Vận động mỗi ngày, phù hợp với thể lực mỗi người

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2 vừa được tổ chức thành công tại TPHCM, thu hút hàng chục ngàn người khắp các tỉnh thành lân cận hưởng ứng. Chương trình đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích mọi người dân vận động hợp lý và thực hành dinh dưỡng khoa học mỗi ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chụp ảnh cùng các đội chơi trong chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2 sau khi kết thúc màn nhảy flashmod cổ vũ cộng đồng tập thể dục.

Hơn 1 tỷ người trên thế giới béo phì

Theo các chuyên gia, tình trạng béo phì đang tăng nhanh trên quy mô toàn cầu. Nếu không có những giải pháp ngăn ngừa hiệu quả, dự báo đến năm 2035, thế giới sẽ có khoảng 1,9 tỷ người phải sống chung với bệnh béo phì.

Tại Việt Nam, thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh.

Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đặc biệt, ở các đô thị lớn, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em học đường rất cao, tại TPHCM chiếm trên 50% và tại Hà Nội trên 41% (theo số liệu thống kê năm 2020).

Béo phì có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường… cao gấp 5-7 lần so với người có chỉ số cơ thể chuẩn.

Khuyến khích tăng cường vận động và thực hành dinh dưỡng khoa học giúp giảm gánh nặng y tế, trong đó có gánh nặng về thừa cân béo phì.

Theo GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Y học Dự phòng và Y tế Công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội, hậu quả của thừa cân béo phì vô cùng nặng nề. Ngoài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, tăng cholesterol dẫn tới nhồi máu cơ tim, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư,…), căn bệnh này còn gây ảnh hưởng tới tâm lý, giảm hoạt động xã hội và tăng gánh nặng về kinh tế và chi phí y tế.

"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính gánh nặng chi phí toàn cầu cho thừa cân béo phì là 3 nghìn tỷ USD năm 2030 và tăng lên 18 nghìn tỷ USD vào năm 2060 nếu thừa cân béo phì không được kiểm soát", GS.TS Lê Thị Hương cho biết thêm.

Các đội chơi tại chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng lần 2 đã góp phần cổ vũ, lan tỏa tinh thần vận động hợp lý, thực hành dinh dưỡng khoa học.

Hãy vận động bất kỳ bộ môn nào ưa thích, miễn là đều đặn mỗi ngày

Phát biểu khởi động Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trước những biến đổi phức tạp về môi trường, kinh tế và chính trị trên quy mô toàn cầu, ổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi", hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi trên toàn thế giới được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng…

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, mỗi người cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tự chăm sóc, nâng cao thể lực, trí lực cho bản thân và gia đình để "mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe".

"Tập luyện có thể buổi sáng, giờ nghỉ hay buổi tối, chúng ta đều có thể tập luyện mỗi ngày miễn là phù hợp với thế lực cũng như thời gian của mỗi người. Chúng ta có thể chạy bộ, đi bộ, tập yoga hay bất kỳ môn vận động nào theo sở thích và điều kiện, hoàn cảnh, miễn là vận động đều đặn mỗi ngày. Chúng ta sẽ thấy cơ thể mình biến chuyển tích cực", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

ThS. Trần Văn Mạnh - Thành viên Ban Giám khảo chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 1 và lần 2.

Đồng quan điểm như trên, ThS. Trần Văn Mạnh - Thành viên Ban Giám khảo chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 1 và lần 2 cho hay: "Rất cần thiết có những chương trình cổ vũ, khuyến khích cộng đồng thực hiện mục tiêu khỏe mạnh hơn, bởi mỗi cá nhân mạnh khỏe là cả cộng đồng mạnh khỏe".

Mặc dù hiện nay, tinh thần tập luyện thể dục thể thao tăng cao, tỉ lệ người tập luyện thể dục thể thao hoặc thực hành theo hội nhóm cũng tương đối lớn song nhiều người vẫn dễ mắc các sai lầm nên quá trình tập luyện ít hiệu quả. Chuyên gia khuyến cáo, vận động hợp lý là tập vừa sức, phù hợp và thích nghi dần với thể lực mỗi người, quan trọng nhất là cường độ cho từng lần tập, từng buổi tập.

Biểu hiện nhận biết chứng tỏ hoạt động thể lực ở "ngưỡng đủ" bao gồm: Đổ mồ hôi, mệt, thở dốc và đạt đến ngưỡng nhịp tim theo yêu cầu để đem lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, sự đều đặn, chăm chỉ và duy trì tập hàng ngày vẫn là yếu tố quan trọng quyết định kết quả tập luyện của từng cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhảy flashmob kêu gọi người dân tập luyện nâng cao sức khỏe.

Ban tổ chức