Cói Lalin và Hành trình kết nối yêu thương

Chảo Mùi Cói sinh ra trong một gia đình người Dao, có hai chị em gái. Cũng như bao gia đình khác trong thôn, Cói phải trải qua quãng thời gian tuổi thơ khó khăn với những bữa cơm độn ngô, độn sắn, những buổi trưa nắng “vỡ đầu” lên nương giúp bố mẹ. Vì đói nghèo, vì nhà cần lao động, vì con gái học nhiều cũng không “no bụng” được… mà bao bạn bè cùng trang lứa của Cói không được đến trường. Cói cũng lo sợ một ngày bố mẹ bảo mình phải nghỉ học.

“Tôi còn nhớ, ngày chị gái học THPT, để đủ tiền cho chị tôi trang trải cuộc sống xa nhà, bố mẹ phải bán trâu, ngựa, nhận làm thuê cho các hộ xung quanh. Đến mùa gặt, mẹ để lại một phần thóc, còn một phần đem đi xát thành gạo gửi xuống trường cho chị. Nhìn bố mẹ già yếu đi vì lo cho chị em tôi ăn học, tôi càng lo sẽ không được học tiếp. Nghĩ vậy, tôi đã có ý thức lao động ngay từ nhỏ. Sau giờ học ở trường, tôi đều giúp bố mẹ chăn trâu, lấy rau, cắt cỏ cho trâu bò, nấu cơm…” - Cói kể.

Từ nhà Cói đến trường mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ, hơn nửa quãng đường là lối mòn, mùa mưa thì lầy lội, phải qua suối gập ghềnh đá sỏi, người lớn đi còn khó. Cói còn nhỏ, lại phải địu cả gạo, củi trên lưng mang đến trường, nhưng niềm vui được học khiến Cói không nghỉ ngày nào bất kể mưa hay nắng.

Năm lớp 11, Cói “táy máy” lập một tài khoản Youtube mang tên Cói Lalin với mục đích ghi lại những kỷ niệm đẹp tuổi học trò cùng thầy cô và các bạn chứ không nghĩ mình sẽ trở thành một YouTuber chuyên nghiệp.

Sau khi ra trường, Cói lập gia đình rồi sinh con. Gác lại ước mơ phát triển bản thân, Cói tập trung cho gia đình nhưng thói quen ghi lại hình ảnh cuộc sống thường nhật vẫn được Cói duy trì. Trong số đó có nhiều đoạn phim ngắn quay lại cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người dân vùng cao ở quê Cói nhận được nhiều lượt view, like và bình luận tích cực. Cói quyết định đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng kênh YouTube.

“Trong vô vàn kênh YouTube, tôi luôn bị thu hút và ấn tượng bởi các kênh chia sẻ về cuộc sống người dân miền núi với cảnh vật, món ăn, nét văn hóa đặc sắc. Tôi thầm nghĩ, quê hương mình cũng có nhiều thứ đẹp như vậy, tại sao mình lại không giới thiệu cho nhiều người biết? - Cói tâm sự.

Mở mỗi video mà Cói ghi hình, các chất liệu và hình ảnh đều được lấy cảm hứng ngẫu nhiên khi đi ruộng, lên nương với khung cảnh miền sơn cước. Đó là những cảnh quay nơi bản làng, núi rừng, cảnh Cói xuống suối vớt cá mùa lũ, tỉa lúa trên nương, đào củ mài, củ gừng hoặc những câu chuyện về ẩm thực, văn hóa bản địa, tái hiện cuộc sống gần gũi, tràn ngập sự an yên.

Các sản phẩm của Cói đều là kết quả của quá trình tự học từ những kiến thức có sẵn trên mạng, từ người đi trước và từ ngay chính những góp ý của người xem dưới phần bình luận.

Khi thực hiện các video, Cói không đặt quá nhiều mục tiêu cao mà chỉ muốn ghi lại kỷ niệm, chia sẻ đến mọi người. Và rồi, khi đến các bản làng vùng cao, những hình ảnh về cuộc sống khó khăn, hoàn cảnh bất hạnh của người dân được cô ghi lại đã trở thành những thước phim lan tỏa đến nhiều người.

Mỗi trường hợp được Cói kết nối là kỷ niệm không thể nào quên. Đó là trường hợp ông Chảo Phù Vần, cùng thôn với Cói. Ông Vần già yếu, sống với một người cháu trong căn nhà cũ nát. Ông nghèo tới nỗi người trong thôn gọi là “Ông ăn sắn” vì ông phải ăn sắn thay cơm mỗi ngày. Nhờ Cói, các “Mạnh Thường Quân” đã giúp ông Vần xây căn nhà khang trang và hỗ trợ gạo cho hai ông cháu. Hoặc trường hợp hai mẹ con cô Sùng Thị Cầu, thôn Suối Thầu 3, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát) bị mù, một mình nuôi con, sống trong căn nhà bằng tre, nứa, nhờ kênh Cói Lalin nên có căn nhà xây khang trang…

Nhớ lại hành trình kết nối của mình, Cói chia sẻ: Nhiều nhà nằm trên lưng chừng đồi, xe máy không thể vào tận nơi, hai vợ chồng phải phải gánh từng viên gạch, vác từng bao xi măng, bao cát lên dốc để xây nhà. Rồi những hôm mưa rét buốt, hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà túc trực cùng thợ làm nhà để trông vật liệu…

Làm video với tinh thần “yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”, ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận đến người xem, kết nối các “Mạnh Thường Quân”. Nhưng qua những việc làm cụ thể, niềm tin được gây dựng, dần dần tôi được nhiều “Mạnh Thường Quân” tin tưởng.

21 căn nhà, 2 tuyến đường giao thông cùng hàng nghìn suất quà tặng người có hoàn cảnh khó khăn là kết quả mà Cói Lalin đã làm với vai trò “cầu nối yêu thương” suốt 3 năm qua. Cứ như thế, Cói tiếp tục rong ruổi khắp các ngả đường với vai trò là người “trao duyên” cho những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật bằng những thước phim mộc mạc của mình…

Cói Lalin (Chảo Mùi Cói, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) được biết đến với vai trò YouTuber. Cô gái trẻ gây ấn tượng bằng những clip về cuộc sống vùng cao thường nhật, bình dị và gần gũi. Hiện Cói Lalin sở hữu kênh YouTube hơn 93.000 lượt theo dõi. Kênh TikTok cùng tên của cô cũng đạt hơn 63.000 lượt đăng ký và 1,4 triệu lượt thích.