Content creator Lương Đỗ: Từ nhân viên văn phòng đến 'nam thần' giới skincare

Từ bỏ công việc 8 tiếng/ngày để theo đuổi công việc 16 tiếng/ngày

Trước khi được mọi người biết đến với vai trò là một nhà sáng tạo nội dung, Lương Đỗ (tên thật là Đỗ Trịnh Lương, sinh năm 1996) từng có nhiều năm du học tại New Zealand. Trở về nước sau khi tốt nghiệp, Lương Đỗ đã có một vị trí ổn định tại một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Đến năm 2021, Lương Đỗ có "bước ngoặt lớn" trong đời khi quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm một nhà sáng tạo nội dung.

Đâu là lý do để Lương Đỗ quyết định chuyển từ "chơi" TikTok sang "làm" nền tảng này?

Mình có học được từ một nhà đầu tư Marketing rằng TikTok sẽ như là YouTube của 10 năm về trước. Nếu như bạn có thể đến sớm thì bạn sẽ có lợi thế rất lớn so với những người sau này. Chính điều này đã thay đổi "định kiến" của mình về TikTok - một nền tảng chỉ dành cho người trẻ hơn mình.

Trong 1 - 2 tháng đầu, mình không có video nào quá 1000 lượt xem cả dù các nội dung mình chia sẻ cũng không hề "kén" người xem. Nhưng có một video mình làm kiểu hài hước về các kiểu người ở trong phòng gym và được viral. Mình nhận ra cuối cùng mình cũng có một chút thành quả sau hơn 30 video đã flop (cười).

Quyết định nghỉ việc để chuyển sang "làm TikTok" hẳn không dễ dàng?

Tầm 1 tháng sau khi rời công ty, mình thấy hơi bấp bênh và mất phương hướng bởi trước kia là sẽ có người nói cho mình cần làm gì, deadline của mình là bao giờ... nhưng bây giờ thì không.

Từ gym chuyển sang skincare, đây là "tính toán" hay một sự "đánh cược" của Lương?

Ban đầu mình làm về tập gym, nhưng chỉ mới dừng lại ở việc chia sẻ các bài tập và những nội dung hài hước thôi. Muốn đi xa hơn mình phải đào sâu hơn, như việc phải tìm hiểu về cấu tạo cơ thể (cơ bắp, trao đổi chất...), dinh dưỡng... Mà mình lại không thích việc "nửa vời", thế là mình nghĩ đến skincare. Tại thời điểm đó, mỗi thứ một chút không phải là hướng đi tốt nhất cho mình, nên bắt buộc phải tính toán kỹ lưỡng.

Sau một khoảng thời gian cân nhắc, mình quyết định chọn skincare. Vì trước đó mình đã có kiến thức cơ bản về các sản phẩm, cũng đã có một thời gian dài trải nghiệm, mình cũng có những người bạn làm việc trong lĩnh vực da liễu, nghiên cứu các hợp chất... Nên mọi thứ có vẻ "rộng cửa" hơn với mình.

Bắt đầu quá trình skincare từ lần "đắp ké mặt nạ của bạn gái"

2 phút tóm tắt quá trình "dấn thân" vào skincare của Lương?

Trước đây "chăm sóc da" của mình chỉ dừng lại ở 1 chai nước tẩy trang, 1 tuýp sữa rửa mặt và 1 lọ kem dưỡng mà các bạn có thể tìm thấy tại siêu thị. Lâu lâu thì mình có xin... đắp ké mặt nạ của bạn gái.

Nghiêm túc tìm hiểu về chăm sóc da thì chắc là vào năm 2018, khi mình chuẩn bị về nước để dự đám cưới của bạn. Lúc mới qua New Zealand, vừa học vừa làm nên mình cũng trông khá "tàn tạ". Nói chung ban đầu cũng ngại lắm, chỉ dừng lại ở việc "bán cho em một bộ sản phẩm làm trắng, sáng da" thôi. Từ từ mình mới học hỏi được nhiều hơn như bây giờ.

Phản hồi thế nào về việc cứ review skincare là... LGBT+?

Lúc đầu mình cũng gặp nhiều, mẹ mình cũng bảo là con trai thì chăm da ít thôi (cười). Nhưng mình rời nhà từ sớm, tự lập cũng từ sớm, nên cũng sớm "miễn nhiễm" với những lời bình luận của mọi người rồi.

Không thể phủ nhận, đã và đang có rất nhiều các nhà sáng tạo nội dung, TikToker thuộc cộng đồng LGBT+ đang hoạt động và làm việc trong lĩnh vực này. Nhưng nam giới trong lĩnh vực skincare thì vẫn tương đối mới mẻ, và như bạn thấy, còn gặp nhiều định kiến. Thế nên "vị trí" của mình trong mảng có thể sẽ có thêm lợi thế và dễ gây tò mò hơn.

Khi nào bạn biết những chia sẻ về skincare của mình "có sức ảnh hưởng"?

Chắc là khi mọi người xung quanh mình có sự cải thiện về da dẻ và phản hồi với mình về điều đó. Mấy anh em cùng nhà du học sinh, lúc đầu cũng hỏi mình dưỡng da, rồi mình chia sẻ cho họ. Người thân trong nhà cũng dần có thói quen sẽ tham khảo ý kiến mình mỗi lúc mọi người cần mua một sản phẩm gì đó.

Đến tận bây giờ Lương vẫn là một Affiliate, đã bao giờ Lương nghiêm túc suy nghĩ đến việc trở thành một KOL hay KOC?

Trở thành Affiliate sẽ tự do hơn, cho bạn nhiều không gian cá nhân hơn mà không bên nào giám sát về phần nội dung của bạn.

Còn khi làm việc với nhãn hàng lại phải lưu ý rất nhiều. Giả sử sản phẩm vẫn còn khuyết điểm, thì cách bạn truyền tải phải để người xem ý thức được điều đó nhưng không được quá phũ phàng quá chỉ để lấy tương tác.

Vậy nên mình nghĩ trước mắt, việc trở thành một KOL hay KOC chưa phải là ưu tiên hàng đầu của mình vì nó không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn thu hiện tại của bản thân.

Vậy nguồn thu của Lương hẳn cũng rất "khủng"?

Ban đầu mình cũng trầy trật lắm. Mình nhớ khoảng tầm 4, 5 tháng đầu, chắc chắn là không đủ rồi, mình chỉ được khoảng 200 - 300 nghìn, 1 triệu đồng là nhiều. Từ khi TikTok Shop về Việt Nam, hình thức livestream trở nên phổ biến thì mình cũng có nhiều cơ hội mới. Bây giờ thì mình đã có thể dư dả một chút để vừa vận hành công việc kinh doanh, chi trả cho việc thuê nhân sự và và dùng cho các hoạt động cá nhân.

Hoài Lan - Lê Khanh - Bảo Ngọc