Chiến tranh từ góc nhìn hậu chiến của nhà văn Nguyễn Một

Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Liên Việt Books tặng hoa cho nhà văn Nguyễn Một.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là câu chuyện chân thực về tình yêu của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố với một cô gái ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang ở giai đoạn rực lửa. Chung quanh mối tình của họ là hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất chiến tranh liên miên, chứng kiến nhiều cái chết hằng ngày của người dân và cả gia đình mình. Chiến tranh đã ám ảnh tôi mãi. Sau này, tôi đã thấm nhuần tinh thần yêu thương và tha thứ. Tôi thấy rằng, chúng ta cần biết quá khứ để ứng xử với tương lai. Lịch sử là thứ không thay đổi được, đừng để lịch sử giày vò tương lai chúng ta.

Nhà văn Nguyễn Một

Nhà văn Nguyễn Một đã từng rất thành công với hai tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời” với phong cách huyền ảo. Ở “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, tác giả viết theo phong cách hiện thực từ góc độ chiêm nghiệm của mình. Ông chia sẻ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ông từng chứng kiến rất nhiều cái chết, những mảnh đời bi thảm bởi cuộc chiến. Ngay cả cha mẹ ông cũng qua đời trong chiến tranh. Cha ông bị trúng đạn khi mẹ mang thai ông mới được 3 tháng. Còn người mẹ của ông bị đạn bắn xuyên qua đầu, khi đó ông mới 4 tuổi, nằm trong lòng mẹ, máu của mẹ phủ trên người ông. Chính những ký ức khủng khiếp đó về chiến tranh đã thôi thúc ông viết về những thân phận con người trong và sau cuộc chiến.

“Ở đó, không có thắng hay thua, không có ta hay địch, chỉ còn lại sự tàn khốc của chiến tranh, sự đau đớn của người còn lại” – tác giả chia sẻ.

Nói về cuốn tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, thông điệp lớn nhất được truyền tải trong tác phẩm này là, chúng ta đã đi qua hơn 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Việt Nam từ rất lâu, nhưng có một chiến trường vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của người Việt. Cuộc chiến tranh dường như vẫn còn ở lại và tiếp tục tàn phá, không phải là cái chết, thân xác, mà tàn phá một phần trong tinh thần chúng ta. Sau 50 năm, nhà văn Nguyễn Một, một nhà văn thuộc thế hệ sau năm 1975 đã trở lại cuộc chiến tranh đó bằng ký ức, tinh thần, bằng tư liệu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét, trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Một cho thấy chiến tranh đi qua đã xé nát tất cả. Nhiều nhân vật, từ những người có thân phận nhỏ bé nhất cho đến người có vị trí trong xã hội đều bị dày vò trong chiến tranh, giấc mơ dừng lại, số phận thay đổi.

“Là một độc giả, tôi cảm thấy mình ở trong cuộc chiến, trực tiếp chịu đựng nó, tìm cách thoát ra khỏi nó. Tiểu thuyết không trực tiếp lên án người Mỹ mà lên án con quái vật chiến tranh. Nguyễn Một viết không phải để khơi lại thù hận hay đau thương mà để ngăn chặn những cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai. Anh đã xây dựng thành công nhân vật, chỉ ra bản chất kinh hoàng của chiến tranh qua những số phận con người. Dân tộc ta đã đi qua chiến tranh, cái giá phải trả vô cùng đắt. Chính vì thế, mỗi giờ mỗi phút hòa bình phải được trân trọng” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Tôi luôn theo dõi văn học Việt Nam, về những tác phẩm viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, các tác phẩm hậu chiến và đó chính là "món ăn tinh thần" giúp tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam. Đọc tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín"của nhà văn Nguyễn Một cũng như tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam của tác giả khác đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình cho đất nước chúng tôi.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Ngài Saadi Salama.

Nhà báo Yên Ba cho rằng, chiến tranh là một chủ đề rất quen thuộc trong văn học. Cuốn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” lựa chọn cách viết như những mảnh da trên một quả bóng đá, từ đó liên kết với nhau. “Sách viết rất thật, thật một cách trần trụi. Sách cũng hơi khó tiếp nhận bởi nhiều tầng lớp nhân vật khác nhau, rất nhiều nhân vật” – nhà báo Yên Ba nhận xét.

Là một trong những người tiếp xúc đầu tiên với bản thảo cuốn tiểu thuyết, nhà văn Tạ Duy Anh cũng là người viết lời tựa cho cuốn sách. Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng, chiến tranh khiến cho con người bị xé ra làm nhiều phần, phải vượt qua mọi quy luật, toan tính hàng ngày, phải lựa chọn giữa sinh tồn và bị người khác giết, đấy là ý nghĩa lớn lao nhất của cuốn sách. Nhà văn cũng cho biết, lời tựa cuốn sách cũng chính là những ý nghĩ của ông sau khi khép lại những trang sách. “Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến” – nhà văn nói.

Là một trong những nhà văn có mặt tại lễ ra mắt sách của tác giả Nguyễn Một, nhà văn Nguyễn Văn Thọ không giấu được sự xúc động, bởi ông cũng từng là một người lính, từng trải qua sự thảm khốc của chiến tranh. Ông chia sẻ, đây là cuốn sách về những thân phận người trải qua chiến tranh, và tác giả đã tái hiện tất cả bằng lòng yêu nước.

Cuốn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một được ấn hành với hai phiên bản sách thường và phiên bản đặc biệt được in bìa cứng, trình bày đẹp.

Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty sách Liên Việt cho biết: “100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện công phu bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng cho các độc giả thân thiết. Ngoài ra, tiền bán 100 cuốn sách đặc biệt này sẽ được dùng để tài trợ cho Mái ấm Giuse, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đây là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp và ấm áp, thể hiện sự tương thân tương ái của gia đình nhà văn Nguyễn Một dành cho hơn 100 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại mái ấm này".