Vận dụng giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học

Mục lục bài viết

Đạo đức học Phật giáo là một hệ thống đạo đức lấy tinh thần Vô ngã làm nền tảng, thể hiện nếp sống bình đẳng và chính hạnh, trong đó con người biết tự chủ kềm chế chính mình và khước từ những dục vọng thế gian. Nhắc đến đạo đức Phật giáo là nói đến tính nhân bản nghĩa là tất cả vì con người, vì hạnh phúc con người.

1. Các chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo
2. Phương pháp vận dụng giáo dục đạo đức phật giáo trong trường học

Đạo đức học Phật giáo là một hệ thống đạo đức lấy tinh thần Vô ngã làm nền tảng, thể hiện nếp sống bình đẳng và chính hạnh, trong đó con người biết tự chủ kềm chế chính mình và khước từ những dục vọng thế gian. Nhắc đến đạo đức Phật giáo là nói đến tính nhân bản nghĩa là tất cả vì con người, vì hạnh phúc con người.

Tác giả: TS Nguyễn Tiến Dũng, Ths Hoàng Thị Hải Yến
Học viện Cảnh sát Nhân dân

Tóm tắt: Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc song hành nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế cho thấy, giáo lý của Phật giáo đã giúp những người trẻ có cái nhìn về cuộc sống, có cách ứng xử, cũng như suy nghĩ về đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Bài viết phân tích những chuẩn mực đạo đức học Phật giáo.

Đồng thời, vận dụng các phương pháp phát huy vai trò của giá trị đạo đức Phật giáo đến việc hình thành nhân cách, lối sống có lý tưởng, khai thác tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực trẻ. Giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị cuộc sống, giá trị của bản thân cũng như trách nhiệm trước gia đình, người thân, cộng đồng và là người có ích cho xã hội.

Từ khóa: Phật giáo/ đạo đức/ học sinh /sinh viên/ trường học.

1. Các chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo

Đạo đức học Phật giáo là một hệ thống đạo đức lấy tinh thần Vô ngã làm nền tảng, thể hiện nếp sống bình đẳng và chính hạnh, trong đó con người biết tự chủ kềm chế chính mình và khước từ những dục vọng thế gian. Nhắc đến đạo đức Phật giáo là nói đến tính nhân bản nghĩa là tất cả vì con người, vì hạnh phúc con người.

Bản chất của đạo đức Phật giáo là hướng đến giáo dục đạo đức con người với những phẩm chất cao quý: từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Trong đó, có những yếu tố căn bản và đặc điểm của đạo đức học Phật giáo là dựa trên tinh thần tự lực, tự cường, ý thức tự nguyện, tự giác, không phải cầu xin hay cầu nguyện mà có được.

Đó là nền đạo đức dựa trên hành động thiết thực, không phải trên lý thuyết, dựa trên thân khẩu ý thanh tịnh, dựa trên nguyên lý Duyên sinh, Vô ngã. Ngoài ra, đây còn là nền đạo đức tích cực, không phụ thuộc thần thánh, hướng nội và bình đẳng, giải thoát, nhập thế.

Từ thực tiễn đời sống, để đạo đức Phật giáo dễ dàng lan tỏa, thì việc làm sáng tỏ những chuẩn mực đạo đức Phật giáo là yêu cầu cần thiết. Trong vô vàn những chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện trong nhiều các bộ kinh, luật, luận, sớ giải… người viết trình bày một số chuẩn mực đạo đức Phật giáo cơ bản như sau: khiêm hạ, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân, tàm quý và tiết tháo…

– Khiêm hạ: khiêm hạ là thể hiện sự tôn trọng kẻ dưới và kính nhường người trên. Biết tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp, ứng xử là sự thể hiện đẳng cấp đạo đức.

Khiêm hạ không có nghĩa là hạ thấp mình mà còn có nghĩa tự khẳng định bản thân, là tôn trọng chính mình trong yên lặng tỉnh giác. Trong nghĩa này, khiêm hạ gần với lòng tự trọng. Đó cũng là điều được Đức Phật huấn thị: Hãy học các dòng nước/ Từ khe núi vực sâu/ Nước khe núi chảy ồn/ Biển lớn động im lặng/ Cái gì trống kêu to/ Cái gì đầy yên lặng/ Ngu như ghè vơi nước/ Bậc trí như ao đầy.

