Trung Quốc và châu Âu nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại

Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Ảnh: AFP

Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis nhận định mối quan hệ đang giữa EU và Trung Quốc đang ở “ngã ba đường”. Do đó, các nhà xuất khẩu trong khối cần cách tiếp cận tốt hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

“Mối quan hệ của chúng ta cần tái cân bằng để đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự minh bạch, công bằng, dự đoán được và có đi có lại. Tôi rất vui vì chúng ta đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết một số vấn đề về tiếp cận thị trường”, ông Dombrovskis cho biết trong một tuyên bố.

Ủy viên Valdis Dombrovskis vừa có chuyến thăm Bắc Kinh và hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ngày 25/9.

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo rằng hai bên cũng đồng ý cải thiện tính minh bạch trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô, đồng thời đang xem xét một cơ chế mới để thực hiện điều đó.

Theo EC, hai bên sẽ làm việc cụ thể về dòng sản phẩm nông nghiệp và đồ uống có cồn, trong khi Trung Quốc cam kết xử lý các hồ sơ tồn đọng về giấy phép sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.

Sau cuộc họp, ông Hà Lập Phong khẳng định Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ EU, cũng như bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.

Mối quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc gần đây đã xấu đi, đặc biệt là sau khi EU mở cuộc điều tra về sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc đối với các nhà sản xuất xe điện (EV). Bộ thương mại Trung Quốc hồi đầu tháng này gọi cuộc điều tra trên là “bảo hộ trắng trợn”.

Vài giờ trước cuộc gặp, ông Dombrovskis cho biết các hoạt động thương mại của Trung Quốc đã buộc EU phải cứng rắn hơn trong các giao dịch với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại của khối EU với Trung Quốc là 421 tỷ USD - “mức cao nhất trong lịch sử nhân loại” theo lời ông Jorge Toledo, Đại sứ EU tại Trung Quốc.

Theo thống kê của EU, một nửa khoản thâm hụt trên là về phương tiện và máy móc, trong khi phần còn lại là các hàng hóa sản xuất khác, hóa chất và năng lượng. Xe điện đã thu hút sự chú ý khi lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu lo lắng.

Tình trạng căng thẳng trên tiếp tục gây thêm sức ép cho chuỗi cung ứng công nghệ. Trung Quốc gần đây đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với hai loại vật liệu bán dẫn nhằm trả đũa châu Âu và Mỹ, sau khi họ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu đã nêu lên mối lo ngại về môi trường hoạt động của Trung Quốc, lo ngại nó ngày càng trở nên chính trị và khó đoán hơn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo CNN)