Áp lực và 'khủng hoảng giấc ngủ'

Nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện vào năm 2021 cho thấy người Nhật ngủ trung bình 7 giờ 22 phút mỗi đêm. Con số này ở mức thấp nhất trong số 33 quốc gia được đưa vào nghiên cứu, theo tờ South China Morning Post.

Thống kê của Bộ Y tế Nhật năm 2019 chỉ ra rằng trung bình 37,5% nam giới và 40,6% phụ nữ tại nước này ngủ ít hơn 6 giờ/đêm.

Một nghiên cứu khác do ĐH Tokyo (Nhật) thực hiện và công bố vào tháng 3 đã kết luận rằng học sinh lớp 6 ngủ trung bình 7,9 giờ/đêm, của học sinh năm cuối trung học cơ sở là 7,1 giờ/đêm. Riêng học sinh năm cuối trung học phổ thông chỉ ngủ 6,5 giờ/đêm.

Một nhân viên văn phòng ngủ trên ghế chờ ở trạm tàu điện tại Tokyo (Nhật). Ảnh: AP

Những con số này được cho là thấp hơn so với số giờ ngủ tối thiểu được các chuyên gia khuyến nghị.

Theo đó, báo cáo hồi tháng 2 của Bộ Y tế Nhật khuyến nghị người lớn nên ngủ tối thiểu 6 giờ/ngày, trẻ sơ sinh nên ngủ từ 11 giờ đến 14 giờ/ngày, trẻ em tiểu học nên ngủ 12 giờ/ngày và học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nên ngủ từ 8 giờ đến 10 giờ/ngày.

Trong báo cáo, Bộ cũng khuyến nghị người dân nên đầu tư vào chất lượng giấc ngủ vì nghỉ ngơi “góp phần ngăn ngừa các bệnh liên quan lối sống”.

Nguyên nhân ăn sâu bám rễ

TS Masashi Yanagisawa – Giám đốc Viện Y học Giấc ngủ Tích hợp Quốc tế tại ĐH Tsukuba (Nhật) cho rằng báo cáo trên là một khởi đầu tốt nhưng cần phải được đi kèm theo một chương trình giáo dục “toàn diện”, để tránh tình trạng người dân ngày càng thiếu ngủ hơn.

“Vấn đề cơ bản là giáo dục. Nhiều người ước có 28 giờ/ngày để có thể làm việc nhiều giờ ở cơ quan, trường học, sau đó họ sẽ về nhà và có thời gian rảnh rỗi cho bản thân. Và chỉ sau đó, họ mới dành thời gian để ngủ” – ông Yanagisawa nói.

Theo ông Yanagisawa, hậu quả của việc không ngủ đủ giấc là sức khỏe tinh thần và thể chất bị suy giảm, khiến hiệu suất làm việc, học tập sẽ kém hơn.

Các chuyên gia tin rằng vấn đề không phải là người Nhật không muốn ngủ mà là áp lực xã hội thường khiến họ khó đi vào giấc ngủ.

“Trong nhiều năm, người Nhật được khuyên phải học tập chăm chỉ hơn và làm việc nhiều giờ hơn. Siêng năng được coi là một đức tính quan trọng và buộc mọi người phải làm nhiều hơn nữa. Áp lực cũng đến từ bên trong chúng tôi. Làm việc nhiều giờ có liên quan lòng tự trọng” – ông Yanagisawa cho hay.

Ông Yanagisawa cho biết những quan điểm như vậy đã ăn sâu vào tâm trí trẻ em khi còn học tiểu học. Điều này có nghĩa là học sinh đã chấp nhận “hy sinh bản thân” từ khi còn rất nhỏ.

“Tôi có thể nói rằng đại đa số học sinh Nhật bị thiếu ngủ. Điều đó đã trở thành triết lý của họ, nó trở thành tiêu chuẩn cho đến hết cuộc đời của họ” – ông Yanagisawa nói.

Ông Izumi Tsuji – GS xã hội học tại ĐH Chuo ở Tokyo (Nhật) cho biết khi còn là sinh viên, ông “ngủ khoảng 5 hoặc 6 giờ/đêm”. Ông Tsuji cũng chỉ ra rằng sự phổ biến của mạng xã hội khiến tình trạng thiếu ngủ ở trẻ em ngày nay càng nghiêm trọng hơn.

Người dân tại một khu giải trí ở Tokyo (Nhật). Ảnh: AP

“Học sinh chịu áp lực phải học buổi tối. Nhưng đối với thế hệ của tôi, khi học xong, tôi muốn làm việc riêng nên ngày nào tôi cũng đi ngủ muộn. Và tất nhiên, ngày hôm sau ở trường, tôi luôn buồn ngủ” – ông Tsuji nói.

Theo ông Tsuji, khi trưởng thành, dành thời gian ngủ đủ giấc lại khó khăn hơn.

“Tôi muốn ngủ đủ 8 tiếng nhưng chưa bao giờ làm được. Đơn giản là vì có quá nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành như công việc hay gia đình. Sau đó, tôi muốn tận hưởng thời gian của riêng mình. Tôi có thói quen sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại di động. Do đó, tôi chưa bao giờ thực sự rời xa công việc. Tôi đi ngủ vào khoảng nửa đêm hoặc 1 giờ sáng” – ông Tsuji nói.

Hậu quả khôn lường

South China Morning Post dẫn lời ông Yanagisawa rằng thói quen thiếu ngủ của người Nhật có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho xã hội.

Theo ông Yanagisawa, người bị thiếu ngủ có nguy cơ cao mắc các bệnh trầm cảm, một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch, hoặc sẽ bị tổn thương hệ thống miễn dịch và nhiễm trùng.

"Hậu quả của việc thiếu ngủ có thể là mất khả năng kiểm soát cảm xúc và tâm trạng, nghĩa là con người trở nên dễ tức giận, cáu kỉnh, căng thẳng và không thể kiểm soát bản thân” - ông Yanagisawa cho biết.

Các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ cũng ảnh hưởng năng suất làm việc. Theo ông Yanagisawa, những nhân viên mệt mỏi làm việc kém hiệu quả hơn và dễ mắc sai lầm hơn, gây ra các vấn đề và tổn thất tài chính cho công ty.

Đối với trẻ em, thiếu ngủ có thể khiến hồi hải mã (một cấu trúc trong não bộ, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ) trong não nhỏ hơn. Trong một số nghiên cứu, điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn và có liên quan bệnh Alzheimer.

“Không ngủ đủ giấc có thể gây tác hại nghiêm trọng cho những người trẻ tuổi và có thể khiến họ phát triển không tốt trong suốt quãng đời còn lại” – ông Yanagisawa cảnh báo.

Theo ông này, việc chính phủ lo lắng về tình trạng thiếu ngủ ở người dân là điều hoàn toàn đúng đắn.

“Theo tôi, sự thay đổi cơ bản trong suy nghĩ của mọi người là hoàn toàn cần thiết. Mọi người cần dành 8 giờ/ngày cho việc ngủ và nên xem đây là khoảng thời gian bất khả xâm phạm. Sau đó, họ cần sắp xếp mọi thứ khác, bao gồm công việc, gia đình, giải trí” – ông Yanagisawa khuyến nghị.

KHOA ĐIỀM