Có thể thấy, một trong những chuẩn mực ứng xử của người học Phật là thái độ khiêm hạ, định tĩnh, nhu nhuyến, thong dong và vững chãi trước dòng xoáy của bản ngã và sở hữu của bản ngã.

– Trung thực: Trung thực một khía cạnh của nhân cách đạo đức như tính thẳng thắn, thật thà, liêm khiết đi cùng với đó là không gian dối, trộm cắp.

Trung thực là một chuẩn mực đạo đức được nhiều người mến mộ, tin yêu. Người trung thực luôn hứa hẹn một tương lai rộng mở. Trung thực biểu hiện qua nhiều dạng thức và quan hệ; mà ở đây, trung thực với chính mình và với tha nhân là hai tính chất chủ yếu.

Trung thực với chính mình là ý thức rõ ràng về tất cả các phương diện của bản thân như: khả năng, điều kiện, mặt mạnh cũng như mặt yếu, sở thích cũng như điều không ưa… Việc thắp sáng ý thức về sự nhận thức rõ ràng này và thái độ chấp nhận đúng hiện trạng của bản thân, là sự khởi đầu cho thái độ sống trung thực với chính mình thì nhất định đến sự thành công của bản thân.

Trung thực với tha nhân là tiền đề để xây dựng niềm tin trong mọi mối quan hệ, là yếu tố quyết định sự bền vững cho mọi mối quan hệ giữa người với người. Đó cũng là điều được Đức Phật xác quyết: Ở đời này, lòng tin/ Tối thắng cho con người.

Mở rộng ý nghĩa này có thể thấy, trong quan hệ thầy trò, vợ chồng, cha con, bạn bè thì sự tin tưởng lẫn nhau quyết định đến hạnh phúc, bình yên cũng như tính bền vững của các mối quan hệ. Trung thực hay không dối nhau là một chuẩn mực đạo đức cơ bản, là chất kết dính của mọi mối quan hệ, là yếu tố thành công trong mọi hoạt động của con người.

– Kiên định: Kiên định là ý chí, là sự vững vàng trong quyết định, trong lý tưởng hay con đường đã chọn, trong dự tính, trong mối quan hệ. Chuẩn mực đạo đức kiên định quyết định tính cách, năng lực, giá trị của con người.

Với đức Phật, đại thệ nguyện bên cội Bồ-đề trước đêm chứng đạo là sự thể hiện cho sự kiên định vững vàng: Cho dù da thịt, gân xương trở nên khô cằn, máu trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt đạo, Ta quyết không rời chỗ này.

Có thể sự nỗ lực đó là đỉnh điểm của một tiến trình, nhưng qua đó đã cho thấy sự kiên định rất cần trên mọi chặng đường tu tập. Từ thệ nguyện của đức Phật, liên hệ với con đường mà chúng ta đã và đang chọn hiện nay, có thể nhận ra những bất cập do vì không kiên định. Trong cuộc sống đời thường, kiên định rất cần trong mọi mối quan hệ. Trong bối cảnh này, chuẩn mực kiên định có thể được hiểu là tấm lòng trung thành, chung thủy, sắt son với tổ chức, với bạn bè, với người phối ngẫu.

– Không phóng dật: Không phóng dật là không buông lung, không chạy theo dục vọng, siêng năng tu tập các pháp lành. Đây là chuẩn mực đạo đức quan trọng, được đề cập trong nhiều bản kinh. Không phóng dật đồng nghĩa với tinh tấn, là siêng năng. Cần phải thấy, từ đạo đức Phật giáo đưa vào thực tiễn đời sống cho thấy là do bởi siêng năng tạo nên sự thăng hoa, thành công trong mọi lĩnh vực và là quán hạnh dung thông giữa pháp thế gian và pháp xuất thế.

– Nhẫn nhục: Nhẫn nhục là sự chịu đựng, chấp nhận những khổ đau, bức bách, hủy nhục, khó chịu… do các điều kiện bên ngoài đem đến, nhưng tâm tư vẫn an tịnh. Đây là một phẩm chất đạo đức được thể hiện trong nhiều cấp độ. Trong cuộc sống đời thường, nhẫn nhục là sức mạnh. Sức mạnh đây chính là sức mạnh làm chủ bản thân mình.

Vì một khi thực hiện được hạnh nhẫn nhục, chứng tỏ một năng lực tu tập hùng mạnh. Nhờ năng lực đó, mới có thể kiểm soát tâm mình. Vì chiến thắng bản thân mình à chiến công oanh liệt nhất. Nhẫn nhục mang ý nghĩa như một kỹ năng sống hướng thượng, thanh cao.

