Đắng cay giấc mộng xuyên núi tìm trầm

Tuy nhiên, "ăn của rừng rưng rưng nước mắt", bao người đã phải đổi cả tính mạng vì kỳ nam, trầm hương.

Náo loạn vì tin đồn trúng trầm tiền tỷ

Trong vai người muốn tìm trầm sau tin đồn rộ lên hồi đầu tháng 4, PV gặp ông Trần Văn Thắng (50 tuổi, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh ú Yên). Tuy nhiên, chưa kịp nói gì, ông đã đáp lại với ánh mắt khó hiểu: "Đi một mình à? Không phải dân bản địa, không có người đi cùng sao tìm trầm kỳ được".

Nhiều người đổ xô đi tìm trầm trong thời gian qua.

Ông Thắng làm nghề lao động tự do trên địa bàn, nhưng không cơn sốt trúng trầm nào ông không có mặt để hòa cùng dòng người tiến thẳng vào những dãy núi khuất sâu trong rừng. Lần này, ông cũng vừa kết thúc hơn tuần lễ cùng nhóm phu trầm vào rừng, nhưng ra về trắng tay.

Chỉ tay về đỉnh núi xa ngút tầm mắt, ông Thắng bảo: "Núi Đại Lãnh đó, một bên là của Phú Yên, còn bên kia là huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Bao đời nay, người dân coi đó là lãnh địa của trầm kỳ. Lần này tôi lại thất bại, chẳng đào được gì. Trong rừng sâu còn nhiều người lắm. Ai cũng cắm mặt đào bới, tìm kiếm. Có trúng thì họ cũng im lặng chẳng nói cho ai biết".

Từ quốc lộ 1A vào núi Đại Lãnh đường sá dễ đi. Nhưng từ bìa rừng vào đến khu vực được đồn là có trầm, phải đi mấy ngày đường với bao trắc trở.

Nửa tháng sau khi xuất hiện tin đồn trúng kỳ nam, cả vùng quê Hòa Xuân Nam đến khu vực Vạn Ninh vẫn râm ran câu chuyện trầm kỳ trong khắp các thôn xóm, hàng quán.

Từ đầu tháng 4, hàng trăm người đột nhiên bỏ mọi công việc đang làm để cầm cuốc, xà beng, vượt hàng chục kilomet vào rừng đặc dụng Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam) đào bới. Tin đồn có phu trầm trúng kỳ nam ở rừng đặc dụng bán được 10 tỷ đồng khiến bao người đứng ngồi không yên.

Lãnh đạo Công an thị xã Đông Hòa cho hay, đây không phải lần đầu tiên tin đồn trúng trầm kỳ nổi lên ở địa bàn. Người trúng đâu không thấy, nhưng lực lượng chức năng địa phương thêm vất vả để đảm bảo an ninh trật tự. "Trong dòng người kéo vào rừng, có người tìm trầm thật, nhưng cũng có những đối tượng lợi dụng để trộm cướp", vị này cho hay.

Những chuyến đi không biết ngày về

Không riêng Đông Hòa, ở vị trí cách khu vực tin đồn trúng kỳ nam chừng hơn 20km, Vạn Ninh được xem là thủ phủ của nghề "ngậm ngải tìm trầm". Nhiều người dân ở đây xem hành trình săn trầm là nghề gia truyền nhiều thế hệ.

Ông Lê Anh Dũng (phải) chia sẻ cách phân biệt các loại trầm hương.

Sau khi thuyết phục, PV được ông Đ (người ở huyện Vạn Ninh) đồng ý giới thiệu cho theo nhóm đi tìm trầm. Tuy nhiên, ít ngày sau, ông Đ điện thoại thông báo, những toán phu đi trầm quen biết đều đã khăn gói đi tìm trầm ở nhiều nơi. Giữa rừng sâu không có sóng điện thoại nên việc liên hệ bất khả thi. "Gặp phu trầm đã khó, để họ kể về nghề còn khó hơn. Ít ai cởi mở lắm, vì họ xem đó là bí mật", ông Đ nói.

Tiếp đó, PV gặp được ông H.D.V (62 tuổi, ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), người từng rong ruổi khắp các cánh rừng già tìm trầm, nay "gác kiếm" chuyển sang buôn hàng đông lạnh.

Ông V kể, sinh ra và lớn lên dưới chân núi Hòn Chảo (dãy núi có thung lũng hình chảo, bao quanh huyện Vạn Ninh), ông cũng như nhiều người dân địa phương gắn bó với nghề phu trầm. Thời điểm cao nhất, Vạn Ninh có đến cả nghìn người đi núi tìm trầm. "Đếm không xuể, giữa rừng sâu chỉ cần nghe giọng là nhận ra người quê mình", ông V nói.

