghiệp dư Mỹ gần đây đã đánh lừa hàng nghìn người trên Instagram bằng những bức chân dung tuyệt đẹp tạo ra với Midjourney - không đồng ý.

Anh cho biết ranh giới giữa “công việc của chúng tôi” và “công việc của công cụ” có thể thay đổi. Đồng thời, Avery chỉ ra anh thường mất nhiều giờ để tạo ra các bức ảnh trên Midjourney.

Nhiếp ảnh gia 48 tuổi cũng chia sẻ AI đã cho phép anh tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mà không cần phải đối mặt với hội chứng ám ảnh sợ xã hội.

“AI không phải cái chết của nhiếp ảnh”, Avery nói.

Với quan điểm này, ông Pritchard đồng ý. Ông lưu ý rằng nhiếp ảnh đã tồn tại từ thời xuất hiện phương pháp chụp hình dương bản Dage (Daguerreotype) đến kỷ nguyên kỹ thuật số, và các nhiếp ảnh gia luôn vượt qua thách thức kỹ thuật.

Ông nhấn mạnh quá trình đó sẽ tiếp tục ngay cả trong một thế giới tràn ngập hình ảnh do AI tạo ra.

Minh An