– Biết ơn: là trạng thái tâm lý biết nâng niu, trân trọng và ghi nhận những điều tốt đẹp trong đời mà mình đã được nhận. Biết ơn là chất liệu dệt nên phẩm hạnh của một con người. Lòng biết ơn thường biểu hiện thành hành động thành kính. Vì những ý niệm biết ơn sẽ được hiện thực hóa thành hành động tử tế với tha nhân và làm đẹp cộng đồng.

Con người sẽ nhân từ với nhau khi có lòng biết ơn trong tâm tưởng. Nhận thức rõ về các công ơn đã thọ nhận, là thái độ sống đúng mực của một người trưởng thành. Được sống và sống ổn định, an toàn là phước báo của con người. Vì một khi môi trường sống được đảm bảo, thì hạnh phúc mới vững bền và có thể an tâm hoàn thành sở nguyện.

– Buông xả: Buông xả là nghệ thuật ứng xử trong các mối quan hệ, là sự buông bỏ những ý nghĩ mừng vui, lo khổ đồng thời nỗ lực từ bỏ các tật xấu tích lũy từ nhiều đời. Biết buông bỏ, biết hy sinh là tiền đề dẫn đến mọi sự thành tựu.

Hạnh buông xả còn là một dạng thức biểu hiện cho tâm thương yêu. Vì lẽ, nhờ buông xả nên dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người, tạo cho kẻ có lỗi một cơ may để phục thiện. Buông xả còn giúp người ta trở nên rộng rãi, không ích kỷ, nhỏ nhen. Muốn có được một cuộc sống đúng nghĩa và trọn vẹn thì phải học cách buông bỏ, xả ly. Buông xả không những giúp thanh lọc tâm, mà còn là phương thức vươn lên bằng cách từ bỏ những hiểu biết bất toàn, khiếm khuyết.

– Dấn thân: Dấn thân là phát tâm Bồ-đề, được dẫn khởi từ sự lập nguyện, phát tâm vì lợi ích của tha nhân, trong một số trường hợp phải chấp nhận sự hy sinh, mất mát. Dấn thân là hành động mang tâm nguyện Bồ-tát, vì đó là sự phát tâm đem lại lợi ích cho nhiều người.

Đạo Phật mang nghĩa vị tha, và dấn thân là một biểu hiện tạm quên đi bản ngã. Dấn thân là sự tận hiến cho đời mà không nghĩ về tư lợi. Dấn thân biểu lộ của dũng khí, lưu xuất từ cơ sở tâm thương yêu và thể hiện bằng con mắt tuệ. Chỉ có như vậy hạnh dấn thân mới đem đến hạnh phúc, an lạc cho nhiều người.

– Tàm quý: Tàm, quý đều là tâm hổ thẹn với các điều tội lỗi, xấu xa mà mình đã tạo ra. Tự hổ thẹn với chính mình gọi là tàm, đối với người sinh tâm hổ thẹn gọi là quý. Có những tội lỗi chỉ một mình mình biết, ngược lại có những tội lỗi mọi người đều biết.

Tuy nhiên, không ai là người hoàn hảo cả, nhưng người ta sẽ khó hy vọng tiến bộ nếu không biết xấu hổ. Hổ thẹn là một chuẩn mực đạo đức quan trọng, không những khẳng định nhân cách của con người mà còn góp phần tạo nên động lực thăng tiến ở nhiều phương diện.

Đức tính này có sẵn ở trong bạn, nhờ đó bạn có cơ hội để cân nhắc và điều chỉnh mọi hành vi của mình – ý nghĩ, lời nói và việc làm, sao cho chúng không còn làm bạn phải xấu hổ và sợ hãi trong cuộc sống, đặc biệt là khi đối diện với chính mình. Hiểu rõ sức mạnh tích cực của chúng nên đạo Phật khuyên mỗi người cần phải nuôi dưỡng và phát huy tâm lý tàm quý để xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc cho tự thân, đồng thời góp phần làm đẹp và mang niềm vui đến cho cuộc đời.

– Tiết tháo: Tiết tháo là khí tiết, là danh dự và phẩm vị của con người. Tiết tháo còn là phẩm chất, nhân cách cao thượng, biểu hiện bởi tinh thần quật cường kiên trì chính nghĩa, ngay cả khi đứng trước áp lực mạnh mẽ cũng không khuất phục. Phẩm chất của một con người gồm một cái tên để phân biệt, cộng với những phẩm hạnh đạo đức tương ưng. Giữ gìn phẩm hạnh đạo đức đồng nghĩa với việc giữ gìn tiết tháo.

