Cách phòng bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc cấp. Bệnh do các tác nhân vi rút gây ra như: Adenovirus, Enterovirus, Coxsackie. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt, các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh.

Kiểm tra mắt cho trẻ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, từ ngày 6 đến 8-9, tại Trường Tiểu học thị trấn 1 Diên Khánh ghi nhận 20 em bị đau mắt đỏ; riêng ngày 11-9 có 211 em rải rác tất cả các lớp từ 1 đến 5. Tại TP. Nha Trang, ghi nhận tại Trường Tiểu học Lộc Thọ có 13 em; Trường Tiểu học Vĩnh Hải 2 có 189 em và Trường THPT Hermann Gmeiner Nha Trang có 57 em, tổng cộng có 259 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ.

Với tác nhân gây bệnh là do vi rút, vì vậy bệnh có thể lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân cần: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân, như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Theo chuyên gia, bệnh đau mắt đỏ có những dấu hiệu ban đầu là mắt có cảm giác bị cộm, xốn, ngứa, đỏ nhẹ, đổ ghèn. Nếu mắt trẻ bị sưng, đỏ nhiều cần đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được thăm khám. Các bậc cha mẹ cần lưu ý dùng thuốc theo đơn bác sĩ, không tự ý mua thuốc về dùng, có thể làm thị lực xấu hơn. Ở tình trạng viêm cấp của kết mạc, cương tụ mạch máu kết mạc làm đỏ mắt, tăng xuất tiết làm chảy nhiều nước mắt, sưng mi mắt, cộm xốn khó chịu; trường hợp nặng hơn có thể gây sung huyết, xuất huyết kết mạc hoặc xuất huyết giả mạc. Một số trường hợp có thể kèm sốt, ho, hắt hơi sổ mũi, cảm cúm. Bệnh cũng phụ thuộc vào môi trường sinh hoạt, khí hậu thời tiết, điều kiện chăm sóc vệ sinh, tình trạng dinh dưỡng, miễn dịch của từng người.

Các chuyên gia khuyến cáo, người đau mắt đỏ nên tạm thời nghỉ học, nghỉ làm theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây lan cho người khác. Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho cơ thể; tuyệt đối không được tự ý mua thuốc nhỏ, thuốc uống cho trẻ sử dụng.

QUẾ LÂM

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)