Năm 16 tuổi, ông V cũng vác ba lô đi núi tìm trầm với các bậc đàn anh. Nhiều năm cắt rừng, xuyên núi, ông đã đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu cho mỗi chuyến đi. Những chuyến đi không biên giới, không chốt ngày về. Mặc dù ở Khánh Hòa nhưng nhiều chuyến, nhóm của ông lên Đắk Lắk, Lâm Đồng, sang Kon Tum, Gia Lai, vòng xuống Quảng Ngãi, Bình Định... thậm chí sang tận Lào.

Một bầu (nhóm) đi tìm trầm phải từ ba người trở lên. Hành trang của mỗi người là chiếc ba lô đựng đầy nhu yếu phẩm, một chiếc rựa phát cây và một chiếc cúp (dụng cụ một đầu dùng để đào, một đầu dùng để chặt). Còn một thứ không thể thiếu là đồ lễ để cúng thổ thần, cầu mong được ban lộc của rừng già.

"Chuyện "ngậm ngải tìm trầm" là có thật, ngậm ngải giúp mình thấy trầm mà người khác không thấy được. Đây là loại thuốc lá của đồng bào Tây Nguyên xua chướng khí, chữa rắn cắn. Phu trầm quan niệm, ngậm trong miệng lúc đi rừng sẽ khỏe mạnh hơn, thú dữ, rắn rết cũng tránh xa. Vì vậy, ngày trước ngải là thứ không thể thiếu. Còn giờ không có nữa, vì đã có thuốc men, điện thoại, la bàn...", ông V kể.

Theo ông V, đi tìm trầm thường không có đường sẵn, bởi mỗi bước chân của phu trầm đi qua là núi rừng, ghềnh thác. Gặp núi vượt núi, gặp suối qua suối. Đi đến đâu lấy rựa chặt vào thân cây, vách đá đánh dấu đường về. Khi thấy dấu hiệu có trầm thì người phát hiện tìm cách hú (kêu to) cho người cùng nhóm để chặt cây mang về lều để soi trầm.

Đánh đổi tính mạng

Nhìn dãy núi Hòn Chảo chắn ngang tầm mắt phía trước, ông V nói, phía trước địa hình đi lại khó khăn, nhiều người giàu kinh nghiệm vẫn bị lạc rừng. Người không trúng coi như trắng tay, còn người trúng thì đối mặt nhiều mối lo sợ.

Trầm cảnh hiện nay được nhiều người ưa chuộng để sử dụng vào mục đích phong thủy.

Theo ông V, ngoài sợ bị lực lượng chức năng thu giữ sản vật, phu trầm còn lo sợ bị cướp, đe dọa tính mạng. Giữa rừng thiêng nước độc nên chuyện cướp là không tránh khỏi. Thường mỗi khi trúng trầm kỳ, nhóm phu trầm sẽ cắt cử người kinh nghiệm được giao giữ trầm, còn lại bố trí người đi trước để do thám tình hình. Nếu có biến thì người giữ trầm sẽ cắt rừng thoát về một mình.

"Trên hành trình tìm kỳ nam, không ít người đánh đổi cả tính mạng. Điển hình như trường hợp N.N.Q (trú Quảng Bình) vẫn được giới săn trầm nhắc nhớ như một ám ảnh về nghề. Lần đó Q cùng một số người sang tận cánh rừng biên giới Việt - Lào để tìm trầm.

Một buổi chiều, khi nhóm trở về lán thì tiếng súng vang lên. Thấy Q trúng đạn gục xuống, mọi người tìm đường trốn thoát, đến đêm quay lại tìm thi thể Q và chôn cất. Nhiều năm sau, mọi người lại cắt rừng đến mang hài cốt về quê an táng", ông V kể.

Ông L.V.D, một cựu phu trầm, sống gần nhà ông V cho hay: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Bao nhiêu người phải đổi cả tính mạng vì kỳ nam, vì trầm hương. Tiền bán trầm cuối cùng cũng hết nếu không sử dụng đúng cách, không biết chia sẻ…".

Một cán bộ UBND huyện Vạn Ninh cho biết: "Hiện số người đi tìm trầm trên địa bàn chưa thống kê được. Nhưng nhìn chung ngày càng giảm, bởi trầm không còn nhiều như xưa. Chính quyền cũng tuyên truyền, vận động người dân không nên mạo hiểm đi núi, vừa không an toàn vừa tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng".

Tưởng Cao Sơn