2. Phương pháp vận dụng giáo dục đạo đức phật giáo trong trường học

Giáo dục đạo đức Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa bản chất con người thông qua sự hoàn thiện về mặt đạo đức, trí tuệ và tinh thần, hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, đề cao các giá trị mà giới trẻ đem lại, khai thác tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực này.

Bằng nhiều biện pháp khác nhau mà Phật giáo đã có thể chung tay giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị cuộc sống, giá trị của bản thân cũng như trách nhiệm trước xã hội, gia đình và người thân, là người có ích cho xã hội.
Thứ nhất, phát huy công tác tuyên truyền giáo dục làm đổi mới nhận thức về vai trò đạo đức phật giáo đối với việc hoàn thiện đạo đức con người.

Đạo đức Phật giáo được hình thành từ trong đời sống con người, do đó, đạo đức Phật giáo cần được tuyên truyền cho học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhằm giúp các em có tri thức, sự hiểu biết về Phật giáo từ sớm, để được học tập, lựa chọn cho mình lối sống hạnh phúc an vui, ứng dụng lời Phật dạy, điều chỉnh hành vi và thái độ tích cực để sống lạc quan.

Đồng thời, giúp các em sinh viên hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, hiểu về nhân – quả, công bằng, sống có lý tưởng, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Đây là những nội dung giúp định hướng niềm tin, sự hiểu biết về các giá trị văn hóa phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng của các thế hệ trẻ trong tương lai.

Thứ hai, Xây dựng các mô hình đẹp nhằm phát huy tinh hoa giá trị đạo đức Phật giáo trong việc xây dựng lòng nhân ái, bao dung và hướng thiện.

Phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo, chúng ta hãy làm, hãy trân trọng và phát huy trong thế hệ trẻ, những tấm gương sáng, những bông hoa đẹp trong các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo như: Phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “xanh, sạch, đẹp”, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa; tấm gương những người lính, những chiến sĩ Công an nhân dân quên mình cứu dân trong mưa lũ, chữa cháy, trong những trận chiến chống buôn bán và tàng trữ ma túy,… tấm gương những thanh niên tình nguyện, những thiếu niên quên mình cứu bạn, những tấm gương học giỏi, “nghèo vượt khó” … ngày càng nở rộn và lan tỏa trong thực tiễn.

Thứ ba, phương pháp truyền thụ trong các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa. Nhằm nâng cao những hiểu biết và nhận thức về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng sao cho phù hợp trong các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa, những lời căn dặn, khuyên bảo về kỹ năng, cách sống cho học sinh, sinh viên.

Thứ tư, tổ chức các mô hình giáo dục dưới hình thức các câu lạc bộ Phật pháp, lớp giáo lý. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu “đến với Phật pháp” mà còn thực sự hữu ích trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Hình thức này giúp cho học sinh, sinh viên có được một “sân chơi” lành mạnh, có cơ hội tiếp cận, hiểu và thực hành theo chính pháp, theo giáo lý của Đức Phật.

Qua các hoạt động này giúp các bạn trẻ được học tập, trao đổi giáo lý Phật giáo; học tập các nghi lễ nhà Phật. Hướng các bạn trẻ đến lối sống tốt đẹp, lành mạnh; có định hướng, suy nghĩ và lý tưởng sống đúng đắn, góp phần xây dựng đạo pháp, xây dựng xã hội tốt đẹp.

Thứ năm, tổ chức các hoạt động tình nguyện hướng về cội nguồn, học về truyền thống để khuyến khích học sinh, sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo, động viên, khuyến khích để họ tự lựa chọn, tự “chiêm nghiệm”, tự “tu tập” tư tưởng đạo đức Phật giáo khi họ thấy phù hợp và yêu thích.

Cần chú trọng việc tuyên truyền giáo dục với nội dung, hình thức và biện pháp cụ thể phù hợp để khuyến khích học sinh, sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại được chứa đựng trong các tôn giáo, đặc biệt là “Bát chính đạo” và “Tam học” của Phật giáo.

Tác giả: TS Nguyễn Tiến Dũng, Ths Hoàng Thị Hải Yến
Học viện Cảnh sát Nhân dân

PDF PRINT