Xuất khẩu ngày 18-22/9: Thu về 3,84 tỷ USD, rau quả lập kỷ lục lịch sử; cá ngừ tăng tốc vào thị trường Mỹ, EU

Chỉ trong nửa đầu tháng 9, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã thu về 293,4 triệu USD, tăng đột biến 187% so với nửa đầu tháng 9/2022. (Nguồn: Vietnamnet)

Thu về 3,84 tỷ USD, rau quả lập kỷ lục lịch sử

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 9, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã thu về 293,4 triệu USD, tăng đột biến 187% so với nửa đầu tháng 9/2022.

Lũy kế đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu rau quả năm nay chính thức lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 3,81 tỷ USD của năm 2018.

Ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 4,1 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sầu riêng, chuối và thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng. Đặc biệt, sầu riêng từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp. Sầu riêng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng tới.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất, với tổng kim ngạch 8 tháng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 64% thị phần. Sự bùng nổ đơn hàng từ thị trường hơn 1,4 tỷ dân này giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta lập kỷ lục, dù hơn 3 tháng nữa mới kết thúc năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết, xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhờ các quốc gia tăng mua, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Quý IV/2023, sản lượng trái cây xuất khẩu của nước ta ước đạt 4,1 triệu tấn - là quý có sản lượng cao nhất năm. Theo thông lệ, xuất khẩu rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng mạnh. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu sắp tới.

Ông Nguyên dự báo, xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 5,5 tỷ USD trong năm nay.

Algeria yêu cầu một số thực phẩm nhập khẩu có chứng nhận Halal

Thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin, ngày 21/9, Bộ Công nghiệp và Sản xuất dược phẩm Algeria đã công bố danh sách các thực phẩm nhập khẩu vào nước này phải có chứng nhận Halal.

Halal theo tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp, được phép dựa trên việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và phù hợp với các chuẩn mực, giá trị, thiêng luật của đạo Hồi hay theo chuẩn của Kinh Qua'ran.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, danh sách này bao gồm thịt và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thịt hộp, dầu mỡ động vật, bánh kẹo, kể cả socola, bánh gatô và bích quy cũng như các chất phụ gia thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc có những thành phần nghi là không phải Halal do cách thức thu mua, đóng bao trước và dùng để bán lại nguyên trạng hoặc phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm.

Những sản phẩm từ sữa, kể cả caseinat và các loại pho mát dùng để chế biến, phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm và những sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh cũng phải tuân thủ quy định này.

Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ và EU tăng tốc trở lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt hơn 87 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm thấp nhất và là mức giá trị cao kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đạt 545 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ.

Trong tháng 8 năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính có nhiều biến động. Điểm nổi bật là sự tăng trưởng của thị trường Mỹ sau một thời gian sụt giảm liên tục.

Số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của mặt hàng cá ngừ đóng hộp (+24% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, do các tháng đầu năm có sự sụt giảm khá cao nên tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ vẫn giảm 45% so với cùng kỳ, còn đạt gần 208 triệu USD.

Trong tháng 8 năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính có nhiều biến động. (Nguồn: Báo Công Thương)

Tại EU, thị trường này đang cho thấy sự tăng tốc trở lại khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây đã tăng 37% so với cùng kỳ.

Ngược lại, xuất khẩu cá ngừ sang Israel lại giảm mạnh trong tháng 8 với mức giảm 57% so với cùng kỳ, bất chấp việc trước đó tăng trưởng tốt. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp sang thị trường này ghi nhận giảm tới 82% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt thời gian trước nên lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Israel vẫn tăng 50%.

Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường thành viên vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada và Mexico đồng loạt giảm sâu trong tháng 8 với lần lượt là -53%, -49% và -14 so với cùng kỳ.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang dần thu hẹp mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản hay Canada về lại mức của cùng kỳ năm trước rất khó.

Dù vậy, giá cá ngừ nguyên liệu trên thế giới giảm đang thúc đẩy nhu cầu của các nhà nhập khẩu trong giai đoạn cuối năm. Do đó, dự kiến nhiều khả năng xuất khẩu cá ngừ trong những tháng tới trở về mức tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

(tổng hợp)

Vân Chi