Văn học mạng phát triển trên quy mô quốc tế

Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Sự nở rộ của văn học mạng của Trung Quốc cũng đang góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn học mạng toàn cầu phát triển. Theo một báo cáo của China Literature Limited (CLL), số lượng tác giả người nước ngoài trên trang WebNovel tăng 130% trong giai đoạn 2018-2022. Các tác giả này chủ yếu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Anh.

Để thúc đấy nhánh văn học này, hàng năm, trang WebNovel tổ chức Cuộc thi viết tiểu thuyết trực tuyến toàn cầu - WebNovel Spirity Awards (WSA). Cuộc thi diễn ra lần đầu vào năm 2018, dành cho những nhà văn viết tiếng Anh.

Năm 2022, cuộc thi được mở rộng cho các nhà văn viết tiếng Indonesia và tiếng Thái, thu hút 90.000 tác phẩm dự thi.

Lễ trao giải có sự tham dự của hơn 20 nhà văn mạng từ nhiều quốc gia như Đức, Canada, Indonesia và Thái Lan. Nhiều khách mời có chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng góp mặt và thảo luận về sự phát triển của văn học mạng.

Cuối năm 2022, khoảng 2.900 tác phẩm văn học Trung Quốc đã được dịch và đăng tải trên trang WebNovel.

Điểm yếu về bản quyền tác phẩm

Tại Trung Quốc, trên trang văn học mạng Webnovel, lượng độc giả không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Các tác phẩm thuộc chủ đề ẩm thực, võ thuật cổ truyền, trà đạo... đặc biệt được độc giả yêu thích

Báo cáo của CLL cũng cho biết cuối năm 2022, khoảng 2.900 tác phẩm văn học Trung Quốc đã được dịch và đăng tải trên trang WebNovel, thu hút hơn 170 triệu độc giả từ hơn 200 quốc gia. Trong đó, 75% số độc giả thuộc gen Z.

Đến nay, đã có hơn 16 tiểu thuyết mạng của Trung Quốc đã được đưa vào bộ sưu tập của British Library (Thư viện quốc gia của Anh - một trong những thư viện nghiên cứu lớn nhất thế giới). Các tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, lịch sử, hiện thực và giả tưởng.

Bà Zhao Bipeng, Giám đốc kinh doanh thị trường nước ngoài của CLL, cho rằng Trung Quốc có chuỗi ngành công nghiệp văn học mạng tương đối "chín". Nhiều tiểu thuyết mạng nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, trò chơi điện tử…

Bà Zhao tin rằng dù tốc độ phát triển nhanh, điểm yếu của văn học mạng vẫn là chưa có khả năng bảo vệ bản quyền tác phẩm cao, dễ dẫn đến tình trang sao chép, phát tán lậu.

Giai